Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Liên kết thanh toán với Zalo giúp tăng tốc độ chuyển tiền trên ứng dụng ngân hàng

Thao tác thanh toán được rút ngắn, người dùng chỉ cần 1 chạm là đi tới trang lệnh chuyển tiền với thông tin chính xác về người thụ hưởng, được điền sẵn. Zalo cho biết, nhờ liên kết thanh toán với Zalo mà hai ngân hàng lớn Techcombank và Nam A Bank đang đẩy nhanh tốc độ giao dịch cho người dùng trên ứng dụng (app).

Tính năng chuyển tiền liên kết giữa ngân hàng và Zalo

Ngày 20-8-2023, ông Thanh Cường (62 tuổi, Hà Nội) thanh toán tiền cho chiếc điều hòa mới mua của gia đình. Ông đã chuyển khoản số tiền hơn 8 triệu đồng theo cách nhanh không ngờ.

Theo đó, nhân viên công ty điện máy nhắn số tài khoản và tên ngân hàng cho ông Cường qua Zalo. Ông Cường ấn vào thông tin tài khoản đã hiện sẵn, lập tức, chuyển đến giao diện thanh toán trên Ngân hàng Techcombank – ngân hàng mà ông đang sử dụng.

Lúc này, giao diện đã có sẵn chính xác thông tin số tài khoản của người nhận tiền. Ông Cường chỉ cần đối chiếu lại thông tin, nhập số tiền cần chuyển, xác nhận bằng mã OTP là quá trình chuyển khoản hoàn tất.

Người dùng được hưởng lợi nhờ những cải tiến công nghệ mới.

Trước đây, với một giao dịch theo đúng trình tự thông thường, ông Cường sẽ phải nhập mật khẩu để vào app ngân hàng, chọn ngân hàng đích, nhập số tài khoản thụ hưởng, mới ra đến giao diện lệnh thanh toán.

Ông Cường chia sẻ: Đối với những người như tôi, việc nhập lại hay kiểm tra lại số tài khoản của người nhận tiền là điều hơi phức tạp, vì ngại nhất là nhập lại nhầm số. Tôi không nghĩ Ngân hàng Techcombank có dịch vụ tiện lợi này.”

Còn chị Thu Trang (27 tuổi, TP.HCM) cho biết, chị thường xuyên nhập quần áo từ các đầu mối về để bán tại chợ Bà Chiểu. Việc trao đổi thông tin giữa người mua và người bán chủ yếu qua nhắn tin Zalo.

Mới đây, khi chuyển số tiền hàng gần 20 triệu đồng cho người bán qua app Nam A Bank, chị Trang thấy các bước thanh toán đã được tối giản.

Tương tự như ông Cường, chị chỉ nhấn vào thông tin số tài khoản nhận được qua Zalo, giao diện thanh toán của Nam A Bank xuất hiện với thông tin trùng khớp của người nhận. Chị nhập số tiền cần chuyển, xác thực thanh toán bằng mã OTP. Giao dịch hoàn tất. Nữ tiểu thương trẻ cho biết: “Dù người nhận tiền sử dụng tài khoản ngân hàng nào thì thao tác cũng vậy. Tôi tiết kiệm được khoảng 30 giây cho mỗi giao dịch từ khi có tính năng mới này.”

Thao tác thanh toán được rút ngắn với tính năng liên kết mới ra mắt trên Zalo.

Chỉ trong 1 tháng, tổng thời gian giao dịch đã tiết kiệm 2.000 ngày

Hiện, Techcombank và Nam A Bank là hai ngân hàng đầu tiên đã liên kết với Zalo, xây dựng deeplink (liên kết sâu), giúp người dùng rút gọn thao tác chuyển khoản, nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ tính bảo mật, an toàn. Mô hình này được phát triển nhờ sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo số liệu thống kê, ngay trong tháng đầu tiên triển khai (từ 20-7 đến 20-8-2023), đã có hơn 6 triệu người dùng thường xuyên giao dịch chuyển khoản thông qua tính năng mới này trên Zalo.

