Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

3M và MSD đưa giáo dục STEMkidVN đến học sinh vùng cao ở Việt Nam

Mục tiêu phát triển bền vững số 4 của Liên Hiệp Quốc về Giáo dục chất lượng (United Nations’ Sustainable Development Goal 4 on Quality Education) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện và sự công bằng trong giáo dục, đồng thời thúc đẩy cơ hội học tập lâu dài cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, việc tiếp cận các tài liệu học tập và giáo dục STEM (Science – Khoa học, Technology – Công nghệ, Engineering – Kỹ thuật và Mathematics – Toán học) hiện nay vẫn là một thách thức đối với học sinh và giáo viên sống ở các vùng nông thôn, miền núi như ở Lào Cai và Sơn La thuộc vùng Tây Bắc của Việt Nam.

Ngoài ra, kết quả khảo sát được thực hiện vào tháng 8-2022 của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (Management and Sustainable Development Institute, MSD) tại 2 trường tiểu học ở Lào Cai đã cho thấy rằng để đưa giáo dục STEM đến các vùng này, các trường học cần phải được cải thiện về cơ sở vật chất, tài liệu giáo dục và truyền thông; đồng thời giáo viên cần được đào tạo về chủ đề STEM và nắm bắt được phương pháp tích hợp giáo dục STEM để có thể thiết kế bài giảng và tổ chức các buổi sinh hoạt thú vị, từ đó đạt mục tiêu giáo dục STEM đối với học sinh. 

Với mục tiêu đó, MSD đã nhận được khoản tài trợ GlobalGiving trị giá 25.000 USD (tương đương 586 triệu đồng), từ Công ty Khoa học Toàn cầu 3M hỗ trợ cho Dự án “STEMkidVN” nhằm đưa giáo dục STEM đến các trường tiểu học tại Lào Cai và Sơn La từ tháng 8-2022 đến cuối tháng 1-2023.  

Theo báo cáo của MSD, dự án đã hỗ trợ hơn 600 học sinh và 34 giáo viên tại 6 trường tiểu học trên địa bàn hai tỉnh vùng cao này nhằm nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục STEM thông qua việc cải thiện cơ sở vật chất, thiết bị và tài liệu học tập, đặc biệt là xây dựng phòng học chuẩn STEM. Phòng học được trang bị đầy đủ các dụng cụ, thiết bị, tài liệu phục vụ việc học và thực hành STEM cho hơn 400 học sinh tại Lào Cai.

Phòng học STEM (Nguồn: MSD)

Bên cạnh việc lan tỏa niềm yêu thích STEM tới các em học sinh, dự án còn tổ chức các khóa tập huấn nhằm khuyến khích và trang bị kỹ năng cho 34 giáo viên và lãnh đạo của 4 trường tiểu học tại xã Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) giúp đưa các hoạt động liên quan đến giáo dục STEM vào chương trình học để có thể khơi gợi tính sáng tạo của học sinh trong lĩnh vực khoa học. Sau khi tham gia các khóa tập huấn trong khuôn khổ dự án, giáo viên và lãnh đạo tại các trường cũng xây dựng thành công các hoạt động giáo dục STEM để lồng ghép vào quá trình giảng dạy chính và chuỗi sinh hoạt trải nghiệm STEM hàng tuần cho các học sinh. Các hoạt động trải nghiệm STEM hàng tuần kéo dài trong 2 tháng đã thu hút sự tham gia của 400 học sinh của trường tiểu học Bản Lầu, giúp các em có cơ hội tiếp cận, khám phá và mở rộng kiến thức STEM. Đồng thời, dự án cũng xây dựng thành công mô hình CLB STEM với hơn 20 học sinh nòng cốt, bao gồm cả trẻ em nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số để các em được thỏa sức sáng tạo và nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học của mình.

Dự án cũng đồng thời tăng cường sự tham gia của các phụ huynh, trường học và chính quyền địa phương, trong đó nhấn mạnh vai trò và đóng góp của giáo viên cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao. 

