Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Xu hướng TV 2023: màn hình lớn, nghe nhìn đỉnh và giá tốt hơn

Có lẽ chưa bao giờ sản phẩm TV trên thị trường Việt Nam được khuyến mại thật sâu và đồng loạt trên quy mô lớn như hiện nay, trong mùa World Cup Qatar 2022. Chủ yếu là TV cỡ lớn và có mức giảm giá tới trên 50%.

Đây là đợt đại khuyến mại khi khuyến mại chồng khuyến mại. Hầu như các hãng và các trung tâm điện máy đều có những chương trình khuyến mại riêng mà khi kết hợp lại với nhau, người tiêu dùng hưởng lợi lớn. Các hãng, các cửa hàng điện máy vừa kích cầu mua sắm cuối năm, đặc biệt trong dịp siêu giảm giá lớn nhất trong năm Black Friday; vừa xả hàng tồn kho do sức mua giảm mạnh hậu COVID-19.

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Hãng Samsung (Hàn Quốc) có chương trình “Tiến tới Cúp Thế giới giảm giá đến 50%, trả góp 0 đồng” giảm giá 50% đối với các dòng TV từ 55 inch trở lên với giá còn từ 27 triệu đồng (Neo QLED 55 inch) đến dưới 100 triệu đồng (85 inch).

Còn hãng LG (Hàn Quốc) có chương trình “Lớn hơn, cuồng nhiệt hơn” với ưu đãi giảm giá đến 45% như TV 4K 55 inch còn 11 triệu đồng (giá trước đó 21 triệu đồng); TV 65 inch còn 15 triệu đồng (từ 26 triệu đồng), TV 75 inch còn 25 triệu đồng.

Trong khi đó, hãng TCL (Trung Quốc) chạy chương trình “Cơ hội trúng tivi 98 inch màn hình lớn cho trận cầu đỉnh cao” khi quay số. Thương hiệu này giảm giá các mặt hàng TV 98 inch từ 180 triệu đồng xuống còn 84 triệu đồng, TV 85 inch còn 70 triệu đồng.

Thương hiệu Nhật Bản Sony có chương trình “Mãn nhãn với bóng đá – hòa nhịp Qatar” với TV 4K 55 inch giảm giá 62% còn 8,9 triệu đồng, 65 inch 4K còn 17 triệu đồng, 75 inch 4K còn 23,5 triệu đồng.

Một số chuyên gia lưu ý rằng muốn xem bóng đá đã mắt thì phải mua TV ít nhất là từ 65 inch trở lên. Chí ít cũng phải từ 55 inch.

Anh M.D. ở Quận 5 (TP.HCM) cho biết chưa bao giờ chuyện mua TV màn hình lớn dễ dàng như bây giờ. Chuyện tài chính thì dễ dàng hơn nhiều do nơi nào cũng có chương trình trả góp 0% lãi suất từ các ngân hàng và dịch vụ tài chính. Samsung cón áp dụng chiêu khuyến mại: chỉ cần trả trước 6,5 triệu đồng cho TV 65 inch và 7,5 triệu đồng cho TV 75 inch. Vấn đề của người dùng bây giờ là chọn mua TV nào cho phù hợp và có lợi nhất.

Trước nay, nhiều người am hiểu vẫn luôn cảnh báo rằng nếu không phải là những người mê công nghệ mới và có khả năng tài chính, thì người dùng bình thường đừng nên ham mua các mẫu TV đời mới nhất với giá ra mắt luôn cao ngất. Chỉ cần chọn các đời TV trước đó 1-2 năm là có giá thật hơn mà vẫn đáp ứng hầu hết các yêu cầu, trong khi công nghệ cũng chưa lỗi thời.

Việc lựa chọn kích thước TV lớn tới đâu là tùy thuộc vào khả năng tài chính và nơi đặt TV. Về nơi đặt TV, quan trọng nhất vẫn là khoảng cách từ TV tới người xem, TV có độ nét càng cao thì càng có thể xem gần hơn.

