Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Thương đồng bào miền Trung chịu cơn bão số 5 Sơn Ca

Sáng sớm thứ Bảy 15-10-2022, A Phử mở mắt rồi nghe xót con mắt khi đọc trên mạng “cơn lũ” tin tức về cảnh đồng bào khúc ruột miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng, hứng chịu trận mưa lũ lịch sử trong đêm do ảnh hưởng bởi cơn bão số 5 Sơn Ca. Một người bạn đồng nghiệp ở Đà Nẵng bị nước lũ tràn vô nhà đã than: Làm việc quần quột tích lũy cả năm rồi đổ hết cho nước lũ.

Một người phụ nữ lớn tuổi nói mình sống ở Đà Nẵng 60 năm rồi mới chứng kiến trận lũ kinh hoàng như thế này. Chưa có bao giờ nước lũ tràn vào nhà bà cao tới nửa mét, nhưng lần này nước ào vô trong nhà sâu ngập đầu chỉ trong chưa tới 1 giờ. May mà nhà có lầu.

Sáng sớm, nhiều đường phố Đà Nẵng nước đã rút nhờ trời đã tạnh mưa, nhưng hàng trăm chiếc xe ôtô nằm ngổn ngang la liệt vì chết máy. Có những chiếc ôtô bị dòng nước lũ cuốn trôi lăn lóc, xoay ngang trở dọc.

May mắn là chưa nghe tin gì về thương vong của người dân. Nhưng thiệt hại về vật chất là rất nặng nề. Nước lũ ào vô nhà cực nhanh và sâu thì thoát thân được là may lắm rồi, đành bỏ mặc tài sản, đồ đạc.

Bão số 5 là tên gọi của Việt Nam cho trận bão Biển Đông có tên quốc tế là Sonca (tên Sơn Ca này do Việt Nam đặt).’

Chỉ mới cách đó nửa tháng, khu vực từ Huế tới Quảng Ngãi đã là tâm của cơn bão số 4 Noru (đổ bộ lúc 4g sáng 28-9-2022) với dự báo ban đầu có sức mạnh của một siêu bão (may là thực tế vào bờ yếu hơn). Nhờ được chuẩn bị phòng, chống chu đáo, thiệt hại do bão số 4 không quá nặng như dự báo.

Nhưng họa vô đơn chí. Tránh được bão số 4 thì Đà Nẵng lại vướng phải bão số 5, có sức gió được dự báo ban đầu yếu hơn và đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ (lúc mạnh nhất vào cấp 7, cấp 8 và vào chiều tối 14-10-2022 suy yếu trở lại thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi). Mưa lũ không ngờ tới nên trở tay không kịp. Mà có những người đinh ninh với bão số 4 mạnh hơn nhiều mà vẫn chịu nổi thì bão số 5 nhằm nhè chi mô.

Thương đồng bào miền Trung ngay từ trong lời bài hát bất hủ Tiếng Sông Hương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (trong trường ca Hội Trùng Dương sáng tác giữa thập niên 1950) có câu “trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm…” Và từ khi mới biết đọc, A Phủ đã phải thường xuyên đọc trên trang nhứt những tờ nhựt trình những tin tức, hình ảnh về những trận bão lụt kinh hoàng miền Trung. Những hình ảnh tang thương đó vẫn còn hằn sâu trong tâm trí A Phủ – một người sống trọn tuổi niên thiếu tới trưởng thành ở vùng trũng Đồng Tháp Mười từ mỗi năm một lần chịu cảnh mùa nước nổi.  

Thương đồng bào miền Trung. Xin gửi lời cầu xin bình an tới các bạn bè của A Phủ ở miền Trung – nơi chôn nhau cắt rún của A Phủ trong một thời phiêu bạt giang hồ của song thân.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Ảnh từ báo bạn bè/Internet. Thanks.