Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Lửa cháy thành Hương Cảng….

Báo Anh Telegraph sáng 18-11-2019 tường trình từ Hong Kong cho biết: Cảnh sát Hong Kong đã xông vào Đại học Bách Khoa Hong Kong Polytechnic University sáng 18-11 sau một đêm giằng co với những người biểu tình quyết liệt cố thủ bên trong khuôn viên trường mà họ chiếm từ cuối tuần. Lần đầu tiên trong cuộc khủng hoảng kéo dài 24 tuần, cảnh sát Hong Kong phát lời đe dọa sẽ dùng đạn thật nếu như những người biểu tình dùng vũ khí tấn công chống lại cảnh sát. Trong mấy ngày qua, những người biểu tình cố thủ trong trường ĐHBK (Poly U) đã dùng những quả bom xăng Molotov, cung tên, gạch đá… để chống trả cảnh sát. Vào đêm 17-11, có khoảng 200 – 500 người biểu tình cố thủ bên trong khuôn viên trường.

Louis Lau, người phát ngôn của Cảnh sát Hong Kong, phát live stream trên Facebook cảnh cáo: “Nếu họ (người biểu tình) tiếp tục những hành động nguy hiểm như vậy, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài sử dụng vũ lực tối thiểu, bao gồm cả dùng đạn thật (live rounds).”

Lời cảnh cáo này đã được cảnh sát đưa ra sau khi một viên cảnh sát bị một mũi tên bắn trúng bắp chân trong cuộc trao đổi qua lại giữa đạn cay (của cảnh sát) và bom xăng (của người biểu tình) suốt cả ngày. Những tấm ảnh viên cảnh sát bị trúng tên này đã được đưa lên trang Facebook Hong Kong Police và trên báo chí gây nhiều hiệu ứng trái ngược, nhưng chắc chắn sẽ gây bất lợi cho những người biểu tình khi họ chuyển qua hành động có thể bị coi là “bạo loạn” chứ không còn là “biểu tình”. Cảnh sát khẳng định đây là viên sĩ quan đại diện truyền thông (media liaison officer) – người có nhiệm vụ làm việc với báo chí trong các cuộc biểu tình này.

Trong khi đó, Giáo sư Ten Jin Huang, Chủ tịch Poly U, ra thông cáo cho biết: “Tôi vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với cảnh sát từ tối qua. Chúng tôi hiện đã nhận được sự bảo đảm của cảnh sát về việc tạm thời ngưng sử dụng vũ lực, với điều kiện nếu người biểu tình không khởi xướng việc sử dụng vũ lực, cảnh sát sẽ không khởi xướng việc sử dụng vũ lực.” Ông nói với những người biểu tình đang cố thủ: “Ngoài ra, chúng tôi đã nhận được sự cho phép của cảnh sát để các bạn rời khỏi khuôn viên trường một cách yên bình và tôi sẽ đích thân đi cùng bạn đến đồn cảnh sát để bảo đảm rằng vụ việc của các bạn sẽ được xử lý công bằng.” Người đứng đầu nhà trường nói thêm: “Đối với các sinh viên từ Poly U, văn phòng tư vấn và chăm sóc sức khỏe của chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn tư vấn và tất cả các hỗ trợ cần thiết để giúp bạn trong thời gian khó khăn này. Tôi hy vọng rằng bạn sẽ chấp nhận đề xuất tạm dừng vũ lực và rời khỏi trường một cách hòa bình.”

Theo phóng viên Michael Zhang tường trình từ Hong Kong trên báo Anh Telegraph, sáng thứ Hai 18-11-2019, cảnh sát Hong Kong đã bao vây chặt chung quanh trường Đại học Bách Khoa để ngăn chặn những người biểu tình chạy thoát khi cảnh sát xông vào. Báo Mỹ New York Times sáng 18-11-2019 dẫn lời kể của William Lau, 22 tuổi, một người biểu tình cố thủ trong trường Poly U, cho biết khoảng 50 người biểu tình đã bị bắt khi tìm cách thoát ra ngoài. Anh nhấn mạnh: “Cảnh sát không bao giờ để cho chúng tôi thoát ra một cách hòa bình đâu.” Và đó là lý do có những người biểu tình không dám thoát thân.

