Tung tăng chuyện tiền bạc, thanh toán điện tử cùng Timo
Nếu cần tìm một loại hình dịch vụ ngân hàng điện tử nào có tính năng như một ngân hàng thật sự khác hẳn loại hình trung gian thanh toán phố biến là ví điện tử, có lẽ hiện nay ở Việt Nam, Timo là một sự lựa chọn đáng chú ý. Bởi, bản chất của Timo là một nền tảng ngân hàng số hoạt động với sự hợp tác cùng một đối tác ngân hàng truyền thống. Và với thời gian hoạt động đã được hơn 5 năm (từ năm 2015), Timo có nhiều kinh nghiệm và độ tin cậy. Từ tháng 9-2020, Timo đã chuyển đối tác ngân hàng từ Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VPBank sang Ngân hàng Bản Việt Viet Capital Bank, cũng như ra mắt phiên bản mới cải tiến hơn.
Tôi đã có dịp làm quen với Timo ngay từ những ngày đầu nó ra đời. Nhưng do không có nhu cầu nên tôi cũng chỉ trải nghiệm một thời gian ngắn.
Hồi cuối tháng 12-2020, một người bạn gợi ý tôi cùng trải nghiệm phiên bản Timo mới coi nó có gì mới hơn không?
Timo tự giới thiệu về mình như vầy: “Timo là một ngân hàng số mới với mục tiêu đồng hành cùng bạn trong hành trình đến với tự do tài chính. Hợp tác cùng Ngân hàng Bản Việt, Timo hứa hẹn mang đến cho bạn một trải nghiệm ngân hàng cá nhân bạn vẫn luôn mong đợi, nhưng không phải phiền não với việc duy trì một số dư lớn trong tài khoản. Hãy bắt đầu lập kế hoạch cho tương lai với hàng loạt các giải pháp tiết kiệm, đầu tư và các khoản vay.”
Nhờ ứng dụng Timo trên thiết bị di động cho phép người dùng mở tài khoản online, tôi bèn tải ứng dụng Timo từ kho ứng dụng Play Store (cho thiết bị Android) về cài đặt. Ứng dụng này cũng có trên kho ứng dụng App Store cho thiết bị iOS của Apple.
Việc tạo một tài khoản Timo được tiến hành bằng cách nhấn vào nút Join Now.
Sau đó là nhập số điện thoại di động của mình, nhấn Next, rồi nhập mã xác thực OTP gồm 4 chữ số được gửi SMS tới số điện thoại vừa đăng ký.
Bây giờ tới mục khai báo họ và tên đầy đủ, địa chỉ e-mail và quốc tịch.
Nhập mã xác thực được gửi tới địa chỉ e-mail vừa đăng ký.
Kế tiếp là bạn đưa mặt mình vào trước camera trước, không phải để selfie check-in đâu, mà để ứng dụng quét hình dung nhan của bạn.
Rồi chọn quét giấy tờ tùy thân (chọn CMND/CCCD, Passport…) bằng camera sau.
Kinh nghiệm sống còn là bạn nên đặt giấy tờ tùy thân lên một mặt phẳng rồi chụp trực tiếp nó. Tôi đã phải trả giá do làm biếng nên chụp lại hình CMND trên màn hình máy tính. Sau khi chụp hình xong 2 mặt CMND, ứng dụng chuyển sang giai đoạn kiểm tra và phê duyệt tài khoản của bạn. Tài khoản chỉ được kích hoạt sau khi đã được xác thực bằng công nghệ định danh khách hàng trực tuyến eKYC. Bạn có thể thoát khỏi ứng dụng vì quy trình xác thực khá lâu, và Timo sẽ thông báo sau khi quy trình hoàn tất hay có trục trặc.
À, cũng nên nói đôi điều về eKYC, giải pháp định danh điện tử có độ chính xác cao, nhằm số hóa trải nghiệm khách hàng, tăng tỉ lệ chuyển đổi, giảm rủi ro cho các doanh nghiệp. Nó đã trở thành một tiêu chuẩn trong ngành tài chính, ngân hàng. KYC (Know Your Customer, Biết khách hàng của bạn) là quy trình để xác định và xác minh danh tính của khách hàng khi tham gia vào mở tài khoản. Các ngân hàng phải bảo đảm rằng khách hàng của mình thực sự là người mà họ đã đăng ký.
Qua ngày hôm qua, vào lại ứng dụng Timo kiểm tra, tôi không thể đăng nhập bằng username và password, cũng như không thể kích hoạt tài khoản. Rồi tôi nhận được thông báo tài khoản của mình đang bị tạm khóa vì lý do an ninh. Timo yêu cầu tôi gọi điện tới tổng đài hay trực tiếp tới một điểm giao dịch của Timo (gọi là Timo Hangout). Tôi được nhân viên tổng đài Timo cho biết tài khoản của tôi không thể xác thực được do tôi chụp ID từ một màn hình khác. Siêu thiệt. Muốn kích hoạt, tôi phải trực tiếp tới một Timo Hangout và trình ID gốc rồi sau khi được phê duyệt chấp nhận sẽ nhận luôn thẻ Timo miễn phí tại chỗ.