Trong một phép tính thú vị, với trải nghiệm tiết kiệm 30 giây/giao dịch như chị Trang cho biết, tổng thời gian tiết kiệm được của 6 triệu giao dịch trong 1 tháng lên tới 50.000 giờ, tương đương hơn 2.000 ngày. Đây là con số rất đáng chú ý trong cuộc đua thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay. Sự tiện lợi của ứng dụng trên smartphone đang ngày càng rút ngắn tốc độ thực hiện giao dịch, góp phần đẩy mạnh thanh toán điện tử trong cư dân.

Với tầm nhìn “Chuyển đổi ngành tài chính – Nâng tầm giá trị sống”, Techcombank đã nhanh chóng hợp tác với Zalo triển khai tính năng này. Ông Trần Thanh Hoài – đại diện Techcombank,cho biết, tại Techcombank, mọi giải pháp đều bắt đầu từ việc quan sát và tìm hiểu nhu cầu, thói quen của khách hàng từ đó đưa ra những giải pháp/đề xuất phù hợp.

Tính năng liên kết chuyển tiền trên Zalo giúp xóa bỏ điểm “đứt gãy” trong các giao dịch thanh toán, chuyển tiền

Trước khi có tính năng liên kết chuyển tiền trên Zalo, trải nghiệm của khách hàng đang có điểm “đứt gãy”. Cụ thể, để thực hiện thanh toán, khách hàng cần phải sao chép số tài khoản sang ứng dụng ngân hàng, hoặc tải ảnh mã QR thanh toán về thư viện ảnh, sau đó vào ứng dụng ngân hàng để quét (scan) mã QR, rồi mới đến đích cuối là trang lệnh chuyển tiền.

Để xóa đi điểm “đứt gãy” trên, Techcombank và Zalo đã cùng đưa ra tính năng  mới, giúp trải nghiệm của khách hàng liền mạch hơn.

Với tính năng này, khi người dùng nhận được số tài khoản thụ hưởng hay mã QR, họ chỉ cần chọn Techcombank từ danh sách ứng dụng ngân hàng trên Zalo, chạm 1 lần là giao dịch sẽ được điều hướng ngay lập tức sang trang lệnh chuyển tiền/thanh toán bằng QR với các thông tin số tài khoản được điền sẵn. Người chuyển tiền giảm bớt thao tác nhập liệu, tránh sai sót.

Đại diện Techcombank cho biết:“Chúng tôi đã trao đổi rất kỹ với đối tác công nghệ, áp dụng phương pháp bảo mật tiên tiến, ký số xác thực bản tin, có mã khóa bảo mật khi giao tiếp hai hệ thống, không thể giả mạo. Khách hàng hoàn toàn yên tâm khi giao dịch qua ứng dụng. Thực tế chứng minh, hàng nghìn khách hàng sử dụng thời gian qua đã đánh giá tích cực về trải nghiệm mới.”

Nói về tiềm năng, đại diện ngân hàng này đánh giá, Zalo là ứng dụng đang tiếp cận khoảng 75 triệu người dùng, từ đó, công nghệ này sẽ phổ biến nhanh, nhiều người dùng được hưởng lợi và có trải nghiệm tốt với dịch vụ ngân hàng.

Tương tự, phía Nam A Bank cho hay, sau hơn một tháng trải nghiệm, khách hàng đánh giá cao tiện ích của dịch vụ. Các lệnh chuyển tiền được thực hiện liền mạch khi đang trò chuyện trên khung chat chuyển qua Open Banking, đáp ứng nhu cầu trao đổi, giao thương, buôn bán qua Zalo ngày càng tăng. 

Việc tích hợp chuyển tiền ngay trong khung chat là một bước tiến lớn về trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt. Đơn giản, thuận tiện, an toàn cho người dùng.

Zalo cho biết: trong thời gian tới, ngoài tính năng hữu ích trên, Zalo vẫn tiếp tục đầu tư vào nền tảng Mini App nhằm giúp doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng có thể phát triển các ứng dụng nhỏ tích hợp trên Zalo. Từ đó, các đơn vị có thể cung cấp dịch vụ tiện lợi hơn cho người dùng trong thời đại số.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang phổ cập hơn 

Theo Ngân hàng Nhà nước, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%…

Ở chiều ngược lại, giao dịch qua ATM lại giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

T.T.Z.

Nguồn do Nhóm Truyền thông Zing cung cấp.