Thứ Tư ngày 15 tháng 1 năm 2025

Câu chuyện bứt phá doanh số của Garmin trên sàn thương mại điện tử Lazada

Có một sự thật cần được nhìn nhận sớm, là dù có tên tuổi mạnh hay lịch sử lâu đời, nhưng đến với sân chơi thương mại điện tử, các thương hiệu lớn vẫn có thể trở thành “tân binh”. Câu hỏi đặt ra cho họ cũng vẫn là làm thế nào để cạnh tranh với những nhà bán khác, đặc biệt là trong một thị trường nhạy cảm về giá cả như thương mại điện tử? Minh chứng như câu chuyện thành công của Đại lý ủy quyền EC Garmin trên sàn thương mại điện tử Lazada. Garmin là một thương hiệu công nghệ của Mỹ với hơn 35 năm kinh nghiệm (ra đời tháng 10-1989) trong lĩnh vực định vị GPS, nổi tiếng thế giới với các sản phẩm đồng hồ thông minh dành cho dân chuyên phiêu lưu thám hiểm và hỗ trợ luyện tập thể thao và sức khỏe.

Cạnh tranh trong thị trường “nhạy cảm”

Trước đây, sự nhạy cảm về giá đối với các hình thức mua hàng truyền thống chỉ dừng lại ở “mặc cả”, hay “thuận mua, vừa bán” với ít lựa chọn về địa điểm mua hàng. Tuy nhiên nhờ có thương mại điện tử, người tiêu dùng hiện tại được “bao phủ” bởi mê hồn trận khuyến mại, phiếu giảm giá, và những lễ hội mua sắm diễn ra liên tục. Điều này thúc đẩy sự cạnh tranh gay gắt cho các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử.

Một báo cáo mới đây của Lazada và Kantar cho thấy khoảng một phần ba (41%) người tiêu dùng được hỏi tại Đông Nam Á nhạy cảm về giá cả và tích cực tìm kiếm ưu đãi. Tuy không còn giữ vị trí đứng đầu, nhưng báo cáo của Nielsen IQ và Lazada (2024) cũng chỉ ra rằng khuyến mại và giá hời vẫn nằm trong Top 3 lý do người tiêu dùng tìm đến mua sắm online.

Nhiều người cho rằng, đây là một hành vi dễ nắm bắt, và dễ được sử dụng để giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, với doanh nghiệp của chị Lê Hằng – Đại lý ủy quyền EC của thương hiệu Garmin tại Việt Nam, đồng thời sở hữu kênh chính thức của thương hiệu trên nền tảng Lazada, cạnh tranh về giá lại là một câu hỏi không hề dễ trả lời. Bởi hiện tại, Garmin đang đặt những mức giá giống nhau cho toàn thể các đơn vị kinh doanh sản phẩm của thương hiệu. Khi thị trường thương mại điện tử “chạy đua” ưu đãi, đâu sẽ là lời giải cho bài toán cạnh tranh của thương hiệu?

Chị Lê Hằng – Quản lý e-Commerce của Đại lý ủy quyền EC Garmin, chia sẻ về câu chuyện chinh phục thương mại điện tử của thương hiệu. (Ảnh do EC Garmin cung cấp).

Với những chính sách hỗ trợ tích cực cho các nhà bán hàng của Lazada, việc hợp tác cùng Lazada chính là hướng đi của doanh nghiệp của chị Lê Hằng trong việc tháo gỡ bài toán khó của doanh nghiệp. Điều này mở ra nhiều cơ hội mới trong việc tiếp cận khách hàng và mang đến cho họ nhiều chính sách giá hấp dẫn.

Tiếp cận thông minh và định giá hấp dẫn

Dù là những mặt hàng có giá trị cao vốn chủ yếu bán tại cửa hàng offline, nhưng hiện tại, tỷ lệ mua sắm các sản phẩm công nghệ trên nền tảng thương mại điện tử lại có xu hướng tăng trưởng, trên đà trở thành một trong các ngành hàng dẫn đầu về nhu cầu mua sắm trực tuyến (Nielsen IQ và Lazada, 2024). Bởi vậy, khách hàng cũng chủ động tìm đến các gian hàng chính hãng của các thương hiệu lớn để tham khảo thông tin và đưa ra các quyết định mua sắm dựa trên trải nghiệm của họ với nhà bán hàng. Nắm bắt được giá trị của “trải nghiệm khách hàng”, Garmin đã đưa ra các chiến lược tiếp cận thông minh cùng định giá hấp dẫn, đặc biệt là trong các mùa lễ hội mua sắm để nhanh chóng bứt phá doanh thu trên sàn thương mại điện tử Lazada.

