Thứ Năm ngày 02 tháng 1 năm 2025

Sự tích Sao Hôm và Sao Mai

Sao Hôm và Sao Mai theo cách gọi dân gian Việt Nam chính là sao Kim Tinh (Venus) hoặc còn gọi là sao Thái Bạch, là hành tinh thứ 2 (tính từ Mặt Trời ra) thuộc Thái Dương Hệ của chúng ta. Trong chu kỳ 24 giờ, Sao Kim có 2 thời điểm đạt độ sáng lớn nhất ngay sát thời điểm hoàng hôn (gọi là Sao Hôm) hoặc bình minh (gọi là Sao Mai).

Hiện nay, trong kho tàng chuyện cổ tích dân gian Việt Nam có xuất hiện ít nhất 2 phiên bản kể về “Sự tích Sao Hôm và Sao Mai”. Và xin nói ngay, A Phủ chỉ khả tín với phiên bản 1 về anh tiều phu lấy vợ Tiên. Nó rất đẹp, theo motif chuyện thần tiên, dù kết đầy bi kịch. Đây mới là “chuyện cổ tich dành cho trẻ em”.  Còn phiên bản 2 về 2 anh em và cô chị dâu thì nó có gì đó sai sai, và có lẽ không thích hợp với trẻ em, chỉ hạp khẩu vị của các ông – “chuyện cổ tích dành cho người lớn”. Thêm nữa, phiên bản 2 là một lời cảnh báo cho các ông nào có tật táy máy tay chân, thích sờ bụng người khác.

A Phủ xin phép copy and paste lại 2 phiên bản “Sự tích Sao Hôm và Sao Mai” ở đây để các bạn tham khảo. Một lần nữa, A Phủ nghĩ không nên cho trẻ em đọc phiên bản 2, ít nhất cũng khỏi mất công giải thích xyz. Và cũng xin e ấp nói rằng: không phải bất cứ chuyện cổ tích nào cũng đều dành cho trẻ em.

PHIÊN BẢN 1:

Xưa có một anh tiều phu nọ đến suối thình lình gặp một bầy tiên đang tắm. Tiên vội khoác áo bay về trời, còn sót lại một cô bay không được vì bộ áo của cô bị anh tiều phu giấu. Nhờ vậy, anh tiều phu nọ bắt cô tiên về làm vợ. Anh giấu bộ quần áo nọ thật kỹ dưới đáy bồ lúa, sợ vợ thấy được, ăn cắp bay trở về trời.

Họ sinh được đứa con trai. Hôm nọ, anh tiều phu đi vắng nhằm lúc ở nhà có người đến xin lúa. Khi xúc tới đáy bồ, bộ xiêm y lòi ra. Vợ hết sức mừng rỡ, mặc vào rồi nói lại với đứa con:

– Mẹ đây cốt tiên, không thể nào ở mãi dưới trần thế được. Con đừng buồn, Mẹ để lại cho con cái lược này làm dấu tích.

Dứt lời nàng bay mất. Anh tiều phu về, hay được sự tình, ngã lăn ra khóc lóc, bất tỉnh nhân sự. Từ đó, ngày này qua ngày khác, anh dắt con ra suối tìm hình dáng người xưa. Suối đó vốn là suối tiên. Khi về được nơi tiên giới rồi, nàng tiên nọ không dám trở lại nữa, nên sai Ngọc Nữ xuống múc nước thế cho mình.

Bữa đó hai cha con anh tiều phu gặp hai cô gái đang múc nước tại suối. Anh hỏi han tin tức nàng tiên, hai cô nọ trả lời không biết. Trong lúc nói chuyện qua lại đứa con anh làm rớt cây lược vô trong hũ nước. Chừng đem hũ nước về tiên giới, nàng Tiên nọ nhận ra chồng con mình đến suối để tìm, Nàng nói:

– Ngọc Nữ hãy đem cái khăn này xuống cõi trần, bảo anh tiều phu và đứa con bịt nó ngang đầu, khăn phép này sẽ giúp họ đằng vân về đây. Anh tiều phu làm y theo lời.

Quả nhiên đến cõi tiên gặp mặt vợ. Sau phút sum họp, nàng Tiên nói:

– Ta là Tiên, chàng là khách tục. Hai ta không thể sum họp được hôm nay chỉ tạm gặp mặt nhau, rồi đây phải từ biệt.

Nàng Tiên bèn thết tiệc rồi bảo chồng và con lên ngồi trên một cái trống lớn có cơm đem theo để ăn dọc đường. Trên này có dây thòng xuống. Khi nào đến mặt đất thì anh phải đánh trống lên để trên này biết chừng mà chặt đứt dây.

Trống nọ thả xuống tòn ten giữa trời. Bỗng nhiên, có con quạ thấy đứa bé đang ăn cơm nên bu lại mổ vào. Trống kêu lên Tung tung. Trên này, ngỡ là chồng và con đã xuống tới đất, nàng Tiên chặt đứt dây, hai cha con anh tiều phu nọ phải té xuống biển mà chết.

Từ đó, sao Hôm và sao Mai mọc. Sao Hôm là anh tiều phu, sao Mai là nàng Tiên nọ. Họ không bao giờ gặp nhau. Đứa con thì hóa ra đòn gánh ở khoảng giữa mà ngóng cha trông mẹ.

PHIÊN BẢN 2:

Ngày xưa, ở làng kia có hai anh em trai mồ côi cha mẹ.

Em còn nhỏ dại nên anh không quản khó nhọc, lo làm lụng nuôi em.

Ở nhà, hai anh em quấn quýt bên nhau, anh đi đâu, em cũng không rời một bước.

Ngày ngày, đi cuốc đất gieo lúa, anh thường dắt em lên nương.

Bẫy được con chim, kiếm được bắp ngô, anh liền đốt lửa nấu chín, dành cho em ăn.

Còn em thì bảo gì là nghe nấy, không bao giờ trái lời.

Khi anh có vợ, cả ba anh chị em sống với nhau rất hoà thuận, vui vẻ.

Đến một ngày, làng bắt người anh đi phu.

Trước lúc lên đường anh gạt nước mắt dặn em:

– Anh phải đi lâu ngày, chưa biết bao giờ mới về được.

Anh rất thương chị, nhớ em.

Ở nhà, em phải nghe lời chị, phải canh giữ chị cho cẩn thận nghe em.

Anh đi rồi, em lo ngay ngáy, chỉ sợ mất chị, bèn khoét một lỗ trên vách, đêm đêm luồn tay qua buồng bên, đặt lên bụng chị để canh giữ.

Nào ngờ ít lâu, người chị dâu có mang.

Em sợ phải tội, bỏ trốn biệt lên núi.

Đứa em khốn khổ cứ theo đường mòn đi về phía mặt trời lặn, cho đến lúc tối sầm đến một ngọn núi cao thì kiệt sức, gục xuống chết.

Người anh về thấy cơ sự như thế thì rất giận em.

Người vợ thuật rõ đầu đuôi, hết lời kêu van chồng đừng ngờ oan cho em, nhưng anh vẫn không tin.

Thế rồi một hôm chị chuyển dạ đẻ ra một cái bàn tay.

Lúc đó anh mới biết người em vô tội.

Anh liền bỏ nhà đi tìm em.

Chẳng biết em đi về hướng nào, anh cứ đi theo con đường mòn, đi về phía mặt trời mọc.

Gặp ai anh cũng hỏi:

– Có thấy em tôi đâu không?

Nhưng ai cũng trả lời:

– Em của anh mà anh không trông thấy chúng tôi thấy sao được?

Anh đi mãi, đi mãi, đến một đỉnh núi cao, phần vì mệt nhọc, đói khát, phần vì thương nhớ em đã gục xuống giữa lúc gà vừa xao xác gáy.

Người vợ thấy chồng đi lâu ngày không về, lòng như lửa đốt, cũng bỏ nhà đi tìm, chị chẳng biết chồng ở đâu, nên một mình băng hết núi này đến núi nọ, gặp ai chị cũng hỏi:

– Có thấy chồng tôi ở đâu, em tôi ở đâu?

Nhưng ai cũng trả lời:

– Chồng chị, chị không thấy, em chị, chị không thấy, chúng tôi sao thấy được?

Chị lại miệng gào, chân chạy, cho đến khi không bước nổi nữa, bèn ngồi xuống mà khóc lóc cho đến khi kiệt sức, tắt thở.

Từ đó, cứ vào khoảng sẩm tối, hồn đứa em lại đứng trên ngọn núi phía Tây, ngơ ngác nhìn về xuôi.

Người ta gọi đó là sao Hôm.

Hồn người anh cứ nghe gà gáy là thức dậy, đứng ở đầu núi Đông ngóng tìm em.

Đó là sao Mai.

Hồn người chị dâu thì đêm đêm cứ băng từ nơi này qua nơi khác giữa bầu trời mênh mông, thỉnh thoảng dừng lại hỏi đường rồi lại lao như bay, ấy là sao Vượt.

Còn bàn tay thì thành sao Rua mở ra như để nâng niu ba vong hồn đau khổ.

(Phiên bản 2 theo “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” – NXB Văn học và theo “Ðiển tích văn học” – NXB Giáo dục)

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh từ Internet. Thanks.