Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Biển tên đường hay bảng thông tin tên đường?

Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 5-11-2019, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ  cho biết vừa gắn 10 biển tên đường có thông tin về tiểu sử danh nhân. Trong đó, có 4 tuyến đường thuộc quận Ninh Kiều, 5 tuyến thuộc quận Cái Răng và 1 tuyến thuộc quận Bình Thủy. Mỗi biển tên đường gồm tên đường, thông tin về chiều dài, điểm đầu – điểm cuối, năm sinh – năm mất danh nhân, chức vụ, công trạng… Tính đến nay, sở đã gắn 29 trụ biển báo tên đường mẫu với tóm tắt tiểu sử danh nhân tại các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn và Thốt Nốt.

Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ cũng đã yêu cầu các quận, huyện thực hiện gắn biển tên đường có kèm tiểu sử danh nhân tại các tuyến đường chính trên địa bàn.

Thiệt ra, đây không phải là biển tên đường mà phải gọi chính xác là bảng thông tin tên đường. Và như vây thì nó là cần thiết vì giúp ông đi qua, bà đi lại có thể biết thông tin chi tiết hơn về con đường mà mình đang đứng. Tất nhiên, nó không có chức năng như biển tên đường và chỉ được lắp dựng 1 vài bảng trên mỗi con đường như bảng thông tin mà thôi.

Trong thực tế, lâu nay tại một số địa phương có “sáng kiến” ghi thêm lên các biển tên đường những thông tin về nhân vật, sự kiện mà con đường được đặt tên. Báo hại tên đường quá nhỏ, mà tên đường mới là thông tin chính và chức năng của biển tên đường. Biển tên đường lại rối rắm, rối mắt vì quá chừng chữ. Mà ai có thời gian đứng đọc thông tin này. Có những chỗ lề đường hẹp, đứng đọc thông tin quá nguy hiểm. Mà thời CN4.0 và smart city rồi, ai cần thông tin chi tiết về đường thì cứ nhờ cụ Gúc-gồ giúp.

Biển tên đường chỉ nên là biển ghi tên đường. Còn nếu dư tiền (và dư hơi) thì cứ chế thêm tấm bảng thông tin chi tiết về đường gắn bên dưới biển tên đường cho ai quá quởn đứng đọc chơi cho nó đặc trưng đặc thù đặc biệt.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.