Báo cáo của Việc Làm Tốt về thị trường lao động phổ thông trong và hậu giãn cách
Ngày 30-11-2021, chuyên trang việc làm và tuyển dụng online Việc Làm Tốt đã công bố báo cáo về biến động thị trường lao động phổ thông trước tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 và xu hướng phục hồi trong giai đoạn hậu giãn cách.
Theo báo cáo của Việc Làm Tốt, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam từ hạ tuần tháng 4-2021 với biến chủng Delta đã gây ra rất nhiều thiệt hại và hệ lụy cho đời sống kinh tế xã hội, làm xáo trộn hoàn toàn hoạt động sản xuất – kinh doanh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động trong quý 3-2021. Chỉ số GDP quý 3-2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước; có 21.194 doanh nghiệp đóng cửa và 28,2 triệu lao động bị ảnh hưởng do mất việc, giãn việc, giảm lương. Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, có ít nhất 1,3 triệu người đã rời các thành phố lớn để về quê tránh dịch, điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp về nhân lực trong giai đoạn hậu giãn cách.
Chia sẻ về tác động của đại dịch lên nhu cầu tuyển dụng việc làm, bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc Làm Tốt, cho biết: “Đại dịch không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế vì tổng thể năng lực kinh tế còn nguyên vẹn. Vượt qua tác động của dịch COVID-19, mức độ đầu tư FDI tại Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực, hệ thống cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị và lực lượng lao động không bị ảnh hưởng. Ngay sau khi hết giãn cách, các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất. Theo thống kê của chuyên trang tìm việc và tuyển dụng Việc Làm Tốt, số lượng việc làm đăng tuyển dụng trên trang tăng 3 lần, số lượng truy cập tìm việc tăng 10 lần so với thời gian áp dụng giãn cách.”
Theo thống kê từ trang Việc Làm Tốt, trong thời gian hậu giãn cách, tốc độ phục hồi tuyển dụng từ phía nhà tuyển dụng chậm hơn so với nhu cầu tìm việc của người lao động. Nguyên nhân đến từ việc nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã đóng cửa do gồng gánh hoạt động không có kết quả trong các tháng giãn cách hoặc nhà tuyển dụng ưu tiên liên hệ nhân sự cũ đã nghỉ trong thời gian giãn cách, hoặc thêm ca thêm công việc cho nhóm nhân sự hiện tại nên chưa có nhiều nhu cầu tuyển dụng mới. Đây cũng là thời điểm mà lực lượng lao động phổ thông sẽ có những sự chuyển đổi ngành nghề, đặc biệt từ nhóm ngành dịch vụ nhà hàng – khách sạn – quán ăn và bán hàng sang các nhóm ngành có tốc độ phục hồi nhanh như công nhân hoặc ngành ít chịu tác động bởi dịch COVID-19 như giao nhận vận tải hàng hóa bằng xe máy hoặc ôtô.
Sau giãn cách, mức lương trung bình của các công việc đăng tuyển cao hơn 7-10% so với tháng trước dịch. Giải thích cho thay đổi này, bà Trần Minh Ngọc cho biết, thị trường việc làm sau dịch vẫn còn cạnh tranh. Để nhanh chóng quay lại guồng sản xuất, nhà tuyển dụng sẵn sàng đưa ra mức lương cao hơn để thu hút ứng viên, đồng thời, mở rộng phạm vi công việc trên mỗi đầu nhân sự để giảm gánh nặng tuyển dụng và tối ưu hóa quỹ lương.
Làm Việc Tốt cho biết, theo khảo sát người dùng vào tháng 10-2021, chỉ có 58% người lao động đã về quê có dự định quay trở lại TP.HCM làm việc, 42% còn lại khẳng định sẽ không quay lại. Đây là dịp để người lao động đánh giá lại cơ hội nghề nghiệp ở quê nhà để có cơ hội ở gần gia đình và người thân, nhiều người sẽ thử kinh doanh tự do hoặc làm cho các khu công nghiệp mới thành lập những năm gần đây ở địa phương mình. Tuy nhiên, sự phát triển về công nghiệp và dịch vụ vẫn tập trung nhiều ở một số thành phố lớn, lượng công việc đang có sẵn ở nhiều địa phương dù đã tăng nhưng vẫn khó đáp ứng được hết lượng lao động gia tăng đột biến trong khu vực. Với khả năng không tìm được việc ở quê nhà, nhu cầu quay trở lại các thành phố lớn của người lao động dự đoán sẽ tăng trở lại ngay sau Tết khi nhóm lao động này đã nghỉ ngơi một thời gian và thử việc tại địa phương.
Mới đây, ngày 25-11-2021, Việc Làm Tốt phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI-HCM ) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ) tổ chức “Hội thảo Giải pháp Tuyển dụng và Đào tạo lại lao động hậu COVID-19”. Tại hội thảo, đại diện Việc Làm Tốt đã chia sẻ bức tranh toàn cảnh của làn sóng COVID-19 lên thị trường lao động phổ thông, cũng như các đề xuất cho xây dựng và giữ vững lực lượng lao động trong giai đoạn bình thường mới đến hơn 200 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dệt may, xây dựng, chế biến và bán lẻ trên cả nước.
MEDIAONLINE
Nguồn do Việc Làm Tốt cung cấp.