Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Bóng đá U23 Việt Nam dừng chân từ vòng bảng AFC Châu Á 2020

Toang rồi ông giáo ạ. Cánh cửa quá hẹp mà Nam Hàn không thể đi lọt, đành cùng Bắc Hàn dắt nhau về ăn Tết Canh Tý 2020 ở… Việt Nam.

Ở bảng D, 2 đội Triều Tiên đá nhau và 2 đội Arập đá nhau cùng giờ trong trận cuối vòng bảng, từ 8g tối 16-1-2020 (theo giờ Thái Lan cũng y như giờ VN). Mà 2 đội Triều Tiên định mệnh lại do trọng tài Arập (Iraq) cầm còi. Sao lại là 2 đội Triều Tiên? Ờ, hai đội đều do HLV bán đảo Triều Tiên cầm quân. Ở đội U23 Việt Nam là ông Park Hang-seo (Hàn Quốc). Còn ở đội U23 CHDCND Triều Tiên là ông Ju Song-il (DPRK).

Lời nguyền là 2 đội Arập: Jordan và UAE mà hòa nhau có tỉ số thì đội VN phải dừng chân cho dù có thắng đội DPRK bao nhiêu trái. Và định mệnh gọi tên khi lời nguyền ứng nghiệm. Trên sân Buriram (tỉnh Buriram), phút 41, UEA mở tỉ số 1-0 và phút 79, Jordan gỡ lại 1-1. Trong khi đó trên sân Rajamangala (Bangkok), phút 16, Tiến Linh ghi bàn đầu tiên của U23 Việt Nam tại giải mở tí số 1-0; phút 27, từ cú sút xa gần 30m của U23 DPRK, thủ môn Tiến Dũng đấm bóng hỏng để bóng vào lưới nhà cho tỉ số 1-1; và tới phút 90, DPRK ghi bàn bằng quả penalty ấn định tỷ số chung cuộc 2-1 cho DPRK.

Vậy là ở bảng D, VN đương kim Á quân 2018 là đội duy nhất trong 4 đội không thắng trận nào (hòa 2, thua 1, được 2 điểm). DPRK thắng 1, thua 2 được 3 điểm. Hai đội UAE (nhất bảng) và Jordan (nhì bảng) cùng được 5 điểm, cùng tay trong tay vào vòng tứ kết. (Dù trong thời gian qua bị người hâm mộ một nước láng giềng cười cợt, đội bóng đá Thái Lan lần này lại vào tiếp vòng trong sau khi đứng nhì bảng A với 4 điểm.)

HLV Park Hang-seo (giữa) và ban huấn luyện đội U23 Việt Nam buồn bã sau khi đội Việt Nam lãnh quả penenty ấn định tỷ sớ 2-1 cho đội DRPK. (Ảnh chụp từ TV đang Live).

Có người nói đội U23 VN dự vòng chung kết U23 Châu Á này đã đuối sau khi đội U22 vắt kiệt sức giành được Cúp vô địch bóng đá SEA Games 30 ở Philippines mới hồi đầu tháng 12-2019. Nhưng có một thực tế là lần này HLV Park Hang-seo đã phải ra trận mà không có nhiều quân để lựa chọn và thay thế. Và cũng phải thừa nhận một thực tế không như là mơ, dù trình độ đã cao hơn trước, nhưng bóng đá VN vẫn chỉ ngon lành ở “ao làng” Đông Nam Á (mà sẽ có nhiều nguy cơ khi đội Thái Lan – đối thủ truyền kiếp – đang lột xác lấy lại phong độ và đẳng cấp). Ở đấu trường Châu Á đầy những ẩn số X và có nhiều anh tài, đội VN không phải là xuất sắc và tự tin thật sự ở đẳng cấp này. Và SEA Games hay U23 Châu Á chỉ mang tính phong trào, không phải là cuộc tranh tài của các đội tuyển quốc gia. Trong khi VN mang đến các giải khu vực này gần như cả thành phần đội tuyển quốc gia thì hầu hết đối thủ còn xa mới tới đẳng cấp tuyển thủ quốc gia. Có khi phải hạ cánh xuống mặt đất chớ “bay lên” miết không mỏi cánh thì cũng hết xăng.

Các cổ động viên VN không còn có cơ hội đồng ca bài “Xuân này con không về” vì bóng đá. Các cầu thủ U23 VN lại được ăn Tết với gia đình. Mai đã là 23 Tết, ngày đưa ông Công ông Táo, nhà bao việc…

Trong thể thao, thắng thua là chuyện bình thường, kể cả phải chấp nhận những trận thua do định mệnh hên xui. Chỉ cần thắng không kiêu, bại không nản, luôn biết mình là ai và tràn đầy khát vọng. Bóng đá Việt Nam thiệt ra vẫn chông chênh, ngổn ngang nhà bao việc. 2 năm nay, khởi từ chức Á quân U23 Châu Á 2018 vất vả giành được giữa bão tuyết Thường Châu (Changzhou, Trung Quốc), người hâm mộ VN cuồng nhiệt nhất Bắc bán cầu say men chiến thắng, tới mức có khi tưởng rằng mình giờ bất khả chiến bại. Và thực tế thì các cầu thủ bóng đá VN cũng đá lên chân hơn, tự tin hơn, và đội VN từ chỗ nhận vai chạy cờ, “lót đường”, đã được coi là một đối thủ đáng quan ngại hơn. Nhưng tất cả hầu như chủ yếu phó vào bàn tay của nhà “phù thủy” xứ Kim Chi với niềm tin có cái túi pháp thuật Thạch Sanh bất tận. Lại có vẻ ta đang ăn tới những hột lúa cuối cùng mà lúa giống thì không được chuẩn bị đầy đủ. Tướng tài mà thiếu quân giỏi thì cũng… toang!

PHẠM HỒNG PHƯỚC