Mua hàng China giá rẻ rồi thắc mắc vì sao mà rẻ tới vậy?
Nhiều khi cầm trên tay một món hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, A Phủ lan man tự hỏi không hiểu với một sản phẩm như vậy mà sao lại có thể bán lẻ ra tận nước ngoài với mức giá rẻ như vậy? Không phải dùng uyển ngữ “giá hợp lý”, “giá phải chăng” mà phải nói toạt móng heo là “giá rẻ”.
Ở đây không nói về các món đồ do các cơ sở sản xuất nhỏ, hay hộ sản xuất – đa phần là hàng “no name” – làm ra. Mà đây là sản phẩm có thương hiệu của những công ty có tên tuổi rõ ràng và được in xuất xứ “Made in China”. Có lần, A Phủ mua đồ điện tại chợ Nhật Tảo (TP.HCM), người bán nói rằng hễ hàng có in “Made in China” là hàng “chính hãng” nên chị mạnh dạn mà bán. Chớ có coi thường chất lượng của những sản phẩm “Made in China”. Chỉ sợ là những sản phẩm không ghi “Made in China” mà chỉ ghi tên cơ sở sản xuất, có khi ở cấp thôn xóm.
Thiệt tình là A Phủ “ngoại đạo” nên không hiểu đề dược in xuất xứ quốc gia “Made in China” cần phải có những điều kiện và quy trình ra sao. Thường thì để được ghi dòng chữ “Product of… quốc gia gì đó”, sản phẩm phải được cơ quan chúc năng công nhận.
Trở lại chuyện giá. Có nhiều lý do để hàng China giá rẻ. Trong đó, A Phủ chú ý tới yếu tố người dùng của thị trường bản địa. Trung Quốc hiện có số dân lên tới 1,411 tỷ người, đông thứ hai thế giới, sau Ấn Độ (1,429 tỷ người – theo World Bank 2023). Có lần, lãnh đạo một thương hiệu điện thoại China chia sẻ với A Phủ: Chỉ cần bán cho thị trường nội địa là đã có thể hòa vốn đầu tư sản xuất và có lời rồi. Vì thế, hàng bán ra thị trường quốc tế chỉ cần huề vốn và chủ yếu là để làm thương hiệu. Thực tế, chỉ cần yếu tố “bán ra nước ngoài cái nào là lời cái đó” quá đủ để hàng China có giá cạnh tranh hơn hàng bản xứ của nước nó được bán rồi.
Ảnh chỉ mang tính minh họa và chống trôi.
Còn cái tưởng là nghịch lý vì sao cước ship hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam lại rẻ hơn cước ship hàng trong nước. Ngoài chuyện bếp núc về giao vận logistics “siêu cấp”, hàng Trung Quốc bán trên thương mại điện tử xuất sang các nước láng giềng còn được hưởng ưu đãi từ nhà nước với mức mà người bán có thể miễn cả phí vận chuyển. Chính phủ Trung Quốc luôn có các chính sách thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước mình.
Một khi đã chấp nhận (mà không thể đứng ngoài) hội nhập quốc tế, tham gia các sân chơi khu vực và toàn cầu, các tay chơi Việt không phải chỉ phải tuân thủ các luật chơi quốc tế, mà còn phải trang bị cho mình nội lực thâm hậu. Không thể yếu mà đòi ra gió chớ đừng nới chi đương đầu với cuồng phong bão tố. Chẳng có vui vẻ, hoan hỉ như “chị gái đạp gió rẽ sóng” đâu. Nội lực của tay chơi là chính chớ đừng có dựa dẫm vào các vú em, bảo mẫu, hay gặp khó chút là mè nheo, đổ thừa, cầu cứu ông bà nội ngoại.
Cũng trong hội nhập quốc tế trong nền kinh tế thị trường, ta không thể cấm các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động ở thị trường nước mình. Vấn đề của vấn đề là cơ quan chức năng quản lý cho thiệt tốt, bảo đảm các tay chơi ngoại đều hợp pháp và tuân thủ luật pháp Việt Nam. Tất nhiên là phải thực hiện tốt chuyện thuế má.
Giá của cô hàng xóm rẻ hơn đồ nhà. Ngày càng có thêm nhiều cô hàng xóm nhí nha nhí nhảnh trên sân chơi của mình. Suy cho cùng, đó là thách thức đối với các tay chơi bản địa. Và trong thời đại này, thách thức ngày càng nhiều và càng đa dạng, chẳng còn kiểu “làm giàu không khó XYZ” nữa đâu.
A.P.