Cũng do làm biếng, tôi bền gỡ ứng dụng Timo ra khỏi thiết bị, tải cài đặt lại và ủ mưu tính tạo tài khoản mới. Ai dè, số điện thoại, e-mail và số CMND của tôi đã được lưu vào cơ sở dữ liệu của Timo, không thể tạo tài khoản thứ 2. Tất nhiên, đây là một yếu tố bảo mật chặt chẽ và bảo đảm an toàn cao. Tôi chớ dám càm ràm.
Do lỡ hứa với cô bạn, tôi đành gọi Grab Bike chạy ù lên Timo Hangout tại Quận 3 (TP.HCM) cách nhà gần 4km. Tại đây, các bạn nhân viên Timo áo thun tím rịm rất nhiệt tình và thân thiện. Theo quy định, với khách đăng ký lần đầu, Timo chiêu đãi một phần nước uống tùy chọn tại quầy giải khát ngay trong Hangout.
Thủ tục đăng ký lại được nhân viên Timo làm trên tablet, chỉ mất ít phút rồi trải qua quy trình duyệt tài khoản. Cuối cùng tôi được mở tài khoản và nhận ngay một chiếc thẻ Timo có in tên mình. Đây không phải là thẻ ATM bình thường mà là dạng thẻ ghi nợ (Debit) có thể thanh toán, rút tiền tại các cây ATM của các ngân hàng Việt Nam có logo Napas (trên thẻ có in logo Napas xác thực hợp chuẩn của Công ty Thanh toán Quốc gia – The National Payment Corporation of Vietnam). Nhân viên Timo lưu ý, dù đây là thẻ Debit, nhưng tránh sử dụng tại các cây ATM của các ngân hàng quốc tế vì có thể bị nuốt mất thẻ. Đây là thẻ công nghệ cao, có tích hợp cả con chip EMV có độ bảo mật cực cao và có thể sử dụng với các máy POS hỗ trợ chạm. Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, bắt đầu từ ngày 31-3-2021, các ngân hàng sẽ không phát hành thẻ nội địa mới là thẻ từ nữa mà chuyển sang phát hành thẻ chip EMV.
Khi kiểm tra, tôi nhận ra đây là thẻ Debit do chính Ngân hàng Bản Việt cấp nhưng với thương hiệu Timo và hoạt động cả với ứng dụng Timo lẫn tài khoản của ngân hàng này. Tài khoản Timo thực chất là tài khoản ngân hàng của Ngân hàng Bản Việt, bao gồm cả 2 loại tài khoản giao dịch nội địa (domestic) và hải ngoại (oversea).
Ơ kìa, vậy là từ nay, tôi có thêm một “thẻ nhựa ngân hàng” màu tím rịm của Timo đó nghen. Tất nhiên, khác thẻ tín dụng (credit), thẻ ghi nợ (debit) chỉ có thể xài tiền mà trước đó tôi đã chuyển vào tài khoản của mình – ta xài tiền mình đó mà.
Với ứng dụng Timo trên smartphone, tôi đã chọn khóa bằng dấu vân tay nên đỡ mất công nhập mã PIN mới khi truy cập.
Với ứng dụng tài chính do Timo phát triển này, tôi có thể chuyển tiền qua lại với các tài khoản ngân hàng khác; thanh toán hóa đơn dịch vụ tài chính thông dụng như: tiền điện, tiền nước, truyền hình cáp…; thanh toán online: mua sắm trực tuyến, vé máy bay, vé xe lửa, vé xem phim…; gửi tiền tiết kiệm; nạp tiền điện thoại cho bất cứ số điện thoại nào theo từng mức giá; quản lý chi tiêu và tài chính cá nhân; lên ngân sách mục tiêu tài chính,… Cũng ngay trên ứng dụng Timo, tôi còn có thế xin cấp thẻ tín dụng VISA/Timo (tất nhiên phải có những điều kiện theo quy định chung), mua bảo hiểm nhân thọ (đối tác Sun Life), mua bảo hiểm du lịch đi khắp thế giới (đối tác Liberty Insurance); tham gia đầu tư tài chính (đối tác VinaCapital); vay tiền từ Ngân hàng Bản Việt;…
Đây là dịch vụ Mobile Banking của Timo, hoạt động song song với Internet Banking. Timo hoạt động như một ngân hàng, chỉ khác là với hình thức số hóa và online. Nó không phải là ví điện tử, dù vẫn có tính năng của ví điện tử. Có thể nói, Timo hiện nay là một phiên bản số hóa của Ngân hàng Bản Việt.
Tôi nghĩ ứng dụng Timo sẽ càng tốt hơn nếu có giao diện rõ ràng, dễ tiếp cận,… như ứng dụng di động của nhiều ngân hàng khác. Chẳng hạn, có những mục rõ ràng để người dùng truy cập ngay vào khi cần như: thanh toán tiền điện, tiền nước, Internet,….
Và cuối cùng, là một người yêu màu tím bẩm sinh, tôi thích cái màu tím nhận diện thương hiệu của Timo.
- Thông tin thêm về Timo.
PHẠM HỒNG PHƯỚC