Thứ Năm ngày 26 tháng 12 năm 2024

Tính nhân bản của nền giáo dục miền Nam Việt Nam trước 1975

Tôi vừa được một người bạn đồng môn chia sẻ một bài viết trên website của cựu học sinh Trung học Ngô Quyền (Biên Hòa). Bài khảo luận “Tính nhân bản trong bài học quốc văn tiểu học miền Nam trước 75” của tác giả Nguyễn Văn Bon, PhD (UWS). Và tôi xin phép tác giả được trích lại ở đây Phần 2 của bài viết dài này.

Xin mời bạn đọc phần trích:

2 trang chụp từ sách giáo khoa ở Saigon trước 1975. (Nguồn: Internet. Thanks).

II. Khái niệm về nhân bản và triết lý nhân bản của nền giáo dục Miền Nam trước năm 1975.

Từ năm 1959, nền giáo dục Miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) đã lấy nguyên tắc căn bản: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng làm triết lý giáo dục, và được ghi lại trong hiến pháp 1967.

Ba nguyên tắc căn bản: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng là mục đích và tôn chỉ của nền giáo dục Miền Nam. Chính những nguyên tắc này đã giữ cho truyền thống dân tộc được bảo tồn và phát triển vững vàng, nhưng không bảo thủ, và từng bước theo kịp đà tiến triển của nhân loại.

Nền giáo dục nhân bản lấy con người làm gốc, tôn trọng giá trị của con người, đề cao giá trị siêu việt của con người. Con người khác hơn các sinh vật khác, con người có suy tư, có sáng tạo và làm cho đời sống càng ngày càng nâng cao. Con người cần được no cơm ấm áo, tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng.

Trong xã hội có những cá nhân khác biệt, nhưng không thể đánh giá con người qua sự khác biệt đó để kỳ thị giàu nghèo, giới tính, tôn giáo, địa phương, chủng tộc…

Mọi người đều được hưởng đồng đêu về giáo dục. Đường hướng của nền giáo dục nhân bản là rèn luyện con người có nhân cách, có thái độ sống phù hợp với nguyên tắc đạo lý mà mọi người thừa nhận.

Do đó, một con người có nhân cách sẽ có lòng yêu thương: yêu gia đình, yêu đồng bào đồng loại và yêu quê hương đất nước. Nói cách khác, giáo dục không phải chỉ dạy kỹ năng nghề nghiệp hay kiến thức mà phải dạy làm người.

NGUYỄN VĂN BON, Ph.D (UWS)

Bài viết đầy đủ tại đây.