Thứ Sáu ngày 27 tháng 12 năm 2024

Gài bẫy khách mua hàng công nghệ

Bạn V.D. (TP.HCM) kể mình vừa tới một cửa hàng thuộc một chuỗi bán lẻ thiết bị di động để mua một chiếc smartphone cho con trai. Cậu bán hàng tư vấn rằng bạn D. chớ nên mua hàng của hãng Y mà nên mua hàng của hãng Z vì nó có màn hình IPS tốt hơn. Bạn D. không phải là tay mơ về công nghệ nên biết rõ mẫu smartphone mà mình tính mua có màn hình AMOLED tốt hơn IPS rồi.

Xưa nay, người đi mua hàng điện tử vẫn thường dễ bị rơi vào những cái bẫy “tư vấn tại chỗ bởi chuyên viên” của cửa hàng. Vấn đề nằm ở chỗ, các “tư vấn viên” này tìm cách lái khách hàng sang những thương hiệu có chiết khấu cao hơn.

Khách hàng cũng thường bị nhân viên bán hàng “kê khống” hay “thổi phồng” các tính năng của thiết bị mà che lấp đi những nhược điểm của nó. Dù sao, đây cũng có thể cho qua vì “bán buôn là thế”.

Ảnh do Microsoft AI Copilot Designer DALL-E 3 tạo. Thanks.

Dễ bị dính “bẫy mua hàng” nhất là trong chuyện khuyến mại, ưu đãi. Hồi xưa, thường xảy ra cái chiêu cửa hàng mấy hôm trước âm thầm nâng giá lên để rồi sau đó rùm beng giảm giá dịp cuối tuần hay này nọ. Người viết bài này cũng từng bị “dính chấu” không ít lần như vậy khi mua hàng ở Mỹ.

Còn ngày nay, khách hàng hoang mang bị bủa vây trong thiên la địa võng mê hồn trận khuyến mại. Có không ít cửa hàng đưa ra mức giá nhìn vô thấy cực rẻ, nhưng thực tế đó là giá tổng cộng của tất cả các loại khuyến mại, ưu đãi mà hiếm có khách hàng nào có thể đạt được. Chẳng hạn, ngoài mức giảm giá chung, cửa hàng công bố mức khuyến mại “khủng” khi cộng luôn ưu đãi do thu cũ đổi mới, trả tiền qua ứng dụng tài chính, trả tiền qua thẻ ngân hàng, trả dứt tiền không trả chậm 0% lãi suất,… Chiêu trò này không chỉ khiến khách hàng bị hoa mắt mà còn ảnh hưởng tới các cửa hàng khác khi “giá niêm yết sau khuyến mại” tưởng không thấp mà thấp không tưởng.

Chuyện hậu mãi cũng lắm khi nuốt nước mắt. Khi bán thì cửa hàng ngon ngọt như mía lùi, tới chừng thiết bị xảy ra sự cố cần bảo hành hay đổi lại máy mới thì cửa hàng đưa ra 1001 lý do để hành khách hàng. Cũng may, hiện nay nhiều thương hiệu đã xây dựng những trung tâm chăm sóc khách hàng, trung tâm bảo hành riêng nên khách hàng tránh khỏi nỗi khổ bị cửa hàng hành.

Cái vụ cho khách hàng đặt cọc mượn máy để dùng thử một thời gian cũng có khi gian nan. Sau thời gian dùng thử, khi trả lại máy, có cửa hàng lại tìm mọi lý do để mà… trừ tiền của khách hàng. Hàng điện tử mà xài thử thì làm sao mới, không tì vết như vừa khui hộp được. Thôi thì coi như chịu mất một khoản “phí dùng thử” còn hơn là mua rồi xài không ưng ý lại còn lỗ nặng.

Khách hàng cần được cửa hàng đối xử một cách văn minh, sòng phẳng, công bằng. Đặc biệt là sự chu đáo, chi tiết, minh bạch và trung thực. Âu đó cũng là cách kinh doanh bền vững trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn. Bên cạnh đó, các thương hiệu cũng cần có cách để giám sát chặt chẽ các cửa hàng, có kênh cho khách hàng phản hồi để bảo vệ hình ảnh của mình.

N.L.