Thứ Hai ngày 20 tháng 1 năm 2025

Đưa các dịch vụ hành chính công lên nền tảng số

Quốc gia số (digital country) là mục tiêu tầm cỡ quốc gia của công cuộc chuyển đổi số. Quốc gia số gồm các thành phần chính phủ số, kinh tế số và xã hội số – công dân số dựa trên nền tảng hạ tầng số.

Mục tiêu đầy khát vọng của Việt Nam là đến năm 2030 sẽ trở thành một quốc gia số thịnh vượng. Mục tiêu này không phải chỉ ở cấp Chính phủ, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ra trong Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10-10-2023, mà đã được khẳng định từ cấp cao nhất. Nhân dịp Quốc khánh 2-9-2024, trong bài viết “Chuyển đổi số – Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã viết: “Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.”

Trước mắt, trong nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, có một yêu cầu mà nếu làm tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả bộ máy nhà nước lẫn các công dân. Đó là về dịch vụ công số. Ngày 12-10-2024, trong chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu phấn đấu sớm đưa toàn bộ các dịch vụ công lên các nền tảng số của chính phủ, các bộ ngành, các địa phương. Ông nhấn mạnh việc này sẽ tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại, giảm tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.

Chính các cơ quan Nhà nước phải là đầu tàu trên hành trình chuyển đổi số. Việc các dịch vụ hành chính công được đưa lên môi trường số sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển đổi số trong toàn xã hội.

Việt Nam có một lợi thế là có nền chính trị ổn định và có bộ máy điều hành đất nước thống nhất từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở. Chuyển đổi số được cả bộ máy chính trị triển khai. Rõ ràng là trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan trên bản đồ chuyển đổi số thế giới. Trên bảng xếp hạng chuyển đổi số và kinh tế số thế giới 2024, Việt Nam đạt  Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133; Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.

Về mặt Nhà nước ở thể thống nhất tập trung về một mối, ngoài các cổng dịch vụ công của các bộ và các tỉnh thành, từ tháng 12-2019, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã được đưa vào hoạt động và có liên thông với các cổng dịch vụ công khác. Theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước, tính đến năm 2024, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp 4.500 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 12,17 triệu tài khoản; hơn 287 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 30,2 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; 39,7 triệu hồ sơ trực tuyến từ cổng.

Hiện nay, chúng ta còn có VNeID, ứng dụng định danh điện tử do Bộ Công an quản lý có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số, cung cấp các tiện ích phát triển công dân số, chính phủ số, xã hội số. Việc tích hợp các dịch vụ thủ tục hành chính công vào ứng dụng này sẽ tạo thêm nhiều thuận tiện cho người dân. Thế mạnh của ứng dụng này là có thể định danh, xác thực được công dân đang làm thủ tục.

Hiện nay có 83/83 bộ, tỉnh thành đã ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (trên tổng thủ tục hành chính) đạt 81,12%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình (trên tổng thủ tục hành chính) đạt 48,28%.

Có một điều đáng chú ý là công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam có cả sự phối hợp công và tư. Sáng kiến đưa dịch vụ công trực tuyến lên nền tảng nhắn tin “quốc dân” Zalo bất luận thế nào cũng phải ghi nhận đã đem lại nhiều lợi ích cho cả chính quyền lẫn người dân. Với đặc thù và ưu thế của một mạng truyền thông xã hội có tới 75 triệu người dùng (chiếm khoảng 75% số dân), các dịch vụ công trên mini app của Zalo dễ dàng tiếp cận với đông đảo công chúng hơn. Về kỹ thuật, do là mini app tích hợp trong ứng dụng Zalo, các cổng thông tin điện tử của các bộ và địa phương không cần người dùng phải tải và cài đặt riêng rẽ mà chỉ cần đăng nhập vào Zalo là đã có thể truy cập và sử dụng. Theo số liệu của Zalo, tính đến năm 2023, Zalo có hơn 16.000 tài khoản chính thức của cơ quan Nhà nước và khối tiện ích đang hoạt động với hơn 57 triệu người quan tâm, tạo ra hơn 1,6 tỷ lượt tương tác. Hiện nay, có hơn 417 mini app đang hoạt động trên Zalo, phục vụ hơn 5,7 triệu người dùng chỉ sau hơn một năm triển khai dịch vụ này cho cơ quan nhà nước và các khối đơn vị tiện ích. Các mini app cung cấp thông tin và dịch vụ công trên Zalo hiện đã phủ từ cấp bộ đến tận xã phường.

