Ngày 5-11-2024: Nước Mỹ bầu Tổng thống thứ 47
Ngày thứ Ba 5-11-2024, cử tri Mỹ chính thức đi bầu vị Tổng thống thứ 47 của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Mấy ngày trước đó, cử tri các tiểu bang đã có thể tham gia các cuộc bỏ phiếu sớm, hay bầu qua email, qua thư.
Hai tay đua vào Nhà Trắng lần này là đương kim Phó Tổng thống, bà Kamala Harris (60 tuổi) của Đảng Dân chủ (có biểu tượng con lừa) và cựu Tổng thống Donald Trump (78 tuổi) của Đảng Cộng hòa (có biểu tượng con voi).
(Ảnh từ Internet. Thanks.)
Nếu thắng, bà Harris sẽ trở thành nữ Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên.
Còn nếu thắng, ông Trump sẽ là cựu tổng thống thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ trở lại Nhà Trắng lần thứ hai sau một hay hai nhiệm kỳ gián đoạn.
Theo Wikipedia, trong lịch sử Hoa Kỳ, trước ông Trump từng có 6 cựu Tổng thống Hoa Kỳ tái tranh cử (đầu tiên là ông Martin Van Buren tái tranh cử tới 2 lần vào năm 1844 và 1848 sau nhiệm kỳ 1837-1841; và gần nhất là ông Herbert Hoover tái tranh cử vào năm 1940 sau nhiệm kỳ 1929-1933). Trong 6 cựu Tổng thống đó, chỉ có một mình ông Grover Cleveland thắng cử trong cuộc tái tranh cử năm 1892 (sau nhiệm kỳ 1885-1889).
Liệu sau khi đã đành đoạn “từ chối” bà Hillary Clinton, cựu Đệ nhất phu nhân và cựu Ngoại trưởng, thuộc Đảng Dân chủ, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, đến nay người Mỹ đã có thể chấp nhận có một nữ Tổng thống (chuyện trước nay chỉ có trên phim Hollywood)? Bà Harris cũng là người da màu (có mẹ là người nhập cư từ Ấn Độ thuộc Châu Á và cha là người nhập cư Jamaica gốc Phi thuộc vùng biển Caribbean).
Ngay trước thềm ngày bầu cử chính thức, nhiều cuộc thăm dò và nhiều chuyên gia nghiêng về ông Trump. Liệu lần này ông sẽ không bị hố khi tuyên bố chiến thắng sớm như trong lần bầu cử trước (năm 2020)? Có tin nói rằng phía bà Harris đã có kịch bản ứng phó nếu ông Trump lại tuyên bố thắng cử sớm.
Trong cuộc đời của một doanh nhân tỷ phú trở thành chính trị gia, ông Trump đã gặp nhiều rắc rối với phụ nữ, cả trên tình trường lẫn chính trường. Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên (2017-2020), Tổng thống thứ 45 đã bị hành lên bờ xuống ruộng bởi nữ tướng Nancy Patricia Pelosi (nay 84 tuổi) khi bà làm Chủ tịch Hạ nghị viện (từ 2019-2023), thủ lĩnh phe đa số thuộc Đảng Dân chủ. Lần tranh cử trước, ông Trump đã vượt qua được “đối thủ kỳ phùng” Hillary. Còn lần này? Chẳng còn quả cau để bổ (bà đồng bổ cau), chẳng còn bát nước để đoán (bà đồng bát nước).
Cái lạ trong bầu cử Tổng thống ở Mỹ (dùng hệ thống đại cử tri Electoral College) là quyền quyết định số phận ứng cử viên nằm trong tay 538 đại cử tri. Tay đua nào giành được quá bán, từ 270 phiếu đại cử tri trở lên là thắng cử. Bất luận có giành được nhiều phiếu phổ thông (popular vote, tính bằng số phiếu do cử tri bầu) nhất. Như trong cuộc bầu cử năm 2016, bà Hillary giành được số phiếu phổ thông cao hơn ông Trump (65.853.514 phiếu so với 62.984.828 phiếu) mà chung cuộc vẫn đành “ngậm đắng nuốt cay” để fair play gọi điện chúc mừng đối thủ (người giành được 304 phiếu đại cử tri so với 227 phiếu của bà).
Chỉ chắc chắn một điều, bất luận ai thắng cử, nước Mỹ cũng vẫn sẽ xảy ra những cuộc biểu tình giận dữ của “phe thua cuộc”. Có vậy mới là nước Mỹ đó thôi!
Và chẳng có cuộc bầu cử Tổng thống của một nước nào mà cả thế giới cùng hướng mắt về như bầu cử Tổng thống Mỹ. Thậm chí có những nước thót tim, nín thở chờ kết quả bầu cử ở xứ người ta.
Ngày 5-11-2024, cử tri ở Mỹ không chỉ bầu Tổng thống thứ 47 mà còn bỏ phiếu bầu toàn bộ 435 ghế Hạ nghị viện (United States House of Representatives) và 34 trong 100 ghế Thượng nghị viện (United States Senate) cho Quốc hội thứ 119 (119th United States Congress). Ngoài ra, có 13 tiểu bang và lãnh thổ bầu thống đốc mới; nhiều cuộc bầu cử nhân sự cho cấp tiểu bang và địa phương. Đó là ngày tổng tuyển cử.
NGÔ LÊ
+ Ảnh từ Internet. Thanks.