Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Sử dụng mini app Zalo giúp người dân chủ động giảm thiểu thiệt hại thiên tai

Theo dự báo, từ tháng 8 đến hết năm 2023, thiên tai ở Việt Nam vẫn còn diễn ra khắc nghiệt với bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở đất, lũ quét,… Trước diễn biến phức tạp, tính chất nguy hiểm, thiệt hại khó lường của thiên tai, sự chủ động phòng ngừa, ứng phó của người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Bên cạnh những nguyên nhân như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan… dẫn đến thiệt hại về người và tài sản trong những đợt thiên tai, sự chủ quan của con người là nguyên nhân cần được khắc phục triệt để.

Năm 2020, tại Trung Quốc, mưa lớn liên tục từ đầu tháng 6 khiến cho mực nước vượt mức lũ lịch sử trên 53 con sông, làm vỡ đê, ảnh hưởng đến hơn 70 triệu người, 271 người chết và mất tích, thiệt hại trên 35 tỷ USD. Nhiều chuyên gia trên thế giới phân tích, chính quan điểm cho rằng đập Tam Hiệp – công trình đập thủy điện lớn nhất Trung Quốc – đủ khả năng điều tiết, cắt lũ; và việc khai thác khu vực bãi sông quá mức đã làm cho tình hình lũ lụt trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhìn về bài học quá khứ, tại Việt Nam, cơn bão Linda (năm 1997) càn quét gây thiệt hại cho 21 tỉnh thành Nam Bộ, khiến hơn 3.000 người mất tích, thiệt mạng. Nhiều người dân thời điểm đó đã không tin vùng biển vốn “hiền hòa, lặng sóng” suốt trăm năm qua tại có thể xảy ra cơn bão tàn khốc như thế. Đến nay đã hơn 25 năm trôi qua, cơn bão Linda vẫn để lại nỗi ám ảnh và những bài học đắt giá về việc nêu cao cảnh giác, luôn chủ động triệt để trong các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.

Ngày 30-7-2023, mưa lớn kèm giông lốc tại tỉnh Cà Mau đã làm sập và tốc mái 170 căn nhà, ước thiệt hại tài sản khoảng 7,4 tỷ đồng. (Ảnh: Internet. Thanks).

Năm 2023, trong 7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 1.753 sự cố, thiên tai, làm chết 267 người, mất tích 78 người, bị thương 291 người… Những gì đã và đang diễn ra cho thấy năm nay sẽ là một năm thiên tai ác liệt.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nhấn mạnh: “Khó có thể hình dung được mức độ tàn phá do thiên tai gây ra. Chính vì vậy, dứt khoát chúng ta phải chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, hành động sớm để giảm thiệt hại từ thiên tai.”

Hiện nay, với tiến bộ của khoa học công nghệ trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, cùng sự bùng nổ công nghệ thông tin và các nền tảng liên lạc, con người ngày càng dễ dàng nắm bắt tình hình thiên tai. Thế nên, chủ động phòng, chống thiên tai không còn là việc quá mơ hồ mà giờ đây đã được định nghĩa bằng hành động cụ thể, thông tin rõ ràng và luôn có công nghệ song hành hỗ trợ đắc lực.

Mini app “Phòng, chống thiên tai Việt Nam” giúp người dân chủ động nâng cao kiến thức phòng chống thiên tai.

Ngoài các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống, người dân có thể sử dụng các nền tảng liên lạc truyền thông xã hội thông dụng, phổ biến như Zalo để liên tục được kết nối với cơ quan chức năng và cập nhật thông tin. Trong đó, người dân được khuyên nên theo dõi các trang Zalo OA chính thức của nhiều cơ quan như Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia, hay trang Zalo “BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai” – kênh thông tin hiện có hơn 322.000 người theo dõi, mỗi năm gửi hơn 120 triệu tin nhắn đến đồng bào các vùng bị thiên tai trên khắp cả nước.

Đáng chú ý, hiện nay người dân có thể chủ động sử dụng Zalo cho công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai qua mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam”. Đây là ứng dụng do Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống thiên tai phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) phát hành trên Zalo. Song song với các tính năng phản ánh thiên tai, liên hệ cứu trợ trong tình huống khẩn, mini app còn được đầu tư tính năng “Tìm hiểu thiên tai” với thông tin chi tiết, hình ảnh sinh động, giúp người dân dễ ghi nhớ và thực hiện theo hướng dẫn.

Ứng dụng nhỏ này cũng là kênh cập nhật nhanh chóng và chính xác tình hình thời tiết, thiên tai ở các địa phương trên cả nước thông qua tính năng “Thông tin thiên tai”. Như vậy là chỉ với thiết bị di động thông minh có cài đặt Zalo, người dân có thể dễ dàng chủ động tiếp nhận thông tin về tình hình thiên tai, cũng như an tâm thực hiện đầy đủ theo các hướng dẫn kỹ năng phòng tránh, ứng phó có trong mini app “Phòng chống thiên tai”.

T.T.Z.

Nguồn do Nhóm Truyền thông Zing cung cấp.