Thứ Bảy ngày 16 tháng 11 năm 2024

Chuẩn hóa dữ liệu thuê bao kết hợp chống SIM rác

Cuộc chiến chống vấn nạn SIM rác lần này được trang bị loại vũ khí mới là chuẩn hóa dữ liệu thuê bao trên nền tảng đồng bộ với Cơ sở dữ liệu Quốc gia (CSDLQG) về Dân cư.

Và lần này đã thể hiện một cuộc quyết chiến với hạn định mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra cụ thể là sau ngày 31-3-2023, các nhà mạng sẽ tiến hành khóa 1 chiều (không thể gọi đi) đối với các thuê bao di động chưa đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa thông tin. Theo lộ trình, đến ngày 15-4-2023, nhà mạng sẽ khóa dịch vụ 2 chiều đối với các thuê bao chưa đáp ứng yêu cầu và sẽ thực hiện việc thu hồi số thuê bao từ ngày 15-5-2023 nếu khách hàng vẫn không bổ sung, điều chỉnh lại thông tin kịp thời.

SIM rác bị cơ quan chức năng thu hồi tại các cửa hàng bán lẻ. (Nguồn: Internet. Thanks).

Trước đây, trong cuộc chiến cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường, các nhà mạng tìm mọi cách để chạy đua phát triển thuê bao mới. Đủ thể loại SIM với các gói cước hấp dẫn được tung ra và SIM được bán thoải mái như thể bán bánh mì rong khắp hang cùng ngõ hẹp. Mặt tối là SIM nhanh chóng trở thành “trợ thủ đắc lực” cho bọn tội phạm, đặc biệt là bọn lừa đảo qua mạng. Ngay cả các doanh nghiệp cũng khai thác SIM rác để nhắn tín, gọi điện quảng cáo sản phẩm và dịch vụ. Khi cộng đồng người dân không còn chịu đựng nổi sự quấy rầy của các quảng cáo di động cũng như có nhiều người trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo qua di động, nhà chức trách đã vào cuộc. Một số biện pháp đã được áp dụng để giảm SIM rác và cuối cùng là các nhà mạng bị nhà chức trách yêu cầu phải hành động để chống SIM rác. Các thuê bao trả sau thì không nói rồi, vì phải có hợp đồng cụ thể. Còn các thuê bao trả trước theo quy định phải cung cấp thông tin nhân thân mới sở hữu được SIM.

Theo VTV, tại phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực thông tin và truyền thông ngày 4-11-2022, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã loại bỏ 22 triệu SIM thông tin không đầy đủ trong 3 năm qua; tuy nhiên việc xử lý SIM rác còn chậm, gây bức xúc dư luận.

Từ năm 2017, Bộ TT&TT đã có nhiều nỗ lực giải quyết tận gốc kho SIM rác khổng lồ, và đến giữa năm 2017 có khoảng 20 triệu SIM do các kênh phân phối kích hoạt sẵn đã bị thu hồi. Cuối tháng 7-2019, Bộ TT&TT quyết liệt hơn, đã yêu cầu các nhà mạng phải cam kết thu hồi toàn bộ các SIM kích hoạt sẵn trên thị trường trước tháng 9-2019; đồng thời quy trách nhiệm cụ thể cho chủ tịch, tổng giám đốc các nhà mạng trong việc chỉ đạo xử lý SIM kích hoạt sẵn, SIM rác. Hồi đầu tháng 4-2022, Bộ TT&TT lại yêu cầu các nhà mạng xóa toàn bộ SIM rác, không thể để chúng gây hệ lụy cho xã hội. Bộ TT&TT đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý SIM rác ở các nhà mạng, thậm chí đến những điểm viễn thông ủy quyền. Ngày 29-8-2022, tại trụ sở Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), 7 nhà mạng Viettel, VNPT-VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thỏa thuận cam kết thực hiện kế hoạch ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, SIM có dấu hiệu tồn kênh. (Nguồn)

Ngay tới Thủ tướng cũng phải nóng ruột vì cái vấn nạn SIM rác. Ngày 25-12-2022, kết luận Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 (đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030”) và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu phải xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác. (Nguồn).

