Thứ Năm ngày 02 tháng 1 năm 2025

Happy Thanksgiving Day- Mừng Lễ Tạ ơn 2024

Hôm nay thứ Năm 28-11-2024, bạn bè A Phủ ở Mỹ mừng ngày Lễ Tạ ơn Thanksgiving Day 2024.

A Phủ xin tạ ơn Thiên Chúa về những điều tốt lành Ngài đã và sẽ ban cho A Phủ và gia đình, bạn bè. A Phủ xin chúc mừng và xin bày tỏ lòng biết ơn, gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả các ân nhân của mình, những người đã luôn tha thứ, dành cho A Phủ những sự ưu ái, chấp nhận và chịu chơi với A Phủ, và luôn chìa tay ra giúp đỡ, hà hơi tiếp sức cho A Phủ.

Ngày lễ quốc gia (national holiday, nghĩa là người đi mần công ăn lương được nghỉ) này được tổ chức vào nhiều ngày khác nhau (tùy từng nước) trong hai tháng 10 và 11. Riêng Mỹ và Brazil thì tổ chức vào ngày thứ Năm thứ 4 của tháng 11 hằng năm.

Theo đại từ điển bách khoa Wikipedia, truyền thống lễ tạ ơn hằng năm ở Mỹ được ghi chép lần đầu tiên vào năm 1619. Theo đó, 38 di dân người Anh trên tàu Margaret đã đến Berkeley Hundred ở Quận Charles City (tiểu bang Virginia) vào ngày 4 tháng 12 năm 1619. Ngay sau cuộc đổ bộ là một lễ kỷ niệm tôn giáo, được quy định cụ thể trong điều lệ của nhóm từ London Company. Điều lệ tuyên bố rằng: “ngày tàu của chúng tôi đến nơi được chỉ định để trồng trọt trên đất Virginia sẽ được giữ hằng năm và mãi mãi như một ngày lễ tạ ơn Chúa toàn năng”. Kể từ giữa thế kỷ 20, lễ tạ ơn này được kỷ niệm hằng năm tại Đồn điền Berkeley ngày nay, quê hương tổ tiên của gia đình Harrison ở Virginia.

Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ (1789-1797), George Washington, đã tuyên bố Lễ Tạ ơn toàn quốc đầu tiên tại Hoa Kỳ đánh dấu ngày 26 tháng 11 năm 1789 “là ngày tạ ơn và cầu nguyện công khai, được tổ chức bằng cách thừa nhận bằng trái tim biết ơn những ân huệ to lớn và đáng chú ý của Chúa toàn năng” và kêu gọi người Mỹ “đoàn kết trong sự khiêm nhường nhất, dâng lời cầu nguyện và khẩn cầu của chúng ta lên Chúa tể vĩ đại và Đấng cai trị các quốc gia và cầu xin Người tha thứ cho những tội lỗi quốc gia và những tội lỗi khác của chúng ta.”

Thời trước, lễ Tạ ơn được tổ chức vào các ngày khác nhau ở các tiểu bang. Năm 1863, Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là Abraham Lincoln đã công bố lễ Tạ ơn là một ngày lễ quốc gia. Đến đầu thế kỷ 19, lễ Tạ ơn được tổ chức phổ biến vào ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11. Vào ngày 26-12-1941, Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ là Franklin D. Roosevelt đã ký một nghị quyết chung của Quốc hội thay đổi ngày Lễ Tạ ơn quốc gia chính thức vào ngày thứ Năm thứ 4 của tháng 11 (fourth Thursday in November) bắt đầu từ năm 1942. Sở dĩ phải cố định là “ngày thứ Năm thứ tư” thay vì “ngày thứ Năm cuối cùng” là vì tháng 11 thường có 4 ngày thứ Năm, nhưng đôi khi có năm có tới 5 ngày thứ Năm.

Vào ngày lễ Tạ ơn, theo truyền thống, người Mỹ thường dọn trên bàn tiệc món gà tây (turkey) nướng. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), mỗi năm ở Mỹ có khoảng 46 triệu con gà tây phải “nằm trên bàn tiệc” trong ngày Lễ Tạ ơn.

Theo truyền thống, vào vài ngày trước lễ Tạ ơn, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ tổ chức tại Nhà Trắng nghi thức “ân xá” (pardon) cho hai con gà tây.

