Lazada công bố kết quả khảo sát hành vi tiêu dùng trực tuyến tại 6 nước Đông Nam Á
Lazada, một nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) hàng đầu Đông Nam Á, vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát về người tiêu dùng trên toàn khu vực (Regional eCommerce Consumer Study), được thực hiện với sự hợp tác của đối tác nghiên cứu thị trường Milieu Insight. Khảo sát này cho thấy phần lớn người tiêu dùng Đông Nam Á (73%) đã xem mua sắm trực tuyến (online shopping) là một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ, trong khi so với 2 năm trước, con số này gần 60%. Đặc biêt, 67% người tiêu dùng cũng đồng ý rằng các lễ hội mua sắm lớn trong năm với hàng loạt ưu đãi hấp dẫn có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy hành vi mua sắm của họ.
- Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, Tập đoàn Lazada lần đầu tiên đưa ra Khảo sát Nghiên cứu diện rộng về hành vi mua sắm trực tuyến trên toàn khu vực Đông Nam Á với 6.000 người tiêu dùngđược khảo sát.
- Phần đông người tiêu dùng ở Đông Nam Á thừa nhận mua sắm trực tuyến đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống hàng ngày, với gần một nửa (46%) cho biết họ mua hàng trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần. Sự đa dạng trong ngành hàng, giá cả cạnh tranh và giao hàng thuận lợi là những điểm cộng chính của thương mại điện tử (TMĐT).
- Tại Việt Nam, 81% người được hỏi cho rằng mua sắm trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ. Người tiêu dùng Việt thể hiện sự yêu thích dành cho các thương hiệu nội địa, với 52% số người được hỏi có xu hướng lựa chọn các thương hiệu sản xuất trong nước. Đồng thời, 71% người được hỏi cũng đồng ý rằng hiện các thương hiệu, nhà bán hàng nội địa đang được hỗ trợ tốt nhất trên nền tảng TMĐT Lazada.
Giá cả cạnh tranh, chi phí vận chuyển hợp lý, chức năng tìm kiếm sản phẩm dễ dàng và tiện lợi là những lý do chính khiến người tiêu dùng Đông Nam Á lựa chọn mua sắm trực tuyến. Trong đó, Singapore là quốc gia đặc biệt đề cao dịch vụ giao hàng tận nhà. Cùng với đó, đa dạng phương thức thanh toán cũng là tiêu chí được nhấn mạnh trong khảo sát khi chỉ có một nửa số người được hỏi cho biết họ vẫn ưu tiên thanh toán tiền mặt khi giao hàng.
Ông James Chang, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Lazada, cho biết: “Thương mại điện tử đã thay đổi gần như toàn diện cách mọi người kinh doanh, mua sắm, giải trí trong thập kỷ qua, đặc biệt là trong 2 năm vừa rồi khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ. Giờ đây, khi tìm đến các sàn TMĐT vào dịp lễ hội mua sắm lớn – mô hình được Lazada tiên phong ở Đông Nam Á từ cách đây vài năm – người tiêu dùng kỳ vọng không chỉ được mua sắm các hàng hóa chất lượng với nhiều ưu đãi khuyến mại, mà họ còn mong muốn được tận hưởng những trải nghiệm thú vị, mang tính giải trí và không ngừng được nâng tầm nhờ sức mạnh của công nghệ. Việc hợp tác với Milieu Insight để nghiên cứu, hiểu rõ hơn về các động lực thúc đẩy sự phát triển của TMĐT tại Đông Nam Á và hành vi tiêu dùng mới của các khách hàng trên toàn khu vực đã giúp chúng tôi điều chỉnh, củng cố lại các hoạt động của mình, đồng thời cung cấp cho các đối tác và nhà bán hàng trên Lazada những xu hướng thị trường cần thiết để họ xác định tiềm năng tăng trưởng và những trọng tâm cần chú ý khi kinh doanh trực tuyến.”