Cán bộ cơ sở hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trên nền tảng số. (Ảnh do Zalo cung cấp)

Anh Lưu Đình Ý là một nhân viên văn phòng đang sinh sống và làm việc tại quận Gò Vấp (TP HCM) phải xin nghỉ phép 1 buổi làm việc để có mặt tại Trung tâm Hành chính công của quận làm thủ tục xin cấp lại hồ sơ cá nhân. Được cán bộ tiếp dân hướng dẫn về các tính năng của mini app Quận Gò Vấp Smart trên Zalo, anh chia sẻ: “Có mini app này đúng là quá tiện. Bây giờ mình không cần phải xin nghỉ phép nữa, cần làm hồ sơ hay xin cấp lại giấy tờ chỉ cần lên Zalo và thao tác khoảng 10 – 15 phút là xong, tiết kiệm thời gian và công sức cho mọi người.”

Tất nhiên việc đưa các dịch vụ hành chính công lên môi trường số cần phải có ứng dụng công nghệ, cơ sở hạ tầng, dữ liệu số và cả nhân sự vận hành. Tất cả đều cần phải có ngân sách không nhỏ để triển khai và duy trì. Thuận lợi là hiện nay hầu như địa phương nào, kể cả nhiều phường xã, đều đã xây dựng được cổng thông tin điện tử của mình. Các dịch vụ công của địa phương có thể được tích hợp vào các cổng này để tạo thuận lợi cho cư dân địa phương. Về lâu dài, một khi các cổng thông tin – dịch vụ được liên thông chặt chẽ và thông suốt với nhau, người dân chỉ cần vào một cổng là có thể thực hiện được các thủ tục hành chính cần thiết.

Thực tế là cho đến nay, vẫn còn gần 20% thủ tục hành chính nói chung và hơn 50% thủ tục thành chính trực tuyến toàn trình vẫn chưa được đưa lên mạng. Vẫn còn những đơn vị từ trung ương đến địa phương chưa hoàn chỉnh bộ dịch vụ công trực tuyến của mình. Yêu cầu đặt ra là phải sớm đưa toàn bộ các dịch vụ công lên môi trường số, và đã đưa lên thì phải hoạt động hữu hiệu, tránh tình trạng đưa lên cho đạt chỉ tiêu.

Bên cạnh đó, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng cao, cần phải tiến hành quảng bá, giới thiệu và hướng dẫn cho người dân được biết về các dịch vụ công trực tuyến. Loại hình Tổ Công nghệ số cộng đồng có thể giúp việc này. Đây chính là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cơ sở. Hiện nay trên cả nước có khoảng 95.000 tổ như vậy với 450.000 thành viên.

Anh Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), cho biết tổ Công nghệ số cộng đồng đã hướng dẫn bà con địa phương áp dụng hiệu quả công nghệ số để phát triển du lịch thông minh. Các hộ kinh doanh homestay đã áp dụng nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá và quản lý dịch vụ, thu hút hơn 53.000 du khách. Anh cũng phối hợp với công an xã triển khai ứng dụng định danh điện tử VNeID cho các hộ dân, góp phần thay thế giấy tờ truyền thống.

Còn chị Trần Thị Thu Giàu, Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng phường 1 (thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ các hoạt động hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận công nghệ số, như sử dụng ứng dụng VNeID và dịch vụ công trực tuyến.

Song song với việc đưa các dịch vụ công lên các nền tảng số, chúng ta cũng cần hoàn thiện một cổng dịch vụ cổng quốc gia trên nền tảng Web và ứng dụng di động do nhà nước quản lý và điều  hành để đa dạng hóa, thêm cổng tương tác cho người dân. Điều này còn giúp nhà nước nắm quyền chủ động quản lý các dịch vụ công, phòng ngừa những bất cập từ những nền tảng số không phải do nhà nước quản lý.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 16-10-2024 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN