Thứ Ba ngày 01 tháng 4 năm 2025

Đưa bộ máy nhà nước đến gần dân hơn

Năm 2025 đánh dấu một cuộc cách mạng về cải cách hành chính công ở Việt Nam. Không chỉ sắp xếp, tổ chức lại hệ thống quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn tăng hiệu quả, bỏ cấp trung gian, nước ta còn tiến hành sáp nhập các tỉnh thành nhằm mở rộng không gian phát triển và giải quyết tận căn cơ vấn nạn bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh.

Tại cuộc gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025) ở Đà Nẵng chiều 28-3-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói về việc cơ cấu lại bộ máy tổ chức hành chính rằng: “Cơ cấu tổ chức này hướng đến mục tiêu chính quyền, cán bộ gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Chính quyền phải chủ động tiếp cận được với người dân, thay vì nhân dân phải tới chính quyền.”

Muốn đưa chính quyền đến gần dân hơn, cán bộ phải tiếp cận tới tận người dân. Cụ thể là các hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước phải diễn ra ngay tại nơi người dân có mặt và mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận chúng. Chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số có đặc tính là không bị hạn chế, ngăn trở bởi không gian và thời gian. Chúng ta không được quyền bỏ qua những thuận lợi, thế mạnh về công nghệ mà hiện nay đã được phổ cập rộng khắp tới tận từng người dân ở cả vùng sâu vùng xa. Có lẽ chưa bao giờ mà thông tin, liên lạc và kết nối được mở rộng khắp và phổ dụng như hiện nay.

Vấn đề còn lại là cách cơ quan chức năng tư duy và triển khai như thế nào.

Trong những năm qua, chúng ta nỗ lực mở rộng kết nối giữa nhà  nước và người dân. Đáng chú ý là các cơ quan nhà nước đã biết tận dụng các ưu thế của các loại hình mạng xã hội để tiếp cận tới người dân. Bây giờ là giai đoạn đưa các dịch vụ hành chính công, các dịch vụ số tới tận người dân.

Thông qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID, các ứng dụng công dân số của các địa phương, các cổng dịch vụ công từ quốc gia, bộ ngành tới địa phương, giờ đây, người dân đã có thể thực hiện nhiều dịch vụ, thủ tục hành chính công trên môi trường trực tuyến vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu có kết nối Internet.

Một điểm giao dịch của nhà mạng MobiFone tại Hà Nội trở thành đại lý dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: Báo Chính phủ/Internet. Thanks).

Đáng chú ý là từ đầu năm 2025, mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến đã được TP Hà Nội khởi xướng. Kể từ tháng 3-2025, Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP Hà Nội đã phê duyệt, đưa vào hoạt động 244 đại lý dịch vụ hành chính công hợp tác với các doanh nghiệp lớn, có uy tín, hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước. Thay vì phải trực tiếp đến các cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp có thể tới các cửa hàng Viettel Store, điểm dịch vụ MobiFone, nhà thuốc Long Châu, Bưu điện Việt Nam, FPT Shop, điểm dịch vụ VNPT,… để thực hiện khoảng 30 loại thủ tục thiết yếu gồm: cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID; cấp lại giấy phép lái xe; khai sinh; khai tử; xác nhận tình trạng hôn nhân; các thủ tục liên quan đến hộ kinh doanh; cấp giấy chứng nhận về điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; đăng ký kinh doanh; đăng ký kết hôn; cấp lại giấy phép lái xe…  TP Hà Nội đặt mục tiêu trong quý 2-2025 sẽ nâng tổng số đại lý dịch vụ công trên địa bàn lên 500 điểm.    

Với mạng lưới cửa hàng rộng khắp cả nước của các doanh nghiệm này, chỉ cần chính quyền các tỉnh thành khác đồng ý là mô hình đại lý dịch vụ hành chính công sẽ được triển khai rộng khắp. Tất nhiên, các mô hình tương tự cần phải được bảo đảm nghiêm ngặt về an toàn bảo mật thông tin; cũng như có chi phí phù hợp.

Mô hình này là một hình thức xã hội hóa dịch vụ hành chính công, vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân khi được phục vụ một cách thuận lợi nhất, vừa tận dụng được mạng lưới dịch vụ rộng khắp của các doanh nghiệp, vừa giảm tải cho các công sở, vừa không tiêu tốn ngân sách nhà nước.

Chắc chắn trong thời gian tới, một khi chịu tư duy một cách rộng mở và nhạy bén với thời đại, chúng ta sẽ có thêm nhiều sáng tạo trong việc đưa bộ máy quản lý nhà nước tới gần dân hơn và giúp người dân dễ dàng tiếp cận với chính quyền của mình hơn.

Bài đã in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 30-3-2025 và trên báo NLĐ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC