Lan man về một hành giả giữa kiếp nạn mạng xã hội
1.
A Phủ không gọi ông ấy là “sư”, vì không chỉ ban lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam không công nhận mà chính ông ấy nhiều lần khẳng định mình không dính líu gì tới GHPGVN. A Phủ cũng không gọi ông ấy là “thầy” vì chính ông ấy luôn khẳng định mình chỉ là người đang tu tập, tu học theo lời Đức Phật Như Lai, không có tư cách gì để dạy ai hết. Gọi ông ấy là “nhà tu” hay “người tu hành” thì đúng hơn. Nhưng do ông ấy chọn pháp tu đi bộ khất thực nên A Phủ thích gọi ông ấy là “hành giả”.
Không thể phản bác được khi có ai nói ông ấy là một nhân vật của mạng xã hội. Thực tế nếu không có sự tác động dây chuyền của mạng xã hội, ông ấy có lẽ vẫn chỉ là một trong biết bao người tu hành ở Việt Nam. Có vẻ mạng xã hội lại chính là một kiếp nạn trần gian của ông ấy. Bởi nếu không có mạng xã hội, ông ấy đâu có bị cuốn vào vòng xoáy thị phi, đã có thể an yên tu tập theo từng bước chân giong ruổi trên đường tìm kiếm sự giác ngộ và giải thoát. A Phủ có thể nói rõ rằng: Nếu không có sự tác động của mạng xã hội, ông ấy đã tu tập tốt hơn nhiều.
Nhưng thực tiễn đã vậy, âu cũng là do cái nghiệp mà “mạng xã hội” chính là một cái “quả”. Ông ấy muốn tiếp tục ý nguyện tu tập của mình thì phải vượt qua cho được cái kiếp nạn này. Người phàm phu tục tử mà khi nhận thức mình đã trở thành một người nổi tiếng, được nhiều người vây quanh chờ đón, và cảm thấy lòng vui vẻ vì những điều đó thì đã “có vấn đề” rồi, chớ đừng nói chi là một người tu hành, mà lại là hành giả. Khi một thân một mình độc hành thì dễ tập trung tu tập, dễ buông bỏ sự đời; còn lúc luôn phải ở giữa đám đông, nhìn qua ngó lại, tới lúc nào đó bỗng cảm thấy quan tâm tới chuyện người xung quanh, thì quả là nạn tai nạn tai. Rồi chợt nhớ tới chuyện Tổ Bồ Đề Đạt Ma: Sau khi tìm khắp Ấn Độ không có người để truyền trao hiểu biết, Ngài phải đến Trung Hoa, và rồi ở Thiếu Lâm tự, ngồi xoay mặt vô vách, tịnh khẩu, không nói năng gì suốt 9 năm. (Theo Hòa thượng Thích Trí Quảng, Tổ Đạt Ma không nói với bất cứ người nào, điều này hiểu về lý đạo, Ngài không nói bằng ngôn ngữ, nhưng nói bằng pháp ngữ. Chúng ta phải thấy lý này và thể nghiệm lý này trong việc tu hành thì mới thành Phật. Không nói mà nói là nói chân lý. Chân lý là cái gì đúng như thật mà chúng ta sống được và mãi tồn tại theo thời gian vô tận, không gian vô cùng).
Nói cụ thể thì với những gì nhìn thấy gần đây trên cuộc bộ hành “muốn tới Tây Trúc” của ông ấy, liệu ta đã thấy cần lo lắng? Có những người sẽ thốt lên: Thôi kệ, hãy để ông ấy được tự bộ hành tu tập theo ý nguyện của mình. Được vậy đã là phước tám mươi đời của một người nếu thực là chân tu. Bá tánh nào có thật sự thương ông ấy thì hãy giúp ông ấy sớm vượt qua cái kiếp nạn này chớ đừng tiếp tục bủa vây nhấn chìm ông ấy nữa.
Có lẽ pháp môn tối cao của người tu hành theo Phật giáo gói gọn trong 3 từ “Giới (giới luật) – Định (thiền định) – Tuệ (trí tuệ)”. “Tam vô lậu học” là ba môn học giúp người tu hành vượt khỏi sự trói buộc của mọi phiền não, hoàn toàn tự tại, đưa đến giác ngộ, chứng nhập quả vị giải thoát hoàn toàn. Cõi ta bà (sahā-lokadhātu) mạng xã hội quả là một khắc tinh của “giới định tuệ”. Phải chăng ai vượt qua được kiếp nạn này ắt đắc đạo? Sadhu sadhu.
![](https://mediaonlinevn.com/wp-content/uploads/2025/02/250210-gioi-dinh-tue-650x617.webp)
(Nguồn: Internet. Thanks.)
2.
Có anh bạn thốt lên: Tăng đoàn giờ giống như một đoàn lưu diễn, một gánh hát rong.
A Phủ không dám có ý kiến. Chỉ thấy là chính những người Việt lại đang làm cho hành giả đồng bào mình bị rối chân.
Có thể nói rằng không ai hiểu được hành giả đâu. Hành giả đã không chấp nhận được lề luật kiểu tu hành bình thường nên cách suy nghĩ và tư tưởng của hành giả cũng không như bình thường. Vì thế, thiệt là sai lầm khi lấy con mắt và cái đầu của người bình thường mà xét đoán hành giả. Cũng là sai khi cố gắng áp đặt não trạng và những quy luật của người bình thường lên hành giả.