Ông Gerald Ang, Giám đốc điều hành Milieu Insight, chia sẻ thêm: “Hoạt động mua sắm trực tuyến đã phát triển mạnh mẽ trong 2 năm qua, trong đó, Đông Nam Á nổi bật với hàng loạt sáng kiến đổi mới, phát triển. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn nghiên cứu, tìm hiểu về những hành vi mua sắm mới của người tiêu dùng tại đây. Cùng với Lazada, chúng tôi đã thu thập dữ liệu cơ bản trên 6 thị trường khu vực, chỉ ra những mối tương quan, lý giải những số liệu và tâm lý tiêu dùng tại từng thị trường. Trên hành trình củng cố và phát triển thị trường TMĐT, cũng như toàn bộ nền kinh tế số nói chung, những kết quả khảo sát này sẽ giúp Lazada xây dựng chiến lược hiệu quả để tiếp tục mang đến những trải nghiệm tốt nhất có thể được cho người tiêu dùng.”
Là một công ty tiên phong trong ngành TMĐT, Lazada đã và đang định hình, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế số tại Đông Nam Á, với hơn 130 triệu người dùng mỗi năm trên toàn khu vực, thúc đẩy 86% người tiêu dùng TMĐT mua hàng trực tuyến ít nhất mỗi tháng một lần. Tháng 3-2022 này, Lazada cũng chính thức tổ chức kỷ niệm 10 năm có mặt trên thị trường.
Những kết luận nổi bật từ Khảo sát hành vi tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á của Lazada
- Người tiêu dùng tiếp tục tham gia tích cực trong các Lễ hội Mua sắm lớn trong năm như 11.11, 12.12, với 67% khách hàng mua sắm trong thời gian lễ hội mua sắm diễn ra.
- Giá cả cạnh tranh (45%) và chi phí giao hàng hợp lý (45%) là 2 tiêu chí hàng đầu được người tiêu dùng cân nhắc khi mua sắm trực tuyến. Các tiêu chí tiếp sau là sự dễ dàng trong tìm kiếm sản phẩm (43%) và tiện lợi (43%). Trong khu vực, Singapore (55%), Thái Lan (48%) và Philippines (49%) là 3 quốc gia hàng đầu xem tiêu chí giao hàng tận nơi là yếu tố ưu tiên khi mua sắm trực tuyến.
- Tính năng “Đánh giá và Xếp hạng” giúp nâng tầm trải nghiệm mua sắm tích cực, đặc biệt là đối với người tiêu dùng tại Singapore (61%) và Thái Lan (66%). Bên cạnh đó, “Sản phẩm chính hãng” là yếu tố quan trọng để mua sắm trực tuyến ở Singapore (54%) và Việt Nam (53%), trong khi “Sự đa dạng trong phương thức thanh toán” là lý do hàng đầu để khách hàng ở Indonesia (54%) chốt đơn trên các nền tảng số. Tại các thị trường như Singapore (53%) và Malaysia (45%), tiêu chí “An toàn trong thanh toán” cũng là một tiêu chí nhận được đông đảo sự quan tâm từ người tiêu dùng.
- Người tiêu dùng đang ngày càng chủ động khi mua sắm trực tuyến, với 65% trả lời rằng họ hoàn toàn biết mình sẽ mua gì khi tiến hành giao dịch trên các nền tảng số. Trong khi đó, 29% người được hỏi lại muốn khám phá các ưu đãi hoặc các sản phẩm khác trên sàn TMĐT trước khi hoàn tất thanh toán đơn hàng.
- Thế giới sắp bước vào giai đoạn phục hồi từ đại dịch, và xu hướng mua sắm đang dần dịch chuyển sang những sản phẩm tốt cho sức khỏe, với 58% người được hỏi cho biết họ đã đầu tư vào sức khỏe bản thân thông qua mua sắm sản phẩm ngành hàng Sức khỏe & Làm đẹp.
- Với vai trò là nền tảng tiên phong ứng dụng chiến lược Shoppertainment – Mua sắm kết hợp giải trí, Lazada đã góp phần thay đổi thói quen người tiêu dùng, tạo nên những hành vi mua sắm mới, khi cứ 5 người mua sắm thì có 3 người (63%) đồng ý rằng Lazada đã khiến cho trải nghiệm mua sắm của họ trở nên giải trí và thú vị hơn.
