Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Sử dụng thẻ tín dụng phải an toàn và đúng cách

Trong những ngày qua, cư dân mạng nóng lên với sự việc thẻ tín dụng. Một người ở Quảng Ninh bị ngân hàng phát hành thẻ gửi thông báo truy thu số nợ lên đến hơn 8,8 tỷ đồng do 2 giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng vào năm 2013 tổng cộng 8,5 triệu đồng. Do không được thanh toán, khoản đó trở thành nợ xấu và sau 11 năm lãi mẹ đẻ lãi con, lãi chồng lại, tổng số tiền nợ mà ngân hàng tính lên tới con số khủng khiếp như vậy.

Ở đây, chúng ta không bàn tới vụ việc vì cơ quan chức năng đang vào cuộc xử lý. Chúng ta chỉ nói về những hệ lụy khi sử dụng thẻ tín dụng (credit card) thiếu cẩn trọng và không đúng cách.

Ảnh do AI Microsoft Designer DALL-E 3 tạo. Thanks.

Thực tế là sau khi bùng ra cái sự việc thẻ tín dụng ở Quảng Ninh, rất nhiều người đang sở hữu thẻ tín dụng – cũng như các thể loại thẻ ngân hàng khác – bị giật mình rồi đâm ra hốt hoảng. Nhiều người đã vội vã đến ngân hàng để đóng bớt các thẻ tín dụng của mình. Thậm chí có người đã đóng hết, không còn dám sử dụng thẻ tín dụng nữa.

Sự việc này cũng đóng luôn cái phong trào trước đây là người ta đua nhau mở các loại thẻ tín dụng rồi khoe trên mạng xã hội coi ai sở hữu nhiều thẻ hơn. Chỉ có các nhà phát hành thẻ là thu lợi từ phí phát hành và duy trì thẻ. Việc sở hữu càng nhiều thẻ tín dụng càng gây nhiều nguy cơ cho chủ thẻ, như bị mất thẻ, bị tội phạm chiếm đoạt thẻ rồi rút tiền, hay vung tay mua sắm bừa bãi rồi quên thanh toán để trở thành nợ xấu bị phạt nặng nề.

Bất luận thế nào, nếu không được xử lý tốt, những sự cố với thẻ tín dụng – cũng như các loại thẻ ngân hàng – có thể ảnh hưởng xấu đến xu thế hạn chế tiến tới không dùng tiền mặt để thanh toán. Vì các loại thẻ này nằm trong số những phương thức thanh toán chủ chốt.

Thật ra, thẻ tín dụng vẫn có nhiều lợi ích và đang được sử dụng trên cả thế giới. Theo Wikipedia, vào giữa năm 2018, có hơn 7,7 tỷ thẻ tín dụng đang hoạt động trên thế giới. Riêng ở Mỹ, vào năm 2020, có hơn 1 tỷ thẻ tín dụng đang lưu hành và có tới 72,5% số người lớn có ít nhất 1 thẻ tín dụng.

Dùng thẻ tín dụng có cái lợi là dễ thanh toán không cần tới tiền mặt và đặc biệt là được ngân hàng cho vay trước, trả sau. Thẻ tín dụng rất có lợi với những ai cần mua sắm trong khi chưa có sẵn tiền nhưng có đủ khả năng tài chính để thanh toán sau đó. Còn nếu để bị nợ thẻ tín dụng, khổ chủ sẽ chịu mức lãi suất “cao ngất Trường Sơn”, có thể đến 40% một năm. Đó là chưa kể những khoản phạt đắng lòng nếu thanh toán chậm đối với khoản thanh toán tối thiểu của chu kỳ.

Nói tóm lại, thẻ tín dụng có nhiều cái lợi. Nhưng đổi lại, người dùng phải luôn cẩn trọng và biết cách xài sao cho có lợi thiệt sự. Người xài thẻ thông minh và bền vững thì chỉ nên mở 1 thẻ chính và nếu có thể thì thêm một thẻ từ ngân hàng khác để dự phòng thẻ kia bị trục trặc – chuyện không hề hiếm.

Còn nếu có khả năng tài chính nhưng muốn được trải nghiệm cái trò quẹt thẻ thanh toán không tiền mặt, bạn nên mở thẻ ghi nợ (debit card) – tức chỉ quẹt thẻ xài tiền của chính mình. Hễ hết tiền thì lại nạp thêm từ tài khoản ngân hàng hay tiền mặt. Cách này tất nhiên an toàn hơn thẻ tín dụng rồi.

Các chuyên gia và những người dùng thẻ nhiều kinh nghiệm khuyên người dùng thẻ tín dụng hay các loại thẻ ngân hàng nên cài đặt ứng dụng ngân hàng điện tử của ngân hàng phát hành thẻ; đồng thời chọn thiết đặt thẻ hễ có biến động về số dư là ngân hàng thông báo ngay cho chủ thẻ qua tin nhắn SMS hay qua app. Nhờ vậy, khi có ai sử dụng trái phép thẻ của mình, chủ thẻ có thể biết được để kịp thời xử lý.

Bài in trên báo Người Lao Động thứ Tư 20-3-2024 và trên báo NLĐ Online.

NGÔ LÊ