Quái lạ thay, chuyện tưởng như trò đùa dai, đến tận tháng 3-2023, SIM rác, kể cả của các nhà mạng lớn, vẫn còn nhan nhản như đầu Phạm Nhan, chào bán đầy trên mạng xã hội, trên các trang web, và tất nhiên tại các cửa hàng dịch vụ điện thoại. Giá SIM kích hoạt sẵn được bán với giá từ 100.000 đồng tới hơn 200.000 đồng một chút tùy theo nhà mạng và gói cước. Các SIM được mua không cần cung cấp thông tin đăng ký này lại bổ sung vào binh đoàn SIM rác trên thị trường.

Suốt từ đầu năm tới giờ, bà D.T. ở TP.HCM khổ sở vì số điện thoại VinaPhone của mình thường xuyên bị bọn đòi nợ thuê cho ngân hàng gọi để truy một “con nợ” nào đó được cho là sử dụng số điện thoại của bà để làm thủ tục vay ngân hàng rồi không trả. Tất nhiên, bà chẳng hề biết người kia là ai. Không thể dùng tính năng chặn số nổi vì chặn số này, sau đó lại đẻ ra số khác. Hơn 20 số điện thoại cùng một người gọi đều có đầu số 059 của nhà mạng Gmobile. Hình như nhóm đòi nợ thuê này đã bao nguyên cả lô SIM của nhà mạng này để gọi điện khủng bố người dân.

Vì thế, người ta hy vọng rằng cuộc chiến chống SIM rác sẽ được kết hợp với việc các doanh nghiệp viễn thông di động đến thời điểm phải thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc triển khai những biện pháp kết nối, cung cấp dữ liệu, đối soát trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với CSDLQG về Dân cư.

Ngày 13-3-2023, Cục Viễn thông tổ chức cuộc họp trao đổi thông tin về kế hoạch triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao. (Nguồn). Lần này, các thuê bao đang sử dụng các SIM mà không có thông tin nhân thân hợp chuẩn và trùng khớp với CSDLQG về Dân cư sẽ bị khóa tiến tới thu hồi.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, phát biểu tại cuộc họp về chuẩn hóa thông tin thuê bao ngày 13-3-2023.

Cục Viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện phải bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, tránh làm ảnh hưởng đến các thuê bao đã có thông tin đúng quy định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ trong việc phối hợp chuẩn hóa thông tin thuê bao. Các nhà mạng cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dùng, cảnh báo khách hàng để tránh việc kẻ xấu lợi dụng mạo danh nhắn tin với nội dung tương tự để lừa đảo, đánh cắp thông tin.

Theo quy trình, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất 1 lần để yêu cầu các khách hàng cụ thể cập nhật dữ liệu. Nhưng việc này lại gặp nhiều khó khăn, do khách hàng thường e ngại, ít phản hồi thông tin vì sợ bị lừa đảo. Thực tế thì trong mấy ngày qua, nhiều thuê bao di động đã nhận được những cuộc gọi đe dọa sẽ bị khóa SIM trong vòng vài giờ tới nếu không cung cấp thông tin cá nhân theo yêu cầu của bọn mạo danh Cục Viễn thông hay nhà mạng.

Các nhà mạng đang áp dụng các biện pháp cả kỹ thuật, công nghệ lẫn thủ công cho việc chuẩn hóa. Chẳng hạn, nhà mạng VNPT-VinaPhone hỗ trợ khách hàng cập nhật qua ứng dụng, website và tại điểm kinh doanh dịch vụ. Nhà mạng cũng gửi tin nhắn được cá thể hóa tới từng thuê bao có thông tin chưa trùng khớp.