- Đáng chú ý, những tính năng thúc đẩy người dùng để lại đánh giá sản phẩm trên nền tảng TMĐT đã góp phần giúp trải nghiệm mua hàng của 54% người tiêu dùng Đông Nam Á trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Ngoài ra, một nửa (50%) trong số những người được khảo sát cho biết họ sẵn sàng để lại đánh giá sau khi mua sản phẩm và 1/3 (32%) cho biết đánh giá từ các khách hàng khác là một trong 3 lý do hàng đầu khiến họ ưa thích mua hàng trực tuyến. Những con số tích cực trên cho thấy việc đẩy mạnh tương tác với người mua hàng, ngay cả sau khi họ nhận hàng sẽ góp phần xây dựng sự tin cậy và tạo ra ảnh hưởng tích cực lên quyết định mua hàng của những khách hàng tiếp theo.
Kết quả đáng chú ý tại Việt Nam
Thương mại điện tử đã mang lại rất nhiều tiện ích người tiêu dùng ở Việt Nam. 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, cũng như tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%. Đặc biệt, 85% cho biết rằng họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng trực tuyến kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
- 66% người tiêu dùng cho biết họ luôn tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất khi mua sắm để tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình. Trong khi đó, 34% còn lại sẵn sàng mua (các) mặt hàng bất kể có giảm giá hay không trong lần mua hàng trực tuyến gần đây nhất.
- Người tiêu dùng ở Việt Nam đang dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu nội địa khi 52% người Việt được hỏi cho biết họ ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt. Trong bối cảnh đó, 71% cũng đồng ý rằng họ nhận thấy hiện các thương hiệu, nhà bán hàng nội địa đang được hỗ trợ tốt nhất trên nền tảng TMĐT Lazada.
- Hơn 76% tổng số người được hỏi đồng ý rằng mua sắm trên Lazada là một trải nghiệm mới mẻ mang tính giải trí cao, trong đó những lễ hội mua sắm đóng vai trò quan trọng là động lực mua hàng của 61% người được khảo sát.
Thông tin nổi bật từ các quốc gia khác
- Người dùng ở Singapore mong muốn được mua sắm trên các nền tảng TMĐT giàu kinh nghiệm và đáng tin cậy, với những sản phẩm an toàn để việc mua bán có thể được thực hiện một cách thoải mái. Điều này được thể hiện thông qua tỷ lệ quan tâm tới các bài đánh giá (61%), sản phẩm chính hãng (54%), và các lựa chọn thanh toán an toàn (53%).
- Phần lớn các thị trường đã tích cực hưởng ứng hoạt động mua sắm xuyên biên giới với 79% người được hỏi ở Singapore không thể hiện sự phân biệt giữa các thương hiệu nội địa hay quốc tế, tiếp theo là 58% ở Thái Lan và 56% ở Malaysia. Mặc dù vậy, người tiêu dùng ở Việt Nam, Indonesia và Philippines vẫn dành phần lớn sự ưu tiên cho các thương hiệu trong nước, cứ 1 trong 2 người (52%) ở Việt Nam được hỏi cho biết họ thích mua hàng nội địa, tiếp theo là Philippines (41%) và Indonesia (36%).
- Hơn 90% phụ nữ Thái Lan từ 16 đến 24 tuổi được khảo sát cho biết họ đang chi tiêu trực tuyến nhiều hơn kể từ sau đại dịch và hơn một nửa trong số họ sẵn sàng chờ giảm giá để hoàn tất quá trình mua hàng của mình.
Phương pháp khảo sát
Milieu Insight đã khảo sát 6.000 người mua sắm trực tuyến (N = 1.000 từ mỗi quốc gia) về hành vi và cách nhìn nhận về TMĐT ở hiện tại và trong tương lai. Khảo sát được thực hiện vào tháng 1-2022 trên 6 thị trường bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines.
MEDIAONLINE
Nguồn do Lazada cung cấp.