Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Huawei: An ninh mạng bảo đảm sự phục hồi kinh tế trong quá trình số hóa

Hội thảo – Triển lãm quốc tế Ngày An toàn Thông tin Việt Nam năm 2021 (Vietnam Information Security Day 2021) đã được Hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp cùng Cục An toàn Thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức online ngày 25-11-2021. Phát biểu tại buổi chuyên đề “An ninh thông tin chuyển đổi số – Thách thức và giải pháp”, Tập đoàn công nghệ Huawei khẳng định việc bảo đảm an ninh, an toàn mạng, đầu tư vào công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) là giải pháp duy nhất và quan trọng nhất để các chính phủ đẩy nhanh chương trình số hóa, nắm bắt giá trị nền kinh tế dữ liệu và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hội trường hội thảo Ngày An toàn Thông tin Việt Nam năm 2021 tại Hà Nội ngày 25-11-2021. (Nguồn: VietTimes/Internet. Thanks.)

Trong bài phát biểu của mình, ông Mika Lauhde, Phó Chủ tịch toàn cầu về An ninh mạng và bảo mật tại Huawei, đã đưa ra những tín hiệu lạc quan của sự hồi phục kinh tế thời hậu COVID-19 thông qua báo cáo “Giá trị của nền kinh tế dữ liệu và dự báo đến năm 2025” của The European Data Stratergy. Theo đó, dự báo giá trị thị trường dữ liệu toàn cầu (Global Data Monetization market) có tỉ lệ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2019 – 2025 là 47,9% với giá trị dự đoán lên đến 7.480 triệu USD vào năm 2025. Khi đó, dự kiến sẽ có 65% dân số tại Châu Âu đạt được những kỹ năng kỹ thuật số cơ bản, số lượng chuyên gia dữ liệu tăng gấp 2 lần với hơn 10,9 triệu người và giá trị của nền kinh tế dữ liệu tại châu lục này sẽ tăng gần gấp 3 lần, chiếm 5,8% GDP toàn Châu Âu với 829 tỉ Euro.

Ông Mika Lauhde phát biểu tại hội thảo online Ngày An toàn Thông tin Việt Nam năm 2021ngày 25-11-2021.

Dự kiến đến năm 2025 sẽ có 40 tỷ thiết bị thông minh cá nhân được sử dụng với hơn 100 tỷ kết nối. Các công nghệ thông minh sẽ phủ sóng ở mọi ngành: 85% ứng dụng doanh nghiệp sẽ được chuyển lên đám mây vào năm 2025 và việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đạt 86%. Khi đó, ICT sẽ là nền tảng chính cho cả quá trình chuyển đổi số thông minh.

Ông Mika Lauhde, cho biết: “Đầu tư vào ICT là giải pháp quan trọng để đẩy nhanh chương trình số hóa. Tuy nhiên, việc gia tăng hàng trăm tỷ kết nối, chia sẻ thông tin rộng rãi và chuỗi cung ứng được toàn cầu hóa khiến việc bảo vệ an ninh mạng và quyền riêng tư của cá nhân trở thành một thách thức lớn, và là điều quan trọng sống còn của mọi quốc gia, mọi công ty và mọi cá nhân. An ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư là ưu tiên hàng đầu của Huawei, là một phần trong DNA của Huawei. Chính vì thế, Huawei đã xây dựng và triển khai một hệ thống bảo đảm an ninh mạng toàn cầu với mọi quy trình khép kín từ đầu đến cuối (end-to-end) trong mọi hoạt động, kiểm toán, chính sách, sản phẩm và dịch vụ của mình.”

Huawei cho biết họ tin tưởng rằng việc tăng cường an ninh mạng tốt nhất là thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các chính phủ, công ty, tổ chức và người dùng để cùng xây dựng một môi trường tin cậy và minh bạch. Sự hợp tác là “mã bảo mật” đáng tin cậy nhất, là bức tường lửa tốt nhất để có một hệ sinh thái công nghệ lành mạnh cho tất cả chúng ta.

Cũng tại sự kiện, đại diện Huawei đã đưa ra những đề xuất về vai trò của chính phủ trong quá trình số hóa để nắm bắt giá trị nền kinh tế dữ liệu và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng ICT, hợp tác với các đơn vị tư nhân; xây dựng những chính sách cởi mở thúc đẩy phát triển ngành; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái sử dụng đám mây với độ nhạy dữ liệu và độ bảo mật cao; cân bằng giữa chính sách dữ liệu mở với quyền riêng tư cũng như chủ quyền kỹ thuật số; cung cấp các nguồn lực (tài chính và phi tài chính) cần thiết để đạt được kết quả số hóa.

Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư vào ICT, Huawei cũng khẳng định việc quản lý dữ liệu chính là “nguyên liệu” tương lai cho phát triển AI. Việc chính phủ triển khai địa phương hóa dữ liệu quốc gia sẽ mang lại nhiều lợi ích về quyền riêng tư của công dân, bảo đảm an ninh mạng, bảo đảm quyền tự chủ quốc gia, truy cập an toàn vào những hạng mục pháp luật, xây dựng bộ khung pháp lý để các nhà đầu tư địa phương mở rộng quy mô, gia tăng nguồn vốn FDI, cũng như tăng việc làm, phát triển nền kinh tế số quốc gia.

Ông Mika Lauhde khẳng định: “Với tầm nhìn đến năm 2025 của Huawei, việc đầu tư dài hạn cho ICT sẽ mang lại lợi ích gấp 6,7 lần so với đầu tư khác. Các công nghệ ICT mới như 5G, Internet Vạn vật (IoT), AI và đám mây mở ra nhiều khả năng mới trong nhiều lĩnh vực, sẽ là công cụ tốt nhất để đẩy nhanh thời gian hồi phục và phát triển kinh tế. Huawei cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu và chia sẻ, cũng như cung cấp những giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các đối tác, khách hàng, xây dựng một hệ sinh thái ICT lành mạnh, cung cấp những giá trị tri thức và cùng nhau phát triển.”

MEDIAONLINE

Nguồn do Huawei cung cấp.

Q

/wp:paragraph –>