Những trường hợp nào cần phải chuẩn hóa thông tin thuê bao? Đó là các khách hàng đã có thông tin cá nhân đăng ký với nhà mạng bao gồm: số giấy tờ, họ tên, ngày sinh,… nhưng chưa trùng khớp các trường thông tin cá nhân lưu trữ tại CSDLQG về Dân cư.

Vì thế, để tiện lợi cho khách hàng cũng như giúp việc đồng bộ thông tin “nhẹ” hơn, các nhà mạng chủ động làm việc để kết nối với CSDLQG về Dân cư mà đối soát các thông tin của các thuê bao của mình trước. Tác vụ này mà có trí tuệ nhân tạo AI hỗ trợ thì nhanh và chính xác. Chỉ lọc ra các thuê bao chưa chuẩn để tiến hành quy trình chuẩn hóa. Chẳng hạn, Viettel cho biết, sau khi sử dụng AI để phân tích, nhà mạng này bước đầu ghi nhận còn khoảng 1,3 triệu thuê bao cần chuẩn hóa thông tin để khớp với CSDLQG về Dân cư. VNPT-VinaPhone hiện có khoảng 1,1 triệu thuê bao di động chưa chuẩn hóa. MobiFone tính đến đầu tháng 3-2023 có khoảng 1,4 triệu thuê bao chưa khớp với CSDLQG về Dân cư.

Chuẩn hóa thông tin thuê bao qua app.

Ngoài ra, cũng nhân dịp này, các nhà mạng cần nắm lại cập nhật số thuê bao 2G để chuẩn bị cho thời điểm tắt sóng 2G trên cả nước (theo Bộ TT&TT, hạn cuối cho việc dừng công nghệ 2G tại Việt Nam là tháng 9-2024). Sau đó, tất nhiên là sẽ tới 3G.

Các phương thức cập nhật thông tin thuê bao cần đa dạng, nhưng phải bảo đảm an toàn cao nhất có thể được. Phương thức cập nhật qua ứng dụng hay trang web chỉ dành cho những thuê bao thông thạo và biết cách tự bảo vệ mình. Vì thế, phương thức trực tiếp vẫn thích hợp hơn cả, đặc biệt là với những người lớn tuổi và không rành kỹ thuật. bên cạnh việc mời thuê bao đến các điểm dịch vụ chính thức, các nhà mạng nên cử nhân viên đến tận nhà các thuê bao (có yêu cầu cụ thể) để giúp họ. Tất nhiên, nhân viên nhà mạng cần phải đi cùng công an khu phố hay tổ trưởng dân phố.

Điều làm phân vân, tại cuộc họp về chuẩn hóa thông tin thuê bao ngày 13-3-2023, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, vẫn dè dặt cho biết, việc chuẩn hóa thuê bao di động chủ yếu nhằm để trùng khớp với CSDLQG về Dân cư, tức để phục vụ Đề án 06, nhưng không khẳng định có thể ngăn được tình trạng SIM rác hay không.

Chỉ có điều, nếu cơ quan chức năng quản lý làm quyết liệt và buộc được các nhà mạng cùng đồng tay hành động, cuộc chiến chống SIM rác dù khó lòng xóa triệt để nhưng có thể giảm mạnh. Nói gì thì nói, các nhà mạng phải chịu trách nhiệm chính khi để vấn nạn SIM rác cứ dai dẳng tồn tại. Kinh nghiệm ở nhiều nước chung quanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,… SIM chỉ bán cho người có giấy tờ cá nhân hợp lệ (với du khách là hộ chiếu). Vì thế, các nhà mạng chỉ cung cấp kết nối cho các SIM nào đã được đăng ký hợp chuẩn – cụ thể ở đây là thuê bao, đặc biệt là thuê bao trả trước, có thông tin cá nhân trùng khớp với CSDLQG về Dân cư.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 18-3-2023 và trên báo NLĐ Online.