Ai mà chẳng thích sắm TV lớn vừa để khoe hàng xóm, vừa coi cho sướng. Người dùng cần lưu ý là có sự chênh lệch “đột biến” từ TV 60 inch trở xuống và TV 65 inch trở lên (có lời giải thích là do kích thước tấm nền). Chẳng hạn như với dòng TV Samsung Crystal UHD 4K BU8000 trên Website Samsung hồi hạ tuần tháng 11-2022. Trong khi từ 43 inch lên 55 inch (tức lớn hơn 12 inch) chỉ phải thêm 2,9 triệu đồng, thì từ 55 inch lên 65 inch (lớn hơn 10 inch) phải thêm 4,9 triệu đồng. Chỉ lớn hơn có 5 inch, trong khi từ 55 inch lên 60 inch chỉ thêm 1,7 triệu đồng;  thì từ 60 inch lên 65 inch phải thêm tới 3,2 triệu đồng.

Tuy thuộc nhóm sản phẩm nghe nhìn, nhưng với công năng của mình, TV phải tập trung vào phần nhìn; như thế chất lượng hình ảnh vẫn là quan trọng nhất đối với một chiếc TV. Chất lượng hình ảnh của TV dựa trên các yếu tố chính: độ phân giải, độ sáng, độ tương phản, tốc độ làm tươi, khả năng tái tạo màu sắc,…

Các công nghệ tấm nền hiện nay của TV. (Nguồn: Lemmy Morgan/Internet).

Trong cuộc chạy đua về chất lượng hình ảnh, các nhà sản xuất TV hiện nay chủ yếu sử dụng 2 công nghệ tấm nền chính là LCD LED (thế hệ chiếu sáng bằng đèn LED có vào năm 2009 thay cho đèn huỳnh quang cũ) và OLED (gồm các đi-ốt hữu cơ tự phát sáng). Trong khi công nghệ OLED còn quá mới và có giá thành cực đắt, hầu hết TV đang có trên thị trường đều dùng công nghệ LED. Và các hãng đã chạy đua cải tiến công nghệ này ngày càng cho chất lượng cao hơn và tiệm cận hơn với OLED. Chẳng hạn như Edge LED (đèn LED viền bố trí ở 2 hay toàn bộ 4 cạnh màn hình); Full Aray LED (đèn LED sau tấm nền với mật độ lớn); Direct LED (toàn bộ đèn LED ở sau tấm nền với mật độ ít hơn); Mini LED (thay vì dùng các đèn LED tiêu chuẩn có kích thước khoảng 1mm thì dùng đèn LED có kích thước nhỏ hơn rất nhiều, như Mini LED của Samsung được giới thiệu là nhỏ bằng 1/40 đèn LED chuẩn); Micro LED (đèn LED có kích thước siêu nhỏ đến mức gần như các điểm ảnh tự phát sáng giống như OLED). 

Cao cấp nhất hiện nay và cũng có giá thành cao nhất trong tấm nền LED là được tích hợp công nghệ Chấm lượng tử (Quantum Dot). Các hạt siêu nhỏ (tính bằng nguyên tử) được bổ sung vào có chức năng lọc màu vượt trội, đạt gam màu rộng hơn 50% so với tấm nền LED sử dụng bộ lọc thông thường. Samsung, TCL,… đặt tên “tiếp thị” cho công nghệ tấm nền LED tích hợp Quantum Dot là QLED, vừa để phân biệt với tấm nền LED truyền thống, vừa cho nó gần gũi hơn với OLED.

Tất nhiên OLED hiện nay vẫn là công nghệ tấm nền đỉnh cho các thiết bị hiển thị, trong đó có TV. Cho tới nay vẫn chỉ có rất ít hãng tham gia cuộc đua công nghệ này với cực ít mẫu mã TV. Suốt một thời gian dài, TV OLED chủ yếu là sân chơi thi thố công nghệ của LG và Sony. Tuy là nhà sản xuất TV số 1 thế giới 16 năm liền, Samsung suốt mấy năm qua vẫn đứng ngoài cuộc chơi OLED trên thị trường (không nói tới chuyện họ vẫn âm thầm nghiên cứu và cách đây gần 10 năm từng công bố dự án TV OLED nhưng nhanh chóng hủy bỏ do vấn đề sản xuất), thay vào đó tích cực phát triển công nghệ QLED (bắt đầu thương mại hóa từ năm 2017). Mãi tới hồi tháng 3-2022, Samsung mới hé lộ ở Mỹ về chiếc TV OLED đầu tiên của mình và sau đó bắt đầu bán mẫu Samsung OLED 4K S95B tại nhiều nước với 2 kích thước 55 inch và 65 inch (Việt Nam có vào cuối tháng 11-2022). Điểm khác biệt của TV Samsung OLED là được kết hợp công nghệ OLED với công nghệ Quantum Dot. Dòng TV OLED được Samsung định vị ngang với dòng Neo QLED của mình.

