Cơ quan nhà nước chậm khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, dân còn khổ cực
Cứ theo nếp nghĩ và cách làm cũ, khi đi tới cơ quan công an để đổi thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, người dân ắt đinh ninh mình sẽ phải khai báo rườm rà trên nhiều biểu mẫu in giấy. Ngay cả những người quá quen với việc giấy tờ cũng còn ngán ngại chứ nói chi quảng đại quần chúng.
Nhưng thực tế giờ đã khác. Người dân chỉ cần trình giấy chứng minh nhân dân hay thẻ CCCD cũ (có thông tin về họ tên, ngày sinh, số CMND hay số định danh cá nhân) là cán bộ phụ trách tra trên hệ thống mạng và hỏi lại để xác định một số chi tiết rồi in ra cho người dân đọc lại và ký tên. Vậy là xong.
Điều đó có thể làm được là nhờ có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà các cơ quan công quyền có thể truy cập khai thác.
Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) ơ bất cứ nước nào cũng là nguồn dữ liệu quan trọng có tính nền tảng để phục vụ cho mọi hoạt động – đặc biệt là giữa chính quyền và người dân. Có thể nói cách nào đó, nếu Hiến pháp là bộ luật gốc thì CSDLQG là nguồn dữ liệu gốc.
Trong số các CSDLQG, CSDLQG về dân cư có vị trí quan trọng hàng đầu. Thậm chí, CSDLQG này còn được mệnh danh là “trái tim của Chính phủ số”. Theo giải thích tại Khoản 4 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Điều 10 Luật Căn cước công dân quy định: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, do Bộ Công an quản lý.
Có nghĩa là, các thông tin cá nhân cần thiết của mọi công dân đều được lưu trữ trong CSDLQG về dân cư. Và hầu như các lĩnh vực trong chuyển đổi số toàn diện quốc gia có liên quan tới công dân đều phải dựa vào CSDLQG này.
Lễ khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân tại Hà Nội chiều 25-2-2021. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)
Chiều 25-2-2021, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Lễ khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân . Ngày 22-6-2021, Bộ Công an đã công bố vận hành chính thức 2 hệ thống này từ ngày 1-7-2021 khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực.
Vậy là, có thể ví von như vầy, hồ chứa nước đã hoàn tất và tích nước, giờ chỉ còn làm sao kết nối liên thông để dẫn nước tới mọi nhà cần thiết.
Tất nhiên, CSDLQG về dân cư vẫn phải luôn hoàn chỉnh và cập nhật, nhưng các dữ liệu hiện có đã đủ để phục vụ cho các giao dịch, hoạt động thường ngày cần thiết của cơ quan nhà nước và người dân. Chỉ có điều, CSDLQG quý giá tới chừng nào cũng chưa thể phát huy được tối đa lợi ích nếu chưa được khai thác đúng mức.
Có vẻ giữa thời đại công nghệ 4.0 của kỷ nguyên số này, nhiều cơ quan chức năng vẫn theo cái nếp thâm căn cố đế cũ, cứ chờ nước tới chân mới nhảy, thay vì dựa theo quy hoạch mà chuẩn bị sẵn mọi thứ để có thể kết nối khai thác ngay sau khi cổng được mở. Hậu quả là nhạc trưởng là chính phủ chuyển đổi số phải đưa ra lộ trình cho các thành viên của mình khai thác các CSDLQG vốn là nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số.
Không ai khác hơn là chính người dân phải tiếp tục chịu nhiều khổ cực, phiền toái và tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc trước sự chậm trễ kết nối liên thông để khai thác CSDLQG về dân cư của các cơ quan chức năng. Cứ tính lượng thời gian và chi phí cho mỗi thủ tục cập nhật thông tin của từng người dân mà nhân lên số người dân phải thực hiện sẽ thấy con số lãng phí khủng khiếp chừng nào.
Căn cước công dân có gắn chíp chứa đựng các thông tin phong phú được liên kết thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia. (Nguồn ảnh: Minh Sơn/Vietnam+/nternet. Thanks.)
