Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Anh đi trước nhé Vũ Đức Sao Biển

Khuya qua, 6-5-2020, anh bạn Nguyễn Đức Hiển – đồng nghiệp, đồng nhiệm sở và cũng là láng giềng của anh Vũ Đức Sao Biển – báo hung tin người bạn chung của chúng tôi đã qua đời sau 2 năm chống chỏi ngoan cường với bệnh ung thu vòm họng di chứng qua phổi. Vậy là “Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ” để bạn bè từ nay “Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ” (trích từ ca khúc nổi tiếng “Thu, hát cho người” của anh).

Tôi quen Vũ Đức Sao Biển lâu lắm rồi, từ khi còn làm ở báo Long An mà anh là một cộng tác viên thân hữu trụ cột đầu thập niên 1980. Sau này lại có dịp cùng cộng tác với nhau ở báo Công an TP.HCM rồi báo Pháp luật TP.HCM. Chúng tôi trở thành một đôi bạn vong niên của nhau.

Tất nhiên, với độ dài thời gian gần 4 thập niên đó, tôi có nhiều kỷ niệm với anh. Nhiều nhất là thời cùng nhau làm báo Long An Cuối Tuần (mà tôi là chủ biên) và báo Long An Cười. Tôi đã có cơ hội chứng kiến anh tung hoành để đổi đời bằng cách viết tiểu thuyết kiếm hiệp tân biên trong thời đổi mới thị trường xuất bản những năm đầu thập niên 1990. Trong nhà anh ở Nhà Bè có tấm bảng đen ghi bố cục tiểu thuyết với tên các nhân vật (khi nào xuất hiện, quan hệ với ai,…) rất mạch lạc để anh có thể quản lý chặt các nhân vật và tình tiết câu chuyện. Tiểu thuyết kiếm hiệp quả là sở trường của anh – một người được mệnh danh là “nhà Kim Dung học”, với nền tảng cử nhân ban Việt – Hán (Đại học Sư phạm Sài Gòn) và cử nhân ban Triết học Phương Đông (Đại học Văn khoa Sài Gòn) mà anh tốt nghiệp năm 1970 rồi xuống Bạc Liêu làm giáo sư Quốc văn và Triết học trung học đệ nhị cấp cho tới tận 1975.

Sau 1975, khi viết trào phúng, Vũ Đức Sao Biển ký bút danh Đồ Bì là chính, có thêm bút danh Đinh Ba, Mạc Đại. Với sở trường và kiến văn của mình, anh – ít ra với nhận xét của tôi – là tác giả hiếm hoi ở Việt Nam viết được trào phúng với thể Phú của Cổ văn, mà viết cực hay. Thế Phú không chỉ phải tuân thủ niêm luật, có vần, có đối, có khuôn bố cục mà cần phải có vốn điển tích dồi dào, phong phú. Và đó chính là sở trường của ông thầy đồ xứ Quảng ở miền Tây Nam bộ.

Vũ Đức Sao Biển là một văn nhân. Anh sáng tác nhiều ca khúc mà nổi tiếng nhất và cũng bắt đầu có tiếng từ bài “Thu, hát cho người”, viết năm 1968 (khi 20 tuổi) ở Sài Gòn. Đây là một bài hát khiến không ít người ngộ nhận về hai chuyện. Với giai điệu và ca từ, nó dễ bị  tưởng là một tình khúc thời Tiền chiến. Với cái tên “thu” và ca từ, người ta thường nghĩ anh viết về mùa thu, trong khi thực tế anh viết cho một người tình trong mộng tên Thu, Hồ Thị Thu cùng quê của mình thời học sinh. Cô nữ sinh xinh đẹp này cũng là nhân vật trong ca khúc “Ru con tình cũ” của nhà thơ – nhạc sĩ đồng hương Đynh Trầm Ca – một người bạn chung của tôi thời làm báo Long An. Hai chàng thư sinh đồng hương cùng si tình một nàng Thu.

Sự thật về Thu trong “Thu, hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển

Vũ Đức Sao Biển viết hàng trăm ca khúc, nhưng tôi chỉ yêu nhất là những ca khúc “Thu, hát cho người”, “Điệu buồn phương Nam”, “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang”,…

Xin mời nghe ca khúc “Thu, hát cho người” qua tiếng hát của ca sĩ Lệ Thu, người hát bài này hay nhất.

Có lẽ ít có người nghiên cứu ở Việt Nam nào mê và hiểu nhà văn kiếm hiệp Kim Dung (Jin Yon, 1924-2018) như Vũ Đức Sao Biển. Bộ biên khảo 4 quyển “Kim Dung giữa đời tôi” của anh có thể được coi là “bí kíp gối đầu giường” của các môn đồ kiếm hiệp kỳ tình. Và chắc hẳn, khi còn sinh tiền, chưa diện kiến nhau, giờ đây ở nơi xa xôi của thế giới phẳng đó, anh và nhà văn Kim Dung sẽ có thể đàm đạo cùng nhau.

Thôi thì thôi cũng đành vậy thôi, bây giờ, tôi tiễn biệt anh – một người tài hoa đa dạng.

Tôi mượn 4 câu gần cuối của bài hát “Thu, hát cho người” để tiễn anh Vũ Đức Sao Biển.

Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người.
Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi.
Mùa vàng lên, biêng biếc ánh chiều rơi.
Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người.”

An nghỉ nhé anh Vũ Đức Sao Biển. Anh đã có được một kiếp người mà nhiều người hằng mơ ước. Và tôi tin rằng anh sẽ luôn ở trong tâm hồn những người yêu thích những tác phẩm của anh và anh sẽ luôn sống cùng những tác phẩm ấy.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.