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Theo nhiều chuyên gia, dù là công nghệ đỉnh, nhưng TV OLED trong tương lai gần vẫn mang tính “khoe” khả năng công nghệ của các hãng hơn. Dòng TV này vẫn dành cho các người dùng có nhiều tiền và mê công nghệ. Tuy ngày nay giá đã giảm rất nhiều, nhưng mức giá TV OLED vẫn còn quá cách biệt với TV LED. Vì thế, xu hướng chung của các hãng sẽ là tập trung cho công nghệ QLED kết hợp thêm những công nghệ bổ trợ để vừa tiệm cận hơn với những ưu điểm của OLED, vừa khắc phục được những nhược điểm của OLED.

Ông Nhưt Hùng, một nhiếp ảnh gia và chuyên gia công nghệ nghe nhìn, nói rằng: Tuy hình ảnh là then chốt, nhưng TV cũng cần phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng âm thanh, nhất là trong xu hướng sử dụng TV như một rạp chiếu phim tại nhà.

Ông Lâm Vĩnh Kiệt, Trưởng bộ phận phát triển và đào tạo sản phẩm, TCL Việt Nam, ngày 22-11-2022 chia sẻ: Trong xu hướng TV tới đây, các hãng sẽ tiếp tục chạy đua về 2 yếu tố. Thứ nhất là tấm nền màn hình. Với các dòng TV cao cấp, họ sẽ kết hợp nhiều công nghệ lại với nhau để nâng cao hơn chất lượng hiển thị (như OLED với Quantum Dot, QLED với Mini LED). Thứ hai là tần số quét hình cũng sẽ tiếp tục được nâng cao để đáp ứng việc hiển thị mượt mà các tựa game và phim hành động có nhiều cảnh chuyển động nhanh. Hiện nay, thay cho tốc độ LCD chuẩn là 60Hz (thậm chí có nhiều TV chỉ 50Hz), một số hãng đã đưa ra những chiếc TV có tần số quét cao tới 120Hz hay 144Hz. Ông cũng cho biết nhằm chinh phục đối tượng người dùng rộng rãi hơn, các hãng cũng đang quan tâm một mặt phát triển thêm những công nghệ tiên tiến hơn cho các dòng TV cao cấp, mặt khác đưa dần các công nghệ và tính năng hiện nay chỉ có ở dòng TV cao cấp xuống cho các TV trung cấp và phổ thông.

Theo ông Kiệt, kết quả khảo sát trên thị trường hiện nay, có tới 60% người dùng muốn TV UHD 4K. Bên cạnh các công nghệ âm thanh cao cấp hiện nay như Dolby Atmos,…các hãng TV đang tìm cách đưa âm thanh không nén vào TV để cho âm thanh thật với rạp chiếu phim hơn.

Tất nhiên, các TV từ trung cấp trở lên sẽ cần có sức mạnh xử lý từ các con chip SoC chuyên dụng và tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. TV thế hệ mới không còn là Internet TV mà phải chạy hệ điều hành TV, hỗ trợ các trợ lý bằng giọng nói và có khả năng kết nối với các thiết bị trong hệ sinh thái Smart Home để trở thành một trung tâm quản lý và điều khiển.

Về thiết kế, xu hướng TV mới vẫn là thu hẹp tối đa các viền màn hình tới mức không viền, đồng thời mỏng nhất có thể được để người dùng có thể treo trên tường như một bức tranh hay tấm ảnh trang trí nội thất.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 26-11-2022 và trên báo NLĐ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC