Thứ Sáu ngày 27 tháng 12 năm 2024

Xấu như chữ bác sĩ…

Đành rằng ông bà mình đã tổng kết: “Chữ xấu như gà bới” = “Chữ xấu như chữ bác sĩ”, nhưng bác sĩ kê đơn mà người ta không thể đọc được (có khi ngay cả bác sĩ đọc lại cũng không biết mình đã viết gì nếu không suy ra từ bệnh lý của bệnh nhân) thì quả là nguy hiểm. Bán lộn thuốc và uống nhầm thuốc như chơi.

Có lẽ nên đề xuất:

1. Mở cuộc thi sưu tập những toa thuốc không ai đọc nổi.

2. Hễ bác sĩ nào bị phản ánh viết toa không đọc nổi sẽ bị buộc phải đi học những khóa rèn chữ viết, coi đó như một chứng chỉ phụ để hành nghề.

Chữ viết trên toa thuốc không cần đẹp, miễn là rõ ràng, dễ đọc.

Tất nhiên, nếu bác sĩ ứng dụng công nghệ, có thể sử dụng máy tính thì mọi việc trở nên đơn giản hơn nhiều. Ngày nay có nhiều ứng dụng khám bệnh, kê đơn có thể hỗ trợ hữu hiệu cho bác sĩ khi khám chữa bệnh.

Chuyện ngoáy đơn thuốc xảy ra nhiều nhất là ở các phòng khám tư của cá nhân. Tuy nhiên, tại các cơ sở y tế, trong các buổi bình đơn thuốc hàng tuần cũng nên có cả mục bình những đơn thuốc có chữ viết quá xấu.

Cũng cần nói thêm, chữ xấu như chữ bác sĩ là một căn bệnh mãn tính trần kha mang quy mô toàn cầu. Ngay cả ở bên Mỹ, nơi có nền y tế tiên tiến và có những quy định pháp lý ràng buộc chặt chẽ, vẫn có những doctor ngoáy toa như giun, tưởng chừng như chỉ viết ký hiệu cho dược sĩ ruột giải mã.

Có nhiều lời giải thích có cơ sở để tin về những toa thuốc chữ lăng quăng. Cái tật viết ẩu, viết tháu cũng có. Nhưng phần lớn chúng mang tính tư lợi và tiêu cực, coi mạng bệnh nhân như tờ giấy napkin đã chùi. Cái này không chỉ thuộc phạm trù y đức mà có khi còn vướng pháp lý, nhất là nếu như vì chúng mà gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sinh mạng người bệnh.

Không thể chấp nhận kiểu đổ thừa vì bệnh nhân quá đông nên phải ngoáy toa.

Xin mời tham khảo.

A.P.

Ảnh từ Facebook bạn bè.