Chủ nhật ngày 05 tháng 1 năm 2025

Chuyện đặt tên biến thể virus COVID-19

Thì ra sở dĩ biến thể (variant) virus SARS-COV-2 mới được Nam Phi báo cáo đầu tiên cho WHO vào ngày 24-11-2021 được đặt tên là Omicron (đọc: ômikron) là vì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) né sự hiểu lầm, đụng chạm.

Tuân theo quy định không đặt tên dịch bệnh bằng những cái tên vùng đất, tên người, tên động vật để tránh gây kỳ thị, WHO đã đặt tên cho các biến thể virus COVID-19 lần lượt theo bảng chữ cái Hy Lạp. Biến thể gần nhất là Mu, chữ cái thứ 12. Lẽ ra, biến thể mới này có tên là Nu (chữ cái 13) hay Xi (chữ cái 14), nó lại được WHO nhảy cóc lên chữ cái 15 là Omicron. Người ta giải thích vì WHO sợ tên Nu sẽ bị lầm với chữ “new” (mới) trong tiếng Anh và tên Xi là họ Tập của người Hoa viết theo tiếng Latin.

Bảng 24 chữ cái Hy Lạp. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Biết để mà biết thôi chớ hỗng dám bình luận đừng nói chi là suy diễn. A Phủ chỉ tiếc là giá như trong bộ phận định danh của WHO có người Việt thì họ đã né luôn cái chữ cái Hy Lạp thứ 12 để cái biến thể được phát hiện hồi tháng 1-2021 ở Colombia không bị đặt tên là Mu. Gần 100 triệu dân Việt ắt thấy ngượng miệng, kỳ kỳ khi đọc tên cái biến thể này. Ghét ghê vậy đó. Đồ nỡm. Đồ mắc dịch.

Mà Giàng ơi, chỉ trong gần 2 năm mà virus COVID-19 đã nảy nòi ra lủ khủ biến thể rồi. Cho tới nay có 5 biến thể được WHO liệt vào black list quan ngại (variants of concern, VOC) gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron). Đó là chỉ nói số biến thể được WHO đặt tên. Mà phải mất lâu lâu, một biến thể mới được tổ chức này đặt tên (như cái Mu được phát hiện lần đầu hồi tháng 1-2021, mãi tới tháng 8-2021 mới có tên cúng cơm).

NGÔ LÊ

Q