Thứ Hai ngày 27 tháng 1 năm 2025

Báo ăn Tết sớm

Sáng Chủ nhật cuối cùng của năm Kỷ Hợi, trên đường đi lễ về, tôi ghé một tiệm văn phòng phẩm có bán báo trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM) để mua tờ báo số Chủ nhật có in bài mới nhất của mình. Bà chủ nói rằng bữa nay coi như là ngày cuối có báo, chỉ có duy nhất một tờ NLĐ là còn ra tiếp số thứ Hai, còn thì các báo ngày khác ra số Tất niên ngay Chủ nhật 19-1-2020, tức 25 Tết.

Tất nhiên, các báo chỉ nghỉ xuất bản báo in, còn báo điện tử thì vẫn 24/7, thậm chí sốt nóng, tất bật hơn trong những ngày cận Tết và trong Tết – thời gian tung hoành và cạnh tranh giữa các báo điện tử.

Báo Tuổi Trẻ ra số Tất niên ngày Chủ nhật 19-1-2020 (25 Tết).

Còn nhớ trước đây, khi báo in vẫn còn “lộng lẫy”, đã có vài tờ báo ở TP.HCM dự định vẫn tiếp tục ra báo ngay trong những ngày Tết, thay vì nghỉ Tết như truyền thống. Mà lúc đó Internet chưa phát triển rộng khắp như ngày nay, nên hễ báo in nghỉ thì người ta không có báo để đọc trong những ngày Tết. Tuy nhiên, cuối cùng thì dự án đó bị phá sản chỉ vì sự phản đối từ… các nhà phát hành báo. Một phần họ muốn được nghỉ Tết, phần khác họ hiểu số lượng báo bán trong những ngày Tết không nhiều. Kết quả là các báo không thể ra báo ngày Tết vì không có ai bán.

Báo Người Lao Động vẫn ra số Chủ nhật bình thường vào ngày Chủ nhật 19-1-2020 (25 Tết). Nghĩa là chưa nghỉ Tết.

Nhân tiện, tôi hỏi mua một tờ báo quen. Bà chủ lắc đầu: “Báo đó nghỉ lâu rồi mà anh. Mấy năm gần đây, nhiều báo nghỉ lắm. Chẳng bù như trước kia, báo mới ra liên tục, nhiều tới mức không thể nhớ nổi tên.” Bà chủ tiệm bán báo thòng thêm: “Năm 2020 này sẽ có thêm những tờ báo khác nghỉ nữa đó.” Ngoài yếu tố kinh tế, lỗ chịu hết nổi, bây giờ báo nghỉ chơi còn là do bị ảnh hưởng bởi quy hoạch báo chí mà năm 2020 là cao điểm giai đoạn đầu. Mở hàng là 2 tờ báo Nhân đạo và Đời sống của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Thời báo Kinh tế Việt Nam của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam. Hai tờ báo này phải ngừng xuất bản từ ngày 17-1-2020.

Trong năm 2019, 24 tổ chức hội trung ương với 38 cơ quan báo, tạp chí phải sắp xếp theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tại quyết định đã được Thủ tướng phê duyệt, theo đó các tổ chức hội trung ương chỉ có một tạp chí, không có cơ quan báo. Và tới ngày 15-1-2020, vẫn còn 2 tổ chức vừa nêu chưa có hồ sơ, thủ tục gửi Bộ TT&TT để tiến hành các thủ tục sắp xếp lại theo quy định. 

Vì thế, Tết Canh Tý 2020 là một cái Tết ngổn ngang tâm tư tình cảm của giới báo chí. Trong năm này, hàng loạt tờ báo, tạp chí sẽ không còn nữa, hay là phải hoạt động dưới hình thức khác. Có nghĩa là, một bộ phận không nhỏ người viết báo, làm báo sẽ phải đổi nghề nếu không thể đổi báo. Người hiểu chuyện nói rằng chuyện quy hoạch lại hệ thống báo chí là thật sự cần thiết trước thực tế tình hình báo chí hiện nay, cũng như với yêu cầu thông tin tuyên truyền mới của nhà nước lúc này. Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế, đây cũng là hệ lụy của một thời người người ra báo, nhà nhà ra báo khi cơ quan quản lý quá “dễ dãi” cho ra báo.

PHẠM HỒNG PHƯỚC