Nghi thức có tên chính thức là Lễ Giới thiệu Gà tây Lễ Tạ ơn Quốc gia (The National Thanksgiving Turkey Presentation) này có từ thập niên 1940 là dịp Liên đoàn Gà tây Quốc gia (National Turkey Federation, NTF) tặng gà tây còn sống cho tổng thống. Nghi thức tặng một chú gà tây cho Tổng thống chính thức bắt đầu từ năm 1947 dưới thờ Tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ  (1945-1953) là Harry S. Truman. Hồi đó, những con gà tây này thường được nướng cho bữa tiệc Tạ ơn. Mãi tới thời Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ (1989-1993) là George H. W. Bush mới chuyển thành nghi thức Tổng thống ban lệnh “ân xá” cho những con gà tây được tặng. Năm 1989, ông Busk lần đầu tiên ban “lệnh ân xá của tổng thống” (presidential pardon) chính thức cho hai con gà tây.  Nghi thức này được gọi là Lễ Ân xá Gà tây Quốc gia (Pardoning of the National Turkey).

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (bìa phải) trong nghi thức ân xá hai con gà tây tại Nhà Trắng ngày 25-11-2024. (Ảnh: White House)

Năm 2024, vào ngày thứ Hai 25-11, trong sự kiện trên sân cỏ phía Nam Nhà Trắng (White House South Lawn) có khoảng 2.500 người tham dự, Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm Joe Biden đã ân xá cho hai chú gà tây lông trắng tên Peach và Blossom. Tổng thống Hoa Kỳ thứ 46 nói rằng: “Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu chính thức của mùa lễ hội tại Washington. Đây cũng là lần cuối cùng tôi phát biểu tại đây với tư cách là tổng thống của các bạn trong mùa lễ này và bày tỏ lòng biết ơn. Vì vậy, hãy để tôi nói với các bạn rằng – đây là vinh dự của cuộc đời tôi, tôi mãi mãi biết ơn.” (Ngày 20-1-2025, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ làm lễ nhậm chức trở thành Tổng thống thư 47 của Hoa Kỳ, và là người thứ hai trong lịch sử có 2 lần làm Tổng thống Hoa Kỳ, sau khi là Tổng thống thứ 45 trong nhiệm kỳ đầu tiên 2017-2021).

Hai con gà tây năm nay, nuôi từ tiểu bang Minnesota, được đặt tên theo loài hoa của tiểu bang Delaware, hoa đào (peach blossom), tượng trưng cho sự kiên cường. (Ông Biden có hai ngôi nhà tại tiểu bang quê hương này). Tổng thống Biden nói đùa rằng Peach nặng 41 pound (19 kg), thích ăn món ăn nóng và khoai tây viên, ước mơ của cậu bé là được ngắm cực quang phương Bắc, trong khi Blossom nặng 40 pound (18 kg), thích ăn phô mai đông lạnh và xem quyền Anh. (Tham khảo bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden hay xem video).

Sau khi được Tổng thống Joe Biden ân xá, hai con gà tây Peach và Blossom phải làm một chuyến hành trình ngược lại dài hơn 1.100 dặm mất 16 giờ rưỡi đi xe đến một trung tâm nông nghiệp ở tiếu bang Minnesota để giúp quảng bá tiểu bang và giáo dục những người nông dân tương lai.

Vào ngày Lễ Thanksgiving Day, người Mỹ thăm viếng và tặng quà cho những người thân, đặc biệt là những người mà mình mang ơn, được giúp đỡ. Mặc dù về lịch sử nó là một ngày lễ tôn giáo và truyền thống, nhưng ngày nay, Thanksgiving Day đã trở thành một ngày lễ thế tục (secular holiday). 

Ngày Thanksgiving Day nguyên thủy là dịp các giáo dân là nông dân tạ ơn Thiên Chúa sau khi thu hoạch vụ mùa. Tạ ơn Thượng đế theo niềm tin tôn giáo của mình và tạ ơn những ân nhân của mình theo đạo lý làm người. Đó là điều nên làm. Nó tương đồng với triết lý Đông Phương, đạo lý làm người của người Việt mình là “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”, “chịu ơn một giọt, báo ơn một dòng”,…

PHẠM HỒNG PHƯỚC