Các tình nguyện viên từ CLB tình nguyện Học viện Ngoại giao Việt Nam cũng đã đóng góp cho dự án với việc tặng tài liệu giáo dục STEM cho 100 học sinh khó khăn tại trường tiểu học Mường Bám 2 ở xã Mường Bám (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La).

Hoạt động giáo dục STEM khơi mở tư duy sáng tạo

Cuộc thi Sáng tạo khoa học “Em yêu STEM” nằm trong khuôn khổ dự án diễn ra từ ngày 12 đến 26-12-2022 có sự tham gia của 34 học sinh và 20 giáo viên. Cuộc thi trở thành sân chơi cho các em thỏa sức sáng tạo, tạo ra các sản phẩm có giá trị và ý nghĩa cho xã hội. Cuộc thi cũng là dịp cho các giáo viên thể hiện khả năng áp dụng phương pháp giảng dạy để nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục STEM tại các trường.

Ngày hội “Em yêu STEM” đầy sôi động

Chiều 30-12-2022, gần 500 học sinh trường tiểu học Bản Lầu đã hoà mình vào không khí sôi động trong ngày hội “Em yêu STEM”.

Với mong muốn tạo ra không gian vui chơi và trải nghiệm STEM cho các em học sinh, ngày hội mang đến các hoạt động hấp dẫn như “Đại sứ STEM thông thái” – đố vui kiến thức về STEM, hoạt động trải nghiệm, thực hành các thí nghiệm STEM đơn giản và thú vị, vẽ tranh, các trò chơi vận động, tham quan gian trưng bày các sản phẩm STEM của chính các học sinh trường TH Bản Lầu, …

Học sinh tham gia Ngày hội “Em yêu STEM” tại trường Tiểu học Bản Lầu (Nguồn: MSD)

Chị Đặng Thị Thanh Thủy, Quản lý nhân sự 3M Việt Nam, cho biết: “3M đã hỗ trợ cho giáo dục STEM trong suốt một thời gian dài.  STEMkidVN chính là nơi chúng tôi thực hiện mong muốn tạo ra sự công bằng trong tiếp cận giáo dục STEM cho các nhóm thiểu số và có nguồn lực hạn chế trong lĩnh vực STEM bằng cách hỗ trợ các sáng kiến từ các đối tác đáng tin cậy, như MSD, từ đó cải thiện cuộc sống và cung cấp giải pháp cho các vấn đề cấp bách tại Việt Nam. 3M Việt Nam vinh dự là một phần của dự án ý nghĩa này. Cảm ơn sự đồng hành và hỗ trợ của các thành viên MSD, các tình nguyện viên từ Chương trình DynaGen – Live Untited Khoá 3, CLB tình nguyện – Học viện Ngoại giao Việt Nam, giáo viên, nhà quản lý giáo dục, chính quyền địa phương, các chuyên gia giáo dục và mọi người đã cùng nhau làm nên thành công của dự án.”

Các em học sinh chiến thắng tại cuộc thi “Em yêu STEM” (Nguồn: MSD)

Chị Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng MSD, bày tỏ: “Thông qua dự án STEMkidVN, chúng tôi hy vọng có thể trao cho các em cơ hội tiếp cận STEM, từ đó các em sẽ có thêm hứng thú và yêu thích lĩnh vực STEM, mở rộng thêm cơ hội nghề nghiệp chất lượng cao của các em sau này. Mong rằng những sự hỗ trợ ngày hôm nay có thể giúp các em khám phá và phát huy hết tiềm năng của mình, trở thành những người dẫn dắt sự thay đổi, giải quyết các thách thức của xã hội và đóng góp cho sự phát triển bền vững.”

Giáo dục STEM ở cấp tiểu học có ý nghĩa ươm mầm tình yêu khoa học, cung cấp cho các em một cơ hội trải nghiệm trực tiếp để chơi mà học về khoa học.

V.L.V.

Nguồn do 3M cung cấp.