Thứ Ba ngày 05 tháng 11 năm 2024

Trước ống kính quốc dân….

Vụ “đánh hội đồng” 2 thiếu niên ở tỉnh Sóc Trăng một lần nữa cho thấy vai trò của những “ống kính quốc dân”, tức những camera cộng đồng có ở khắp mọi nơi.

Hai người can dự đầu tiên có lẽ không hề biết mình đang “diễn xuất” trước ống kính camera. Một trong 2 người tới sau hình như cẩn thận ngó chung quanh coi có ai quay phim không rồi mới “an tâm nhập cuộc”, nhưng lại không nghĩ tới những chiếc camera an ninh mà người dân gắn để bảo vệ nhà hay cơ sở làm ăn của mình.

Như đã nói ở trên, trong góc nhìn công nghệ này, chúng ta không nói tới nội dung vụ việc mà chỉ bàn về khía cạnh công nghệ trong cuộc sống thường ngày.

Ngày xưa, người ta tâm đắc với cụm từ “mắt dân là mắt khóm”. Còn ngày nay, người ta phải luôn nhận thức rằng chung quanh mình ngập tràn những “ống kính quốc dân”. Chỉ cần vô ý một cái là văng lên mạng ngay và luôn.

Có thể nói rằng, ngày nay, với sự phổ cập của các thiết bị có khả năng ghi hình, từ những chiếc điện thoại cho tới camera chuyên dụng cho hội họp, gọi video call hay camera an ninh, người ta có nguy cơ bị ai đó ghi hình ngay cả ở trong phòng kín chứ đừng nói chi là giữa nơi công cộng. Với những chiếc web cam có nối mạng Internet, nguy cơ bị ghi hình lén, hoặc do vô tình bật máy hay bị tin tặc xâm nhập mạng, rất cao.

Hệ thống camera an ninh. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Khu phố của người viết bài này vừa tiến hành thu tiền đóng góp của các hộ gia đình để lắp đặt hệ thống camera an ninh cho khu phố khi gần đây xảy ra mấy vụ trộm cắp. Đây là những camera bổ sung cho hệ thống camera của Công an trước đó đã gắn ở các hẻm lớn và các khu vực “nhạy cảm”.

Trên các đường phố, nhất là tại các giao lộ, từ lâu người tham gia lưu trông không còn lạ gì với những chiếc camera giao thông đang miệt mài ngày đêm ghi hình. Có những địa phương cẩn thận còn gắn những tấm bảng cảnh báo cho người dân biết ở khu vực đó có gắn camera.

Nhưng phổ biến nhất là những người sử dụng smartphone luôn có sẵn thiết bị ghi hình trong tay mình. Không kể những người chuyên ghi hình cuộc sống, như các YouTuber, TikToker,…luôn chĩa ống kính khắp nơi mình có mặt, những người có smartphone bình thường vẫn có thể ghi hình những vụ việc, cảnh tượng tình cờ xảy ra trước mắt mình.

Giống như trong các bộ phim hình sự quốc tế, sự kết hợp của các camera giao thông và các camera an ninh của cơ quan và người dân có lọi ích rất lớn trong việc bảo vệ an ninh trật tự xã hội, cụ thể là truy tìm tội phạm.

Cái gì cũng có 2 mặt. Chính nhờ biết sống giữa thời 4.0 mà người ta hoặc trở nên tốt hơn, hoặc giấu diếm giỏi hơn.

Tùy luật pháp của từng nước mà hình ảnh ghi từ các “camera quốc dân” có được coi như bằng chứng tội phạm không. Nhưng nói chung, đây vẫn là nguồn dữ liệu quý giá để các cơ quan chức năng có những chứng cứ, manh mối ban đầu phục vụ cho công cuộc điều tra của mình.

Vấn đề ở đây là nhà chức trách cần có những quy định cụ thể, thậm chí pháp lý hóa, về việc sử dụng các hình ảnh ghi từ các hệ thống camera quốc dân, cả từ cơ quan chức năng lẫn người dân. Bao giờ cũng vậy, việc tự ý phát tán hình ảnh của người khác lên mạng xã hội mà không được các nhân vật trên đó cho phép vẫn có thể bị vi phạm quyền bảo mật thông tin cá nhân. Không ít lần đã xảy ra tình trạng khi những video quay những hành vi sai trái của những người thuộc cơ quan công quyền được tung lên mạng, trong khi những người đó có thể bị xử lý kỷ luật thì những người ghi hình và tung lên mạng đã bị truy xét ngược vì sao ghi hình và tung lên lên mạng với động cơ gì.

Đó là lý do mà mọi sự cần được quy định cụ thể trên tinh thần chủ đạo là huy động và trân trọng sự giám sát xã hội của toàn thể cộng đồng. Thiết nghĩ cũng cần lưu ý thực tế là nếu chỉ gửi các hình ảnh ghi được cho cơ quan chức năng, khả năng rất lớn là “phủ binh phủ, huyện bênh huyện”, bị “dập” ngay từ trong trứng nước. Trong khi đó, giám sát cộng đồng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc cộng đồng và pháp luật hiện hành. Cộng đồng vẫn đang chờ có được sự rõ ràng và an tâm được bảo vệ khi tham gia giám sát cộng đồng.   

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 1-10-2022 và trên báo NLĐ Online.

A.P.