NGÔ LÊ

Nhà mạng VinaPhone công bố 3 cách để thuê bao chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Bộ TT&TT đã hướng dẫn cách chuẩn hóa thông tin thuê bao (TTTB) cụ thể đối với các nhà mạng di động, như sau (nguồn):

Nhà mạng Viettel:

  • Đầu số nhắn tin SMS thông báo mời khách hàng thực hiện chuẩn hóa TTTB có brandname: VIETTEL
  • Số điện thoại CSKH nhắn tin/gọi điện thông báo tới khách hàng đề nghị chuẩn hóa TTTB cũng như tổng đài nhận phản hồi của khách hàng: 024 6266 0198 – Alias: VIETTELCSKH
  • Tên app cập nhật TTTB của Viettel: My Viettel
  • Đường link để chuẩn hóa: https://viettel.vn/s/chtt
  • Đường link để xem video hướng dẫn: https://viettel.vn/hd

Nhà mạng MobiFone:

  • SMS mời khách hàng cập nhật TTTB có brandname: MobiFone.
  • Tổng đài tiếp nhận phản hồi/hỗ trợ/CSKH của MobiFone: 18001090/9090.
  • Tên app cập nhật TTTB: My MobiFone
  • Link cập nhật TTTB: https://tttb.mobifone.vn/.
  • Số tổng đài gửi SMS OTP: 9811 (trong quá trình khách hàng nhập số thuê bao để cập nhật, hệ thống sẽ yêu cầu nhập mã OTP để xác nhận thông tin khách hàng cập nhật).

Nhà mạng VinaPhone – VNPT: 

  • Tổng đài CSKH 18001091 của VinaPhone hoạt động 24/7 sẽ hỗ trợ, giải đáp cho khách hàng mọi thông tin cần thiết trong quá trình chuẩn hóa lại TTTB.
  • Tin nhắn thông báo đến các thuê bao cần chuẩn hóa thông tin được gửi qua thương hiệu: VinaPhone, các cuộc gọi thông báo sẽ được thực hiện qua số điện thoại 0888001091, 0911001091 và cuộc gọi tự động với thương hiệu hiển thị là VinaPhone.
  • Kiểm tra, chuẩn hóa TTTB thông qua ứng dụng My VNPT: Khách hàng tải app My VNPT trên kho ứng dụng Appstore (cho hệ điều hành iOS) hoặc CH Play (cho các thiết bị chạy Android). Mở ứng dụng, chọn “Đăng nhập” (hoặc “Đăng ký” nếu là lần đầu tiên sử dụng) bằng số điện thoại VinaPhone cần kiểm tra.
  • Tại giao diện chính, chọn mục “Thông tin thuê bao”: Kiểm tra, chuẩn hóa TTTB thông qua trang web https://my.vnpt.com.vn
  • Khách hàng truy cập vào website my.vnpt.com.vn, đăng nhập theo số điện thoại VinaPhone, nhập mã OTP gửi về số thuê bao đăng nhập. Sau khi đăng nhập, chọn mục “Thông tin thuê bao”
  • Đối với các khách hàng thuộc đối tượng phải chuẩn hóa/so khớp TTTB thì sẽ có tùy chọn “Cập nhật thông tin”, khách hàng bấm vào đó và làm theo hướng dẫn.

Nhà mạng Vietnamobile:

Nhà mạng Itelecom:

  • Hotline: 0877.087.087
  • Tin nhắn SMS mời khách hàng cập nhật TTTB có brandname: iTel
  • Tên app cập nhật TTTB: myitel

Nhà mạng ASIM:

  • Số điện thoại CSKH sẽ nhắn tin/gọi điện thông báo tới KH đề nghị chuẩn hóa TTTB cũng như tổng đài nhận phản hồi của KH: 19001900 nhánh 1
  • Cuộc gọi CSKH thông báo tới khách hàng sử dụng voice brandname: LOCAL
  • Tin nhắn thông báo tới khách hàng thông qua SMS brandname: myLocal.vn
  • Tên app cập nhật TTTB: myLocal.vn.

Nhà mạng Wintel:

  • Hotline CSKH Wintel: 1800 556 883
  • Tên app cập nhật TTTB: Wintel trên kho úng dụng iOS và Android.