Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Nhân chuyện Tổng thống Donald Trump bị mạng xã hội “khóa tài khoản”

Ngay trong 10 ngày đầu tiên của năm 2021, thế giới đã chứng kiến 2 vụ việc chấn động ở nước Mỹ. Một là vụ Trụ sở Quốc hội ở Capitol Hill ngày 6-1-2021 bị tấn công bạo loạn trong khi ở thủ đô Washington DC diễn ra cuộc tuần hành của những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump vào ngày Lưỡng viện Quốc hội mở phiên họp chung để kiểm số phiếu đại cử tri đoàn các bang đã bầu nhằm xác nhận ứng cử viên nào sẽ là Tổng thống nhiệm kỳ mới (2021-2025). Hai là vụ mạng truyền thông xã hội Twitter ngày 8-1-2021 thông báo khóa vĩnh viễn tài khoản cá nhân của ông Donald Trump có 88,8 triệu người theo dõi với lý do ông vi phạm các nguyên tắc cộng đồng của Twitter và có tính kích động bạo lực (sau khi xảy ra vụ bạo loạn Capitol Hill).

Và đâu phải chỉ có Twitter, hàng loạt nền tảng, mạng xã hội khác cũng “khóa miệng” ông Trump – cho dù hiện nay ông vẫn là đương kim Tổng thống Hoa Kỳ.

Bất luận thế nào, đây cũng là một case study hy hữu về tự do ngôn luận, quyền lực nguyên thủ quốc gia, sức mạnh mềm mà cứng của các tập đoàn công nghệ lớn,…

Tất nhiên, tùy theo góc độ và vị thế của mỗi người mà có những nhận định khác nhau, mà rất dễ gây tranh cãi có thể dẫn tới từ mặt nhau, khóa nick của nhau.

Những người lấy chức vụ cầm quyền làm bản vị khó lòng chấp nhận việc một nguyên thủ quốc gia bị một công ty tư nhân xử lý như vậy. Còn những người lấy pháp quyền làm bản vị thì coi đó là sự dân chủ, bình đẳng xã hội.

Cũng từ góc nhìn khác nhau nên có người nói rằng ngay tới một tổng thống quyền lực như vậy mà còn bị xử lý thì dân thường có được coi ra gì. Ngược lại, có người tâm đắc rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, ngay cả nguyên thủ quốc gia cũng không thể đứng trên pháp luật.

Thật sự là ở một đất nước dân chủ, tự do và pháp quyền, việc tuân thủ pháp luật là cốt lõi, là sống còn của xã hội, kỷ cương đất nước. Các công ty đều phải tuân thủ pháp luật nhà nước,  bình đẳng trước pháp luật, không thể có sự phân biệt công ty lớn hay nhỏ (cho dù công ty giàu có vẫn có lợi thế khi có tiền thuê luật sư giỏi – đó là định mệnh và luật chơi). Công ty nào vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý nghiêm minh. Công ty không được thao túng pháp luật nhà nước. Nhưng trong phạm vi hoạt động hợp pháp của mình, các công ty có quyền yêu cầu các thành viên phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của công ty – gọi là luật chơi, một cách bình đẳng, không ai hơn ai. Thành viên nào vi phạm nguyên tắc cộng đồng đều bị xử lý như nhau. Nhà nước không được can thiệp vào hoạt động nội bộ công ty. Tất nhiên, đó cũng là về lý thuyết.

Vấn đề của vấn đề và cần được giám sát nằm ở chỗ là có bên nào lạm dụng quyền hạn của mình và xử ép, bất công hay không? Cái này có chỗ để kiện nhau ra tòa.

Nhân tiện, sực nhớ trong gần 4 năm cầm quyền đã qua, Tổng thống Trump luôn “mua thù chuốc oán” với giới truyền thông Mỹ và hậu quả là ông bị họ kình chống toàn tập. Ông đã dùng tài khoản cá nhân trên mạng Twitter như một cơ quan truyền thông riêng chống lại toàn bộ hệ thống truyền thông báo chí mà ông coi là không thân thiện với mình. Tổng thống Trump cũng gây nhiều thiệt hại cho nồi cơm của các đại gia công nghệ, trong đó có chuyện cấm họ giao thương với Trung Quốc – thị trường và nguồn cung ứng lớn nhất thế giới.

Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, các ông lớn công nghệ Mỹ đã đổ tiền cho ông Joe Biden và đảng Dân chủ sống mái với ông Trump và đảng Cộng hòa. Chẳng hạn, theo trang Observer:

  • Tập đoàn Alphabet (Google) đã đóng góp 21 triệu USD, trong đó gần 80% cho các ứng cử viên Dân chủ và 7% cho các ứng cử viên Cộng hòa (riêng ông Biden nhận được 3,66 triệu USD).
  • Tập đoàn Microsoft đóng góp 17 triệu USD, trong đó 3/4 cho Dân chủ và 14% cho Cộng hòa (riêng ông Biden nhận được 2 triệu USD).
  • Tập đoàn Amazon đóng góp 8,9 triệu USD, trong đó chỉ có 14% cho Cộng hòa (riêng ông Biden nhận được 1,7 triệu USD, còn ông Trump chỉ có 164.725 USD).
  • Facebook đóng góp 6 triệu USD, trong đó gần 80% cho Dân chủ và chỉ 10% cho Cộng hòa (riêng ông Biden được 1,3 triệu USD).
  • Apple đóng góp 5,7 triệu USD, trong đó gần 80% cho Dân chủ và chỉ 4,3% cho Cộng hòa (riêng ông Biden nhận được 1 phần 4 tức 1,4 triệu USD).
  • Netflix đóng góp 5,42 triệu USD, chủ yếu cho đảng Dân chủ (riêng ông Biden được 387.582 USD).
  • Twitter đóng góp 689.000 USD, cũng chủ yếu cho Dân chủ (riêng ông Biden được 157.000 USD).

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.