Với hành giả, mọi sự tùy duyên, chừng nào đủ duyên thì khắc xảy đến, sự việc hiện tại đều có cơ nguyên từ quá khứ và sẽ là tiền đề cho tương lai. Mọi sự đều tùy duyên và luôn lấy làm hoan hỉ với mọi sự thế trần chung quanh. Nhưng bá tánh cũng phải thông cảm vì hành giả không phải là thánh thần, vẫn còn là con người, và đang trong quá trình tu học, tu tập nên không phải lúc nào cũng giữ được hết các giới, không phải đã có thể rũ bỏ được hết sân si, lục dục thất tình (chỉ có khác là tất cả chúng giờ là những yêu ma thử thách). Mà cái giới lớn nhất và bao trùm các giới chính là “giới vô giới”, giữ giới mà không chấp vào các giới, giữ giới một cách tự nhiên, giữ giới như không. Đó là cảnh giới cuối cùng khi bậc chân tu đắc đạo.
Có gì đó sai sai nếu cho rằng hành giả là khất sĩ chân trần tự tu tập không biết gì vế giáo lý, về Phật pháp. Bởi theo thông tin, trước khi xứat giao vào năm 2015, hành giả đã có thời gian học hỏi Phật pháp và thực hành tu tại gia. Với thâm niên tu tập hơn thập kỷ, làm sao hành giả không biết ít nhiều về giáo lý và Phật pháp. Chỉ có điều, cách giải thích về giáo lý và Phật pháp của hành giả nó rất khác biệt, theo cách nghĩ và cách nõi khác thường của hành giả, có khi khiến người cõi giữa như bị hack não. Mà nghĩ cũng phải, nếu hành giả vẫn nghĩ, vẫn nói, vẫn sống như các nhà sư bình thường khác thì có lẽ hành giả giờ vẫn tu tập trong một cảnh chùa nào đó rối.
Thôi thì tốt nhứt cứ để hành giả tự do làm những gì mình muốn, đi tới những đâu mình có thể. Hành giả là một người tự nhận tu tập cho chính mình, nhằm giải thoát chính bản thân mình, không hề mưu cầu giải thoát chúng sinh (nhưng ta hiểu rằng chính nhờ công phu và năng lượng tích cực của cá nhân mà có thể góp sức lay chuyển cả 3.000 thế giới). Vì hành giả đã muốn được cởi trói khỏi các ràng buộc thế gian hay cả tổ chức, hãy để hành giả tự đi, hãy để cho những bước chân của hành giả ung dung tự tại trên hành trình mà mình nghĩ rằng sẽ giúp mình tự giải thoát chính mình. Có quý mến hành giả, muốn bảo vệ hành giả thì cứ lẳng lặng dõi theo từ xa, ít nhất là ở khoảng cách không làm hành giả xao động, và chỉ có thể can dự khi hành giả thật sự bị nguy hiểm. Mà ngay cả chuyện giải cứu hành giả cũng có thể không khiến hành giả hoan hỉ, vì hành giả có khi coi những nguy hiểm đó là thử thách, là sự giải thoát mình. Hành giả nhiều lần tuyên bố thân xác này không là cái gì, không hề sợ chết. Mà cái chết – level tột đỉnh của sự sợ hãi – mà hành giả còn không sợ thì liệu hành giả còn chùn bước trước sự nguy hiểm nào khác?
Công đức vô lượng khi ta để cho một người tu tập được tự do tu tập theo ý muốn chính đáng của mình. (Tất nhiên khi sụ tu tập đó không gây hại cho xã hội).
Tu cũng tốt đẹp, mà không tu cũng tốt đẹp, miễn là đừng gây hại cho bá tánh. Sadhu, sadhu.
![](https://phamhongphuoc.net/wp-content/uploads/2025/02/250210-bon-khong-minh-tue-thailan_resize-640x360.webp)
(Nguồn: Internet. Thanks.)
3.
Giang cư mận quả là vi diệu khó lường. Nó buộc người ta phải cực kỳ kham nhẫn, có thái độ vô cực hoan hỉ vui vẻ.
Như có ai đó, ở lại bị chửi, rời đi cũng bị chửi. Thậm chí có mấy hồng vệ binh chửi cho tới sau khi người ta “nặng chân” quay đầu rồi vẫn cố đào xới, bươi móc, suy diễn để chửi tiếp. Không để cho người ta an yên chớ nói gì an lạc.
Cứ tưởng bở thuyết âm mưu chỉ có trên chính trường xứ Cờ Hoa. Nào dè giang cư mận xứ Đông Lào lậm thuyết âm mưu còn kinh dị hơn bội lần, nhứt là với những đầu óc chế tạo unlimited vô hạn.
Hõng lẽ chửi người khác, nặng lời với người khác, nghĩ điều xấu xí cho người khác là không hề sân si tạo nghiệp.
Sadhu, sadhu.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
* Sadhu: đọc theo âm Việt là “xà thú”, tiếng Pali có nghĩa: Tốt đẹp, tốt thay, lành thay, hay thay.