Thứ Ba ngày 12 tháng 11 năm 2024

Cùng Google khám phá những điều đặc biệt trong Ngày Trái đất – Earth Day 2021

Ngày 22-4-2021 là Ngày Trái đất – Earth Day. Được tổ chức thường niên từ ngày 22-4-1970, hiện nay đây là một sự kiện được điều phối toàn cầu bởi tổ chức EARTHDAY.ORG (tên cũ là Earth Day Network) có 1 tỷ thành viên ở hơn 193 nước.

Vào năm 1969 tại một hội nghị của Tổ chức Văn hóa – Khoa học và Giáo dục thuộc Liên Hiệp Quốc UNESCO ở San Francisco (Mỹ), nhà hoạt động vì hòa bình John McConnell đã đề xuất một ngày tôn vinh Trái đất và khái niệm hòa bình, lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 21-3-1970, ngày đầu tiên của mùa xuân ở Bắc bán cầu. Sự kiện này sau đó đã được phê chuẩn trong một tuyên bố do McConnell viết và được Tổng thư ký LHQ U Thant ký. Một tháng sau, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Gaylord Nelson đã đề xuất ý tưởng tổ chức một buổi giảng dạy về môi trường trên toàn quốc vào ngày 22-4-1970. Ông đã thuê nhà hoạt động trẻ Denis Hayes, làm Điều phối viên Quốc gia. Nelson và Hayes đổi tên sự kiện là “Ngày Trái đất”.

Trong Ngày Trái đất 2021, với mục đích nâng cao nhận thức và giá trị của môi trường tự nhiên, các câu chuyện của Ngày Trái đất mà Google đem tới năm nay sẽ xoay quanh việc giúp mọi người nhận thức về Sự bền vững và Biến đổi khí hậu.

Một cái nhìn về sự thay đổi của Trái đất trong gần 4 thập kỷ qua

Google Earth Timelapse cho thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong 4 thập kỷ qua. Những người yêu thích sử dụng nền tảng Google Earth giờ đây có thể thấy sự ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu trong 4 thập kỷ qua thông qua tính năng mới: Timelapse. Qua đó, Google Earth Timelapse cung cấp cho người dùng một cái nhìn bao quát về cách Trái đất đã thay đổi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, và sự thay đổi chóng mặt của nhiều vùng đất như thế nào.

Một thí dụ điển hình là tỉnh Nuflo de Chavez ở Bolivia – nơi chịu hậu quả nặng nề của nạn phá rừng. Theo thời gian, màu xanh tràn đầy sức sống của khu rừng đã phải nhường chỗ cho màu nâu nhạt cằn cỗi. Ngoài ra, sông băng Columbia cũng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện nay, sông băng sẽ tiếp tục loãng và rút đi do đang không cân bằng với khí hậu. Ở Ấn Độ, sông Kosi là một trong những địa danh theo thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt ở quốc gia này.

Google Earth Timelapse với 24 triệu bức ảnh vệ tinh được chụp từ năm 1984 đến năm 2020

Doodle Ngày Trái đất 2021 có gì đặc biệt?

Năm nay, Google thay logo của mình trên trang chủ Google Search bằng Google Doodle chào mừng Ngày Trái đất với một video ngắn mô tả đa dạng những loại cây khác nhau được trồng trong môi trường tự nhiên. Chỉ với một hành động trồng cây nhỏ này, chúng ta sẽ góp phần khôi phục và xây dựng một Trái đất xanh, khỏe mạnh cho thế hệ tương lai.

Môi trường của chúng ta làm việc chăm chỉ để duy trì sự sống cho con người, chính vì vậy, mỗi người cần có ý thức và trách nhiệm hành động để giúp môi trường ngày càng tuyệt vời hơn.

Google Arts & Culture: Heartbeat of the Earth (Nhịp đập của Trái đất)

Đã bao giờ bạn thắc mắc điều gì sẽ xảy ra với những loại rác thải nhựa khi thải ra ngoài môi trường, hay khi nhiệt độ Trái đất tăng lên, những loài động vật nào sẽ biến mất? Để kỷ niệm Ngày Trái đất năm nay, ứng dụng Google Arts & Culture giới thiệu 4 thí nghiệm về Dữ liệu Khí hậu để người dùng có thể trực tiếp tiếp cận và khám phá về những thách thức mà khí hậu đang phải đối mặt, thông qua những hình ảnh sáng tạo tương ứng với từng chủ đề.

Bạn có thể tự trải nghiệm hình ảnh mô phỏng nhựa trong không khí, một thành phố ven biển chìm trong hơn 80 năm, hình dung về các loài động thực vật chúng ta mất đi khi nhiệt độ Trái đất tăng lên, hay những kiến thức về biến đổi khí hậu mà loài sứa biển (jellyfish) dạy bạn thông qua ứng dụng Google Arts & Culture miễn phí dành cho iOS và Android.

Hình ảnh mô phỏng một thành phố ven biển bị nhấn chìm trong hơn 80 năm.

Google Arts & Culture mang tới hình dung về các loài chúng ta mất đi khi nhiệt độ Trái đất tăng lên.

Loài sứa biển (jellyfish) dạy những kiến thức về biến đổi khí hậu.

Series BookTube của YouTube Originals

BookTube series bao gồm những tập phim ngắn hàng tháng có sự góp mặt của các tác giả nổi tiếng nhất thế giới, đã trở lại với một tập đặc biệt về Ngày Trái đất. Tại tập đặc biệt này, người xem sẽ có dịp gặp gỡ nhà tỷ phú công nghệ, nhà từ thiện Bill Gates và cuộc thảo luận về cuốn sách của ông: ‘How to Avoid a Climate Disaster” (tạm dịch: “Làm thế nào để tránh các thảm họa khí hậu”). Trong cuốn sách của mình, Bill Gates chỉ ra một kế hoạch to lớn nhưng cụ thể và dễ tiếp cận về việc làm thế nào để thế giới có thể đạt được mức phát thải khí nhà kính hợp lý để tránh thảm họa khí hậu.

Xin mời xem video:

MEDIAONLINE

+ Ảnh do Google cung cấp.