Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Giám sát F1 cách ly tại nhà bằng công nghệ

Việc cách ly các F1, người tiếp xúc gần với các ca bệnh COVID-19 (F0), ngay tại nhà thay vì tập trung tại các cơ sở là một giải pháp căn cơ và phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh số ca nhiễm tăng nhanh với số lượng lớn.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về các điều kiện và quy trình để tiến hành biện pháp cách ly F1 tại nhà này. Và từ kinh nghiệm nhiều nước, việc giám sát các đối tượng cách ly tại nhà chỉ có thể đạt hiệu quả nếu như ứng dụng các biện pháp công nghệ.

Ngay 6-7-2021, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã có văn bản đề xuất với UBND TP.HCM về giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà các ca nghi mắc COVID-19. Trong 3 giải pháp được đề xuất, sở này cho biết mình đề nghị áp dụng biện pháp kết hợp.

Theo đó, giải pháp chính là ứng dung hệ thống VHD (VietNam Health Declaration) do Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cung cấp. Đây là giải pháp đã được Bộ Y tế chọn triển khai thí điểm “cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh”. Hệ thống này có ưu điểm là chỉ sử dụng điện thoại di động thông minh; đồng thời có thể quản lý tổng thể, tích hợp nhiều chức năng khác như khai báo y tế, quản lý nhập cảnh, phản ánh y tế…

(Nguồn: Bộ Y tế.)

Và để nâng cao hiệu quả giám sát cách ly ở những địa phương phù hợp, Sớ TT-TT TP.HCM đề xuất kết hợp thêm 2 giải pháp vòng đeo tay thông minh STAYHOME của Hội Tin học TP.HCM và HCMCovidSafe của nhóm Tech4Covid (Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Đại học Công nghệ thông tin TP.HCM,…) Giải pháp STAYHOME là sản phẩm do TMA Solutions cung cấp với cơ sở hạ tầng của Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung, bao gồm điện thoại di động và vòng đeo tay có chức năng tăng cường giám sát và đo nhiệt độ. Còn giải pháp HCMCovidSafe là vòng đeo tay có tích hợp SIM điện thoại.

Bất luận ứng dụng giải pháp giám sát bằng công nghệ nào, mục đích chính vẫn là để giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định cách ly phòng dịch của người dân. Nếu như thiết bị có thể theo dõi thường xuyên những chỉ số sức khỏe (như thân nhiệt, nồng độ oxy trong máu, nhịp tim, huyết áp,…) và có ket nối với cơ quan y tế quản lý để cập nhật thường xuyên thì quá tốt. Nhưng rõ ràng hiệu quả giám sát sẽ chặt chẽ hơn thiết bị có tính năng định vị GPS sẽ báo động khi người được cách ly ra khỏi khu vực quy định.

Và tất nhiên, giải pháp công nghệ này cần kết hợp cả phần cứng và phần mềm, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI.

Cơ quan chức năng có thể cho người dân mượn thiết bị và sẽ trả lại sau khi kết thúc thời gian cách ly. Và dù sao, chi phí đầu tư cho giải pháp công nghệ như vậy vẫn rẻ hơn so với phải cách ly tập trung. Đó là chưa tính những hệ lụy, tổn hại cho cả nhà nước lẫn người dân khi phải cách ly tập trung.

P.H.P.