Là một thương hiệu thuộc phân khúc cao cấp, Garmin sở hữu danh mục sản phẩm có khoảng giá rất rộng. Đi kèm với đó là thách thức cho một nhà bán hàng mới để tối ưu hóa hiệu quả quảng cáo với ngân sách hạn chế. Chị Lê Hằng chia sẻ, việc lựa chọn sản phẩm chủ lực trong thời gian đầu thuộc phân khúc giá tầm thấp và trung, cộng với các chính sách hỗ trợ tăng lượt hiển thị và các ưu đãi độc quyền từ Lazada là cách “lèo lái” doanh nghiệp vượt “chông gai” của một “newbie”.Chị Lê Hằng cho biết: “Khi đã có trải nghiệm tốt với sản phẩm đầu tiên, khách hàng sẽ muốn nâng cao trải nghiệm sử dụng sản phẩm Garmin và tìm đến sản phẩm cao cấp hơn.”

Ưu đãi độc quyền của Lazada dành cho Garmin trong các dịp lễ hội mua sắm.

Chiến lược giá hấp dẫn của doanh nghiệp của chị Lê Hằng còn trở thành công cụ cho “cú nổ lớn” đối với các sản phẩm của Garmin trong các mùa lễ hội mua sắm Mega Sales. Nhận định Mega Sales là cơ hội cho bất kỳ nhà bán nào dù lớn hay nhỏ, và các đại lý ủy quyền cũng không nằm ngoài dòng chảy mua sắm đó, doanh nghiệp nơi chị Lê Hằng đang công tác cũng làm việc sát sao với đối tác Lazada để đưa ra các chương trình ưu đãi độc quyền như sponsored voucher hay trợ giá trực tiếp. Đồng thời, Lazada sẽ tư vấn phân bổ ngân sách để tối ưu hóa quảng cáo tăng nhận diện thương hiệu và traffic cho các sản phẩm được trợ giá, giúp sản phẩm tiếp cận khách hàng nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Chị Lê Hằng cho biết: “Voucher là một trong những yếu tố quan trọng nhất để khách hàng đưa ra quyết định mua. Tuy nhiên, để giữ chân họ thì trải nghiệm với thương hiệu cũng là một tiêu chí không thể bỏ qua.” Trải nghiệm mua sắm liền mạch, thân thiện và dễ dàng hiện đang dẫn đầu trong các yếu tố thúc đẩy mua sắm trực tuyến, là tiền đề cho sự phát triển dài lâu của thương hiệu trên thương mại điện tử (Neilsen & Lazada, 2024). Với đại lý của chị Lê Hằng, những nỗ lực nâng tầm trải nghiệm khách hàng thể hiện qua các hỗ trợ liên tục và chi tiết về các vấn đề liên quan đến sản phẩm, voucher và bảo hành, qua đó tăng cường sự yên tâm của người tiêu dùng khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, tận dụng sức mạnh của phản hồi và đánh giá, doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai chính sách tặng voucher cho khách hàng khi họ hoàn thành việc đánh giá sản phẩm. Đây cũng là cách để củng cố niềm tin của người tiêu dùng và gia tăng thiện cảm cho thương hiệu.

Trải nghiệm khách hàng cũng đang trở thành “động lực trên từng bước chạy” chinh phục các cột mốc mới về kết quả kinh doanh của Đại lý ủy quyền EC Garmin trên TMĐT.

Chiến lược thông minh của  doanh nghiệp đã góp phần tạo nên thành công cho thương hiệu trên Lazada. Chị Lê Hằng chia sẻ:“Doanh số đã tăng trưởng qua từng kỳ mega sales, đặc biệt từ tháng 10 và tháng 11 thì doanh số tăng gấp ba lần so với tháng trước đó, còn các tháng khác thì mức tăng trưởng trung bình cũng dao động từ 10% đến 20%.”Có thể nói, việc hoạch định rõ một chiến lược kinh doanh bài bản, nắm bắt đúng tâm lý khách hàng và tận dụng được các thế mạnh của nền tảng chính là yếu tố then chốt quyết định thành công với các nhà bán hàng mới trên sàn thương mại điện tử.

L.C.B.

Có tham khảo thông tin từ nguồn do Lazada cung cấp.