Thứ Hai ngày 27 tháng 1 năm 2025

Những điều người dân vùng thiên tai cần lưu ý khi sử dụng Zalo Mini App “Phòng chống thiên tai Việt Nam”

Mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, động đất,… là những loại hình thiên tai liên tục xảy ra và kéo dài trong suốt 1 tuần qua tại nhiều địa phương trên cả nước. Trước tình hình này, nhiều công điện và cảnh báo khẩn đã được cơ quan chức năng gửi đến người dân qua Zalo.

Công điện và cảnh báo khẩn liên tục được gửi đi trên Zalo

Trước tình hình mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất kéo dài nhiều ngày ở khu vưc miền Bắc, Tây Bắc Bộ, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống Thiên tai đã liên tục cập nhật tin tức, đồng loạt gửi công điện và cảnh báo khẩn trong chiều 31-7-2024 đến 15 tỉnh thuộc khu vực miền Bắc thông qua Zalo, bao gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang.

Công điện và cảnh báo khẩn đồng loạt được gửi đến người dân thông qua Zalo trong ngày 317-2024.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo đã gửi công điện “Chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất đối với khu vực Bắc Bộ” và bắn tin cảnh báo khẩn về “Lũ quét, sạt ở đất ở Bắc Bộ”. Chỉ trong 15 phút, đã có gần 8 triệu người dân tại miền Bắc nhận được công điện và cảnh báo khẩn qua Zalo.

Để cập nhật nhanh chóng tin tức cũng như sớm nhận được các công điện, cảnh báo khẩn trong mùa thiên tai diễn biến phức tạp, người dân có thể theo dõi trang Zalo Official Account (OA) của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống Thiên tai bằng cách quét mã QR hoặc tìm kiếm từ khoá “BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai” trên Zalo và nhấn “Quan tâm”.

Người dân có thể quét mã QR hoặc tìm kiếm từ khóa để theo dõi trang OA của BCĐ Quốc gia Phòng, chống thiên tai.

4 điều cần lưu ý trước các tình huống thiên tai

Bên cạnh cảnh báo, công điện khẩn từ chính quyền, người dân cũng cần chủ động phòng tránh, nhạy bén trong việc kêu gọi trợ giúp trong các tình huống thiên tai khẩn cấp, đồng thời nâng cao thói quen sử dụng mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” trên Zalo nhằm trang bị đầy đủ kiến thức về phòng, chống thiên tai, cách liên hệ với các tổ chức cứu hộ cứu nạn trong các trường hợp khẩn cấp và kết nối cứu trợ đúng cách khi gặp tình huống nguy hiểm.

Dưới đây là 4 điều cần lưu ý khi sử dụng mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” trước các tình huống bất thường và nguy hiểm:

  • Kết nối cứu trợ: Đây là tính năng giúp người dân nhận được sự ứng cứu kịp thời trong các tình huống nguy cấp. Người dân có thể thông qua tính năng này để cung cấp thông tin liên lạc, gửi định vị kèm mô tả và hình ảnh để lực lượng chức năng ứng cứu kịp thời.
  • Liên hệ khẩn cấp: Danh sách số điện thoại và đường dây nóng sẽ được hiển thị trên màn hình để người dân có thể liên lạc cơ quan chức năng của địa phương ngay lập tức.
  • Phản ánh thiên tai: Người dân có thể gửi cập nhật tình trạng, nguy cơ tiềm ẩn hoặc tình hình thiên tai xảy ra tại khu vực sinh sống đến cơ quan chức năng. Thông qua đó, cơ quan chức năng tại khu vực sẽ nhanh chóng xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời.
  • Tìm hiểu thiên tai: Các thông tin, hình ảnh, kỹ năng chủ động ứng phó trước, trong và sau mỗi loại hình thiên tai đều được trình bày một cách nhất quán, khoa học và dễ hiểu. Đây cũng là tính năng được bổ trợ thông tin dành cho đồng bào dân tộc thiểu số với tiếng Dao, tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Khmer, góp phần nâng cao hiệu quả thực tế, đề cao tính cộng đồng, giúp mọi người dân trên cả nước, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số đều có thể sử dụng mini app, hạn chế rủi ro thiên tai.

Cầu nối hỗ trợ người dân trong các tình huống thiên tai

Những ngày vừa qua, tình hình mưa lớn kéo dài đã dẫn đến tình trạng sạt lở đất, sụt lún và lũ quét tại các tỉnh phía Tây Bắc. Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, tính đến sáng 31-7-2024, đã có 6 người chết do ảnh hưởng của mưa lũ. Trong đó Hà Giang có 2 người, Điện Biên 2 người; Thái Nguyên và Bắc Giang, mỗi địa phương 1 người; Sơn La có 1 người đang mất tích và Bắc Kạn có 2 người bị thương.

Tình hình mưa lớn ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 2-8, kéo theo lũ quét và sạt lở đất trong những ngày tiếp theo.

Công an Điện Biên dầm mưa, lội bùn tìm người mất tích. (Ảnh: CACC/Zalo cung cấp).

Trong khi đó, tại Kon Tum, có tới 59 trận động đất dồn dập xảy ra chỉ trong 4 ngày từ 28 đến 31-7-2024. Cụ thể, ngày 28-7 đã xảy ra 21 trận, ngày 29-7 có 25 trận, ngày 30-7 giảm xuống còn 4 trận. Đến sáng ngày 31-7, địa phương này tiếp tục hứng chịu thêm 9 trận động đất.

Nhìn chung, dù liên tiếp diễn ra chỉ trong thời gian ngắn nhưng các trận động đất tại tỉnh Kon Tum những ngày qua chưa gây thiệt hại đáng kể về người và của, tuy nhiên cũng tạo ra tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân nơi đây và các địa phương lân cận.

Trong giai đoạn này, Zalo chính là cầu nối quan trọng trong các tình huống khẩn cấp. Qua đó cho thấy, Zalo còn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai, hỗ trợ người dân trong các tình huống cấp thiết.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 120 triệu lượt tiếp cận tin nhắn cảnh báo thiên tai thành công được gửi đi từ Zalo. Được biết, trang Zalo Official Account của BCĐ Quốc gia Phòng, chống thiên tai đã có hơn 358.000 người dân quan tâm, có hơn 37 triệu tin nhắn khẩn từ BCĐ được gửi đi và đạt gần 245 triệu lượt tiếp cận tin nhắn khẩn đến người dân sau hơn 3 năm ra mắt.

Zalo Mini App “Phòng chống thiên tai Việt Nam” đã đạt hơn 630.000 người dùng, tạo ra hơn 780.000 lượt truy cập chỉ sau hơn 1 năm triển khai (tính từ 3-2023). Trong đó, các tháng có lượng người dùng và lượt truy cập tăng mạnh rơi vào các tháng 7 đến tháng 11-2023, đúng vào mùa thiên tai, lũ lụt lớn trong năm.

T.T.Z.

Có tham khảo từ nguồn do Nhóm Truyền thông Zing cung cấp.