Có vẻ như cả hai bên đã mất kiên nhẫn khi vụ việc kéo dài và có vẻ chệch hướng so với ban đầu. Cuộc biểu tình gọi là “2019 Hong Kong protests” hay “Phong trào chống dự luật dẫn độ” (Anti-Extradition Law Amendment Bill (Anti-ELAB) movement) bùng nổ từ giữa năm 2019. Những người ủng hộ dân chủ lo sợ rằng dự thảo luật này là dấu hiệu gia tăng sự kiểm soát Hong Kong từ Bắc Kinh. Cuộc biểu tình tuần hành đầu tiên được tổ chức ngày 9-6-2019 với 1 triệu người tham gia yêu cầu rút bỏ dự luật này. Do không đạt kết quả, ngày 12-6, những người phản đối đã kéo biểu tình bên ngoài Tòa nhà Legislative Council Complex (nơi đặt trụ sở cơ quan lập pháp và chính quyền Hong Kong) khi dự luật này được trình lần thứ hai. Và trước làn sóng biểu tình chống đối, ngày 15-6, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), Đặc khu trưởng (Chief Executive) Hong Kong, đã hoãn trình dự luật và tới ngày 9-7 tuyên bố dự luật này đã “chết”. Nhưng phải tới ngày 23-10-2019, dự luật dẫn độ này mới bị chính thức rút bỏ.

Từ khởi điểm chống dự luật dẫn độ, sau khi đạt được kết quả bước đầu, những người biểu tình “thừa thắng xông lên” mở rộng thành yêu cầu cải tổ dân chủ mạnh mẽ hơn và đòi mở cuộc điều tra độc lập về tình trạng bạo lực của cảnh sát. Mặc dù đã chấp nhận nhượng bộ rút dự luật dẫn độ, chính quyền Hong Kong vào hạ tuần tháng 10-2019 vẫn bác bỏ 4 yêu cầu khác từ phía biểu tình. Và trong thời gian gần đây, các cuộc biểu tình chống đối ở Hong Kong đã mất dần tính ôn hòa, bất bạo động.

Vào chiều Chủ nhật 17-11-2019, cảnh sát đã chuẩn bị trấn áp cuộc cố thủ của người biểu tình tại Đại học Bách Khoa bằng việc triển khai súng canon nước và xe bọc thép, phá vỡ các hàng rào rải đầy gạch và đinh và dùng đạn hơi cay có thuốc nhuộm màu xanh. Cảnh sát ra hạn chót cho những người đang chiếm campus này phải đầu hàng lúc 22g tối Chủ nhật 17-11-2019 (tức 21g tối ở Việt Nam).

Nhiều người bên ngoài lo ngại rằng những người tổ chức các cuộc biểu tình ở Hong Kong bị mất khả năng kiểm soát, để sử dụng bạo lực biến biểu tình thành bạo loạn. Và đó chính là cái cớ hợp pháp cho nhà chức trách động thủ. Bạo lực có thể do chính những người biểu tình vốn hầu hêt là người trẻ quá say máu và dễ mất kiểm soát, nhưng cũng có thể bị ai đó kích động, cài cắm gây ra theo bí kíp “kích động bạo lực phá biểu tình”.

Ngày thứ Bảy 16-11, trên các kênh truyền thông rộ lên hình ảnh những người biểu tình dùng cung tên, có cả loại mũi tên lửa, bom xăng, gạch đá… tấn công cảnh sát. Bên cạnh đó là hình ảnh những binh sĩ Trung Quốc đóng tại Hong Kong mặc quần short áo thun ra đường dọn dẹp gạch đá chướng ngại vật do những người biểu tình để lại ngổn ngang. Nó trái ngược với những hình ảnh “đẹp mắt hả lòng” trước đây khi những người biểu tình sau cuộc biểu dương lực lượng xúm lại thu dọn rác sạch sẽ.

Bất luận thế nào, việc bị cho là khởi xướng bạo lực, bạo động, bạo loạn đều gây bất lợi cho phong trào biểu tình dân chủ ở Hong Kong. Không một nhà cầm quyền nào trên thế giới chấp nhận điều đó. Người ta thường luôn dành cảm tình và sự thông cảm cho những người thân cô thế cô bị đàn áp. Tỉnh táo, tỉnh thức, khôn ngoan và nhẫn nại tìm ra những giải pháp khả thi vẫn luôn tốt cho tất cả.

Chỉ có điều, đây là chuyện của Hong Kong phải do chính người Hong Kong làm chủ.

P.H.P.