Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Thần Tài đến là Tết hết

Chủ nhật 21-2-2021 là Mùng 10 Tết Tân Sửu. Sau 20 ngày gắn thêm cái tiếp vĩ ngữ “Tết” vào sau số chỉ ngày âm lịch, từ ngày mai, 11 tháng Giêng, mọi sự trở lại bình thường và coi như chính thức bắt đầu một năm âm lịch mới.

Theo tập quán, người Việt thêm chữ “Tết” vào sau ngày âm lịch kể từ 20 tháng Chạp (gọi là “20 Tết”) tới ngày 10 tháng Giêng. Hết mùng 10 là hết Tết, dù cho thực tế tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng của 1001 lễ hội, mà người thiện lành cũng ráng kéo qua hết Rằm tháng Giêng – Tết Nguyên Tiêu và cũng là Rằm lớn đầu tiên trong năm. Dân giang hồ phiêu lãng thì tếu táo: “Hết mùng ra mền”.

Mùng 10 Tết cũng là ngày vía Thần Tài, nhà nhà cầu cho một năm làm ăn tấn tới, phát tài phát lộc.

Lễ vật chính cúng Thần Tài là bộ tam sên (300g thịt heo luộc hay quay, 3 quả trứng vịt hay gà luộc, và 3 con tôm luộc) và một con cá lóc nướng trui. (Con cá lóc này phải để nguyên trạng không làm vi đánh vảy hay móc bộ ruột. Người ta giải thích: Việc để nguyên trạng cá lóc như trên là để tưởng nhớ rằng ông cha rất thiếu thốn khó khăn trong buổi đầu khai hoang, không nề hà chuyện cá vảy cả con, miễn sao nuôi dưỡng được bản thân và bảo đảm công việc thì vui lòng.)

Còn chuyện vì sao có thêm con cá lóc nướng trong bộ lễ vật cúng vía Thần Tài thì vẫn còn tranh cãi, nên cuối cùng đành quy vào cái đáp án chung “người ta tin như vậy nên nó là vậy”. Theo nhiều nguồn trên Internet, người dân miền Nam quan niệm cá lóc là loài vật mạnh mẽ, mang đến may mắn, lộc vận trong năm mới. Cá lóc lại khá hiền, không gây hại cho con người và cũng là nguồn thực phẩm dinh dưỡng cho sức khỏe. Tuy không có lý giải cụ thể, nhưng người dân thường tin rằng ngày Thần Tài cúng cá lóc sẽ mang đến tài lộc, sung túc và nhiều điều may mắn.

A Phủ được cô hàng xóm thương dạy rằng: chuyện cúng vía Thần Tài là chuyện tâm linh, ai tin thì cúng, ai không tin thì đứng ngó, chớ có nên chê bai, dè bỉu, chỉ trích người khác chi. Mà ông bà mình dạy rằng có tin, có kiêng, có lành.

A Phủ cũng được mấy Mị thôn Đoài xóm Đông cưng dạy rằng chớ nên áp đặt suy nghĩ, cách nhìn của mình lên người khác. Ai cũng biết chuyện cúng vía Thần Tài, và nhiều tập tục khác, có xuất xứ từ nền văn hóa Trung Hoa. Nhưng nó thuộc phạm trù ảnh hưởng, giao thoa văn hóa – nhất là với đặc thù Việt Nam là nước láng giềng và từng trải qua cả ngàn năm chịu cai trị của phong kiến phương Bắc đã du nhập nhiều tập tục Trung Hoa. Có những nguồn thông tin nói rằng tục cúng vía Thần Tài Mùng 10 Tết như hiện nay cũng chỉ mới du nhập vào Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20 – nhưng cũng hơn trăm năm rồi. Giống như chuyện lễ Tình nhân Valentine’s Day, lễ hội Halloween,… là của Âu Mỹ mới vào Việt Nam từ vài chục năm nay. Vậy chớ nên lên gân, nâng tầm quan điểm ở đây!

Mấy Mị dạy A Phủ rằng có gì đó sai sai khi quy kết rằng việc cúng vía Thần Tài là một hành vi biểu hiện cho đầu óc vị kim tiền, lệ thuộc vào tiền bạc. Thực tế là ai mà không cần tiền, không ham có nhiều tiền. Ngay cả các chùa chiền, nhà thờ,… cũng phải quyên góp tiền để có thể hoạt động kia mà. Vấn đề chỉ nên nói tới là cách kiếm tiền ra sao và xài tiền như thế nào. Hơn nữa, không thể gói gọn chuyện cúng Thần Tài chỉ là tiền bạc, mà nên nghĩ rộng hơn là để cầu mong sự thịnh vượng, buôn may bán đắt, công việc tốt đẹp và sinh lợi.

Cá lóc nướng trui bán tại chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) vào sáng mùng 10 Tết Tân Sửu 2021. Con cá đang được nướng có giá 100.000 đồng.

Với đặc trưng văn hóa của người Việt, chuyện nương dựa vào Thần quyền, coi Thần quyền như một động lực trong cuộc sống âu cũng là lẽ bình thường. Ngay cả các Tổng thống Hoa Kỳ trước lúc tuyên thệ nhậm chức vẫn thường tới nhà thờ cầu nguyện mà có bị ai nói là thiếu tự tin vào chính mình đâu.

Cuối cùng, là một tín đồ Công giáo, A Phủ không can dự vào chuyện cúng Thần Tài. Vì thế, trong khi nhà bày cúng vía Thần Tài mùng 10 Tết, A Phủ lui ra sau bếp làm món nước mắm chua ngọt để lát nữa cuốn bánh tráng với bánh hỏi và thịt heo quay, cá lóc nướng – coi như hưởng lộc Thần Tài đầu Xuân. Rất là thiện lành của một người đã vượt qua 5.000 thế giới để thấy mình giác ngộ hơn 80%.

Cô hàng xóm bâng quơ: Hết mùng thì ta làm gì hén? A Phủ cũng bâng quơ: Hết mùng thì mình vô mền! Ghết ghê vậy đó!

Thôi hẹn nhau lại cùng đón Tết Nhâm Dần 2022 (tháng Chạp 29 ngày và mùng Một là thứ Ba 1-2-2022, tháng 2 ta và tây giống y nhau). Nào Save the Date!

PHẠM HỒNG PHƯỚC