Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Doanh số của nhà bán hàng GoFood – Gojek trong nửa đầu năm 2022 tăng gần gấp ba lần

Gojek, nền tảng công nghệ đa dịch vụ theo yêu cầu ở Đông Nam Á, ngày 28-7-2022 đã công bố một số số liệu về tình hình hoạt động của các nhà bán hàng trên nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood của Gojek tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2022. Số liệu mới nhất cho thấy tình hình hoạt động kinh doanh của các nhà bán hàng trên nền tảng GoFood có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể, với doanh thu trung bình trong 6 tháng đầu năm của các cửa hàng tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, thời điểm trước khi TP.HCM và Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội do làn sóng COVID-19 lần thứ tư.

Trong nửa đầu năm 2022, lượng người dùng đặt món trên nền tảng GoFood tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng người dùng mới tăng 35%, trong đó tốc độ tăng trưởng ở Hà Nội cao gấp gần 5 lần ở TP.HCM, cho thấy GoFood ngày càng được ưa chuộng ở thủ đô. Bên cạnh đó, các khách hàng cũ cũng tăng cường đặt đơn trên GoFood, với tổng lượng đơn hàng tăng 72% trong sáu tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng đơn hàng ở Hà Nội tăng hơn 3 lần.

Người dùng cũng có xu hướng đặt các đơn hàng với tổng giá trị cao hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị trung bình mỗi đơn hàng trên GoFood tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021, mặc dù giá cả đồ ăn, thức uống từ các nhà hàng trên nền tảng GoFood gần như không có sự điều chỉnh trong thời gian vừa qua.

Tương ứng với tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng và giá trị đơn hàng, doanh thu trung bình theo tháng của các cửa hàng hoạt động trên GoFood của Gojek cũng tăng cao đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, doanh thu trung bình của các đối tác GoFood tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó các cửa hàng ở Hà Nội ghi nhận mức bứt phá gần 5 lần, còn ở TPHCM là hơn 2 lần.

Nhận định về xu hướng này, bà Lê Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc Phát triển Đối tác GoFood của Gojek Việt Nam, cho biết: “Sự tăng trưởng doanh thu của các đối tác nhà hàng trên Gojek là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phục hồi và khởi sắc của nền kinh tế, đặc biệt là tại TP.HCM và Hà Nội. Khi ngày càng nhiều người dân chuyển sang sử dụng các nền tảng thương mại điện tử phục vụ nhu cầu hàng ngày, các cửa hàng kinh doanh ẩm thực biết tận dụng sức mạnh của các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến đang có nhiều cơ hội lớn để khôi phục và phát triển mạnh trong thời gian tới.”

Anh  Nguyễn Hữu Hải, chủ chuỗi cửa hàng PaPa Chicken-Gà Rán-Cơm Gà, cho biết: “Năm 2019, khi bắt đầu hợp tác với nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood của ứng dụng Gojek, chúng tôi mới có một cửa hàng duy nhất. Sau gần 3 năm hoạt động, với sự hỗ trợ từ Gojek, chúng tôi đã phát triển thành 28 cửa hàng, với 24 cửa hàng tại Hà Nội và 4 cửa hàng tại TP.HCM. Riêng trong quý 1-2022, doanh thu của Papa Chicken trên nền tảng đặt đồ ăn GoFood đã tăng gần 20 lần so với quý 4-2021. Với chiến lược theo đuổi mô hình kinh doanh trực tuyến để hỗ trợ chuỗi cửa hàng trực tiếp, chúng tôi tìm thấy nhiều giá trị trong quan hệ đối tác với Gojek, bao gồm: các công cụ hỗ trợ về mặt công nghệ giúp quản lý cửa hàng hiệu quả, các chương trình khuyến mại, đội ngũ nhân viên tư vấn tâm huyết, cùng với đối tượng khách hàng trẻ, đông đảo, đa dạng mà ứng dụng này thu hút được.”

Số lượng các nhà bán hàng tham gia nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood của Gojek tiếp tục tăng trưởng ổn định kể từ khi TP.HCM và Hà Nội nới lỏng các quy định về giãn cách rồi vào trạng thái bình thường mới. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng nhà bán hàng hoạt động trên GoFood tăng 83% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 6, số cửa hàng mới lên nền tảng tăng 21% so với tháng liền trước, và tăng 31% so với trung bình 3 tháng đầu năm 2022.

Theo Gojek, GoFood hiện đang hỗ trợ tăng trưởng hoạt động kinh doanh của hàng chục nghìn nhà hàng đang hoạt động trên nền tảng, từ các chuỗi nhà hàng và các thương hiệu quốc tế lớn tới các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ – trong đó nhóm sau hiện đang chiếm khoảng 90% tổng số nhà bán hàng trên GoFood tại Việt Nam. Việc hỗ trợ các cửa hàng vừa và nhỏ và siêu nhỏ là một trong những cam kết thường xuyên và lâu dài của Gojek.

  • Đẩy mạnh số hóa cho toàn bộ hệ sinh thái: Để hỗ trợ các cửa hàng, quán ăn dễ dàng tham gia vào nền kinh tế số, đáp ứng xu hướng mua sắm online ngày càng tăng của người dân, Gojek đã xây dựng nền tảng đăng ký trực tuyến hoàn toàn miễn phí, tạo điều kiện để các nhà hàng có thể tham gia kinh doanh trên GoFood một cách dễ dàng nhất và trong thời gian sớm nhất.

Gojek cũng ra mắt và đẩy mạnh ứng dụng GoBiz, nền tảng quản lý đơn hàng nhằm giúp các đối nhà hàng GoFood tối ưu hóa quy trình giao đồ ăn trực tuyến và phát triển kinh doanh hiệu quả, nâng cao trải nghiệm người dùng. Hơn 90% nhà hàng, quán ăn trên Gojek đang sử dụng GoBiz hàng ngày.

  • Gojek mang đến sự hỗ trợ toàn diện và tư vấn cho các nhà bán hàng trên GoFood trong suốt hành trình phát triển. Ngoài việc cung cấp các thông tin phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh, Gojek còn có các chương trình để hỗ trợ các đối tác mở rộng tệp khách hàng, đẩy mạnh hình ảnh thương hiệu, nâng cao doanh số, chẳng hạn như các chương trình miễn phí giao hàng, marketing và quảng cáo, ….

Bà Lê Nguyễn Ngọc Dung cho biết thêm: “Gojek luôn đặt mục tiêu phát triển các giải pháp toàn diện nhằm giúp các đối tác tối ưu hóa doanh thu và tăng trưởng kinh doanh. Việc hiểu rõ nhu cầu cũng như các giai đoạn phát triển của các đối tác nhà hàng cho phép Gojek đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời và phù hợp. Khi Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới và đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế, chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng các nhà bán hàng và không ngừng hoàn thiện chất lượng dịch vụ dành cho các thành viên trong hệ sinh thái.” 

Gojek hiện đang kết nối hơn 200.000 đối tác tài xế xe 2 bánh và hàng chục nghìn nhà hàng với hàng triệu người dùng tại Việt Nam. GoFood là một trong những nền tảng giao nhận đồ ăn hàng đầu tại thị trường Việt Nam. Hàng triệu món ăn có thể được tìm thấy trên GoFood.

V.C.G.

Nguồn do Gojek cung cấp.