Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC chia sẻ góc nhìn về “Nền kinh tế số đang là cơ hội của Việt Nam”

Tại phiên thảo luận của Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VFTE 2022) diễn ra ngày 8-12-2022 ở Hà Nội, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng, kinh tế số thế giới có quy mô lớn, nhưng mới chỉ ở mức tiềm năng và đây là cơ hội của Việt Nam.

Diễn đàn thu hút đông đảo chuyên gia, đại diện doanh nghiệp

VFTE 2022 là một sự kiện thường niên do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì từ năm 2019. Đây là một không gian gặp gỡ, trao đổi giữa các doanh nghiệp công nghệ và cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm nhận diện cũng như đề xuất giải quyết các vấn đề trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam. Trong lần thứ 4 này, VFTE 2022 do báo Điện tử VnExpress phối hợp thực hiện có chủ đề “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, đưa ra nhiều chiến lược trọng tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong nước, cũng như hướng khai phá thị trường nước ngoài.

Nền kinh tế số dựa trên hạ tầng Đám mây

Trình bày tham luận về chủ đề “ Điện toán đám mây – Cơ hội cho Việt Nam trở thành Trung tâm hạ tầng, dịch vụ kinh tế số của Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC, cho rằng, để phát triển kinh tế số tại Việt Nam, cần coi hạ tầng Cloud (đám mây) là hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số. Do đó, cần có chính sách ưu tiên ưu đãi cao nhất đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này như đất đai, thuế, vốn, thủ tục nhanh…  Ngoài ra, cần có các chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ trong nước, có thể theo hình thức đặt hàng sử dụng. Việc phát triển nguồn nhân lực số cũng cần có chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo đẩy mạnh đào tạo số, xây dựng đại học số giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, chia sẻ góc nhìn về kinh tế số.

“Cần xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tích cực tham gia đầu tư vào hạ tầng kinh tế số, xây dựng nền tảng ứng dụng số, cung cấp dịch vụ số đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ số toàn cầu”, ông Nguyễn Trung Chính khẳng định.

Trong 12 nền kinh tế được chọn tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam, mới chỉ khai thác thành công 30% tiềm năng của nền kinh tế số vào năm 2021.

Cụ thể, quy mô kinh tế số là 586 tỷ USD vào năm 2021 và vẫn còn 1,4 nghìn tỷ USD lợi ích tiềm năng chưa được khai thác. Tại Việt Nam, kinh tế số đóng góp 10% GDP, dự đoán đến 2030, quy mô kinh tế số đạt 3 nghìn tỷ USD.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, cho biết, năm 2022, công nghệ số tiếp tục là điểm sáng của Việt Nam khi doanh thu ước đạt 148 tỷ USD. Xuất khẩu công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD.

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông.

Hiện tại, Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái công nghệ, là quốc gia trẻ, có năng lực công nghệ, nền giáo dục công nghệ tốt. Bên cạnh đó là có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, chỉ số sẵn sàng của Việt Nam đang ở mức tiềm năng, ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ.

Ngành công nghệ có sứ mệnh mở đường

Chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam đã xác định rất rõ, đó là muốn đất nước đến kỷ niệm 100 năm thành lập (2045) trở thành nước công nghiệp phát triển, có một cuộc sống hòa bình, an toàn, văn hóa và một nền sản xuất hiện đại thì chúng ta phải làm rất nhiều việc phi thường phải có những giải pháp đặc biệt và khát vọng mãnh liệt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt kỳ vọng vào doanh nghiệp công nghệ số.

Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra ba vấn đề cần giải quyết. Đầu tiên là phải thay đổi thể chế. Bởi thực tế hiện tại sau bao nhiêu lần làm nghị định mà chúng ta vẫn chưa làm được dự án công nghệ thông tin nào. Như CMC đã kiến nghị, nếu không làm mới thể chế thì chúng ta sẽ cứ nói mà không phát triển được.

Thứ hai, chúng ta phải tập trung hơn vào nhân lực, câu chuyện trong làng công nghệ thông tin (CNTT) đã nói nhiều, nhưng nếu vẫn duy trì những quy định đào tạo như trước đây, chúng ta sẽ không thể đào tạo ra một triệu nhân lực CNTT.

Thứ ba, là việc tìm ra cái gì mới, còn dư địa. Hiện mọi người kỳ vọng vào chuyển đổi số, CNTT, vì nếu cứ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ mà không đi vào những mũi nhọn mới của thế giới trong đó có CNTT thì làm sao chúng ta có thể đạt 7% một năm. “Nên những người ngồi đây là một trong lực lượng đặc biệt trong cuộc chiến chống lại nghèo đói”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Với chủ đề năm nay là “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, VFTE 2022 hướng tới thúc đẩy quá trình triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu kép: Phát triển đồng bộ 3 trụ cột – Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

L.N.C.

Nguồn do CMC cung cấp.