Chẳng hạn, sau khi có thẻ CCCD mới, khách hàng phải tiến hành cập nhật thay đổi thông tin cho các tài khoản ngân hàng. Theo quy định, họ bắt buộc phải tới trực tiếp làm việc tại cơ sở giao dịch của ngân hàng. Chuyện có dính dáng tới tài sản, tiền bạc thì phải cẩn trọng thôi. Nhưng lúng túng và phiền toái ở đây khi có ngân hàng chỉ cần quét mã QR tên thẻ CCCD gắn chip là có thể xác thực, trong khi lại có những ngân hàng bắt buộc phải có giấy của cơ quan công an xác định 2 số chứng minh cũ và mới là của một người.
Cho tới nay, hầu như chưa có cơ quan nào tự động cập nhật sự thay đổi số CCCD mới cho người dân mà bắt buộc người dân phải tự làm một cách thủ công. Thôi thì cũng đành vậy, nhưng người dân sẽ bớt cực khổ và tốn kém nếu như thủ tục thay đổi thông tin này có thể thực hiện online (có thể qua cổng dịch vụ hành chính công) thay vì phải trực tiếp đến từng cơ quan hữu trách. Nếu liên thông với CSDLQG, cơ quan tiếp nhận yêu cầu chỉ cần truy cập để xác thực là đủ.
Các cơ quan chức năng cũng cần rà soát lại các quy định pháp lý cũ để kịp sửa đổi cho phù hợp với tính hình mới trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Như về chuyện thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019 có quy định cá nhân đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, khi có thay đổi một trong các thông tin trên tờ khai đăng ký thuế, thí dụ: thay đổi về số CMND, CCCD… phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi. Trong khi đó, Điều 11 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có quy định mức xử phạt với hành vi vi phạm về thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế. Theo quy định này, người nộp thuế chậm thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc áp dụng các mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. Cũng may mắn là Nghị định 125/2020/NĐ-CP này hiểu được thực tế nên quy định thêm nếu thay đổi từ CMND sang CCCD mà người nộp thuế chậm khai báo thay đổi thì sẽ không bị phạt (Khoản 6, Điều 11).
Trước đây, theo Nghị định số 137/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân, việc cập nhật, thay đổi, chỉnh sửa các thông tin cá nhân của người dân trên CSDLQG về dân cư phải do thủ trưởng cơ quan công an từ cấp quận, huyện trở lên ở nơi người đó thường trú thực hiện. Gần đây, quy định có thuận tiện hơn cho người dân khi Thông tư 59/2021/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 137/2015/NĐ-CP cho phép trưởng công an cấp xã, phường có thẩm quyền chỉnh sửa thông tin của công dân trên CSDLQG về dân cư. Và người dân sẽ thuận tiện biết bao nếu dựa trên cơ sở liên thông dùng chung, họ chỉ cần đưa yêu cầu tại cơ quan công an nơi mình tạm trú rồi nội bộ ngành công an sẽ xử lý với nhau không cần người dân phải lặn lội về tận nơi thường trú xác thực.
Việc thay đổi các giấy tờ tùy thân hay các loại giấy tờ khác bắt buộc người dân phải cập nhật thay đổi thông tin trong các loại thủ tục, giấy tờ có liên quan. Thí dụ có số CCCD mới thì phải thay đổi trên các loại giấy tờ có thể hiện số căn cước cũ. Ngoại trừ những lĩnh vực quan trọng cần có sự xác thực trực tiếp của chính chủ, còn lại thì tốt nhất là các cơ quan liên quan sẽ tự động kết nối với CSDLQG để cập nhật hay xác thực cho người dân. Ở bước đơn giản hơn là người dân chỉ cần yêu cầu online là cơ quan tiếp nhận có thể tiến hành. Việc này càng thuận lợi hơn nữa khi người dân giờ đây có thêm tài khoản định danh cá nhân để định danh điện tử và xác thực điện tử. Chuyển đổi số mà vẫn phải dùng tới giấy và giao dịch trực tiếp thì còn đầy bất cập và nửa vời.
Bản đăng trên báo Người Lao Động.
PHẠM HỒNG PHƯỚC