Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Mua sắm online cần thông minh và tỉnh táo

Có lẽ kể từ khi biết tới Black Friday, người tiêu dùng ở Việt Nam mới trải qua một trong những ngày siêu giảm giá đồng loạt lớn nhất trong năm kém “rần rần” như ngày thứ Sáu 27-11-2020. Trên mạng vắng lặng hẳn.

Một phụ nữ vốn sành điệu mãi tới tối Black Friday mới post lên mạng rằng mình đã “tu thành công” khi năm nay lần đầu tiên quên béng luôn cái ngày mua sắm này.

Bạn bè ở bên Mỹ – nơi từng tấp nập, đông nghịt người trong những ngày Black Friday trước đây, cũng cho biết họ chẳng màng gì tới cái ngày này, chủ yếu vì đại dịch COVID-19 khiến họ giảm mạnh thu nhập và cũng sợ lui tới nơi công cộng giữa cao điểm đại dịch ở Mỹ. Chuyện nhiều người canh me tới xếp hàng sẵn trước siêu thị vào lúc nửa khuya chờ mua hàng siêu giảm giá giờ chỉ còn là “dĩ vãng”.

Cảnh mua sắm tiêu điều trong ngày Black Friday 27-11-2020 tại Franklin Park Mall ở Toledo (bang Ohio, Mỹ) ngày 27-11-2020. (Photo: Matthew Hatcher/Getty Images/Internet. Thanks).
Một cảnh mua sắm trong ngày Black Friday 23-11-2018 ở Sao Paulo (Brazil), thời trước đại dịch COVID-19. (Photo: Cris Faga/REX/ShutterstockInternet. Thanks).

Ở Việt Nam, chuyện thiên hạ làm lơ với Black Friday cũng có lý do mang tên COVID-19. Nhưng có lẽ, cái chính là ngày này diễn ra vào gần cuối tháng, thiên hạ sạch tiền cũ mà chưa có lương mới về. Đồng thời trong thời gian qua, hầu như tháng nào cũng có những ngày, những đợt siêu giảm giá khủng nhân những ngày cặp đôi ngày tháng, mà mới nhất là ngày 11-11 và sắp tới là ngày 12-12.

Chưa kể, người tiêu dùng giờ cũng khôn ra sau những phen phải làm nạn nhân. Họ ngán ngẩm những chiêu trò của người bán hàng như mấy hôm trước lẳng lặng nâng giá rồi tới ngày khuyến mại hê lên là giảm giá khủng.

Ngày Black Friday, người viết nhận được quảng cáo của một trang thương mại điện tử lớn chào khuyến mại bình 4 lít dầu đậu nành giá 190.000 đồng lại được miễn phí giao hàng. Thấy giá cũng phải chăng, người viết tính đặt mua, nhưng khi hỏi người nhà thì biết bình thường siêu thị gần nhà cũng đã bán giá khuyến mại 1 lít gần 50.000 đồng. Vậy là, xém chút là bị hố.

Kinh nghiệm xương máu là chớ nên vội vàng mua những món hàng sau khi được quảng cáo trên mạng Facebook. Không chỉ có nhiều nguy cơ nhận được hàng không giống như quảng cáo, mà còn bị hố đau về giá. Tốt nhất là từ những thông tin trên Facebook, người tiêu dùng tìm kiếm món hàng tương tự trên các trang thương mại điện tử quen thuộc. Giá mua thường rẻ hơn rao trên Facebook từ 50% tới hơn thế nữa, lại có chỗ để mà khiếu nại sau này.

Hàng hóa rao bán trên mạng cần được kiểm tra chéo nhiều nơi về giá cả. Và khi mua trên trang thương mại điện tử cũng chỉ nên chọn những người bán quen thuộc hay chuyên bán chủng loại hàng hóa đó. Thí dụ muốn mua dụng cụ y tế thì tốt nhất là chọn các cửa hàng vật tư y tế.

Nói gì thì nói, mua hàng online giờ là một trong như thú vui của thời kỹ thuật số online, mua riết cũng đâm ghiền. Nhưng mua trực tiếp tại cửa hàng có khi còn bị hớ thì đừng nói chi là mua từ xa trên mạng – mua bằng lòng tin là chính. Vì thế mua hàng online cần phải có kinh nghiệm. An toàn hơn là nên chọn nơi bán cho phép kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Việt Nam có đặc thù riêng là đa số người dân không quen thanh toán điện tử, nhưng đó cũng chính là một lợi thế cho người tiêu dùng nhờ được thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD).

Mua hàng online rõ là không chỉ cần thông minh mà còn cần cả sự tỉnh táo. Có vậy thì mới có thể tận hưởng được thú vui shopping 4.0 mà sắp tới đây sẽ còn tưng bừng hơn với mạng 5G.

  • Bản in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 29-11-2020 và trên báo NLĐ Online.

Hình ảnh Black Friday 27-11-2020 trên khắp nước Mỹ.

ANH PHÚC