Thứ Bảy ngày 16 tháng 11 năm 2024

Lại viết đôi điều về Ngày Cá tháng Tư April’s Fools Day 1-4

Bữa nay Ngày Cá tháng Tư – April’s Fools Day, ngày nói láo, xí gạt, chơi khăm, chơi trác có patent có thể không bị nghiệp quật.

Siêu đại sư phụ của A Phủ có nhắc chuyện cầu hôn. A Phủ từng nhiều lần chia sẻ kinh nghiệm rằng Ngày Cá tháng Tư là ngày cầu hôn  ngày tỏ tình lý tưởng nhứt, cho dù có bị từ chối cũng hỗng bị mất mặt. Nè, bạn yêu ai đó mà chớ dám ngỏ thì vào Ngày Cá tháng Tư cứ tỏ tình. Nếu được đồng ý thì tới luôn bác tài. Còn nếu lỡ bị từ chối thì nén đau trong lòng mà trề môi xí một cái rồi biểu: “Chời,  bộ tưởng thiệt sao? Cá tháng Tư á.” Thề là A Phủ làm miết nên có kinh nghiệm á.

Xin mời các bạn đọc bài viết về Ngày Cá tháng Tư của Siêu đại sư phụ của A Phủ.

Sáng sớm ngày 1 tháng Tư, lướt mắt qua các tờ báo hay các trang mạng, có thể bạn sẽ là nạn nhân của một tin khiến bạn xanh mặt. Chuyện nhỏ. Rốt cuộc hôm nay là ngày “Cá tháng Tư”.

Người Mỹ gọi nó là ngày “April fool” (Chơi khăm tháng Tư) người Pháp gọi là “Poisson d’Avril!” (Cá tháng Tư). Xin giới thiệu vài bản tin “xanh mặt”:

Tại Anh: Năm 1980, đài BBC đưa ra tin chiếc đồng hồ cổ Big Ben, ở tháp đồng hồ lịch sử của London, sẽ được tân trang với kỹ thuật số để theo kịp thời đại. Dân London bị cú sốc gọi điện thoại phản đối khiến tòa đô chánh bị mắng oan.

Tại Na-uy (Norway): năm 1987, một nhà báo đưa tin chính phủ sẽ phân phát cho dân chúng 10,000 lít rượu tịch thu được từ những kẻ buôn lậu. Báo hại hàng trăm người đến tòa hành chính, xếp hàng dài từ sáng sớm, mang theo chai lọ để nhận rượu.

Tại Mỹ: Năm 1996, hãng thức ăn nhanh Taco Bell (Chuông Taco) thông báo họ đã mua chiếc chuông U.S Liberty Bell (Chuông Tự Do Mỹ Quốc). Họ đổi tên nó thành “Taco Liberty Bell” (Chuông Taco Tự Do) và sẽ chuyển nó từ Philadelphia về trụ sở công ty ở California. Bất ngờ dân chúng túa đến quán Taco Bell để xem tình hình, nhưng chả nhẽ ngồi không. Thế là chỉ trong vòng 24 giờ, lợi nhuận của Taco tăng lên 1 triệu đô la.

Tại Đài Loan: năm 2009, Dân Đài Loan tá hỏa vì mẩu tin của tờ Thời báo Đài Bắc. Bản tin nói những con gấu trúc trong sở thú, do Trung Quốc tặng, là những con gấu nâu được nhuộm màu để làm giả gấu trúc. Dĩ nhiên mọi người đều xỉ vả Tàu lục địa vang trời Đài Loan.

Tục lệ ngày “April fool” có từ thời nào? Có hàng tá tư liệu cực kỳ khác nhau về nguồn gốc của nó. Rốt cuộc chẳng ai biết nó bắt nguồn từ đâu.  Nếu bạn nhất định phải biết nguồn gốc của nó thì xin chấp nhận giả thuyết rằng: trong thế kỷ 16, ở nước Pháp, thuở đó Pháp lấy ngày 1 tháng 4 là ngày đầu năm. Khi Giáo Hoàng Gregory XIII quyết định dùng ngày 1 tháng giêng làm ngày đầu năm, có nhóm người không tuân theo. Họ vẫn ăn tết vào ngày 1 tháng 4. Họ trở thành những người không giống ai, vì vậy ngày đó trở thành ngày chế diễu sự giả nai của họ.

Nhưng tại sao gọi ngày đó là “Cá tháng Tư” (Poisson d’Avril). Chuyện cũng xảy ra ở Pháp. Vào tháng Tư chính phủ cấm đánh cá vì đây là tháng trứng cá đang nở cần phải nuôi dưỡng, vả lại tháng này cũng là tháng xấu để đánh cá. Có vài kẻ chơi khăm ném một con cá khô xuống suối hay sông rồi hô to lên, “Mọi người ơi! mọi người ơi! Cá tháng Tư”. Mọi người tưởng thật chạy tới rồi bị tẽn tò. Từ đó mọi người dùng hình con cá dán lén vào lưng nhau để cười chơi.

Có nên cầu hôn vào ngày 1 tháng Tư không? Bạn thử xem.

Có một mẩu chuyện trên mạng, không ghi tên tác giả. Xin vị tác giả ẩn danh cho tôi được trích lại ở đây, tuy có sửa lại chút ít. Chuyện như sau.

“Hiện nay những kẻ lừa đảo rất nhiều. Hôm nay tôi đọc bản tin nói rằng có một số người phát hiện ra số tiền mấy trăm triệu trong tài khoản ngân hàng của mình không cánh mà bay.

Hoảng hồn, tôi vội vàng đạp xe đến ngân hàng, run run cắm thẻ vào máy ATM và nhập mật mã. Hú hồn! A, tốt quá, 100.000 đồng vẫn còn nguyên. Tôi thở ra một hơi nhẹ nhõm. Nhưng bước ra khỏi ngân hàng, tôi lại hết hồn. Chiếc xe đạp của tôi đã biến mất.”

Thú thật, cho đến bây giờ tôi vẫn không biết tác giả mất chiếc xe đạp thật hay mình bị dán hình con cá tháng tư vào lưng.

TRANG N DO, California.

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.