Thứ Ba ngày 01 tháng 4 năm 2025

Nén tâm hương tưởng nhớ nhà văn – nhà giáo Võ Hồng

Ngày 31-3-2025 là kỷ niệm 12 năm ngày mất của nhà văn Võ Hồng (ông mất tại Nha Trang ngày 31-3-2013).

Tuyển Tập Võ Hồng dày 1.153 trang được Nhà Xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM in năm 2003 tập hợp nhiều tác phẩm được tuyển chọn của ông. Cuốn sách đồ sộ mở đầu bằng truyện ngắn “Hoài Cố Nhân” vốn nằm trong tập truyện ngắn “Hoài Cố Nhân” xuất bản năm 1959, tập truyện ngắn đầu tiên được xuất bản của ông và cũng được đề tên tác giả bằng chính tên của ông: Võ Hồng.

Truyện ngắn đầu tay “Mùa Gặt” của ông đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy năm 1939 với bút hiệu Ngân Sơn (ông còn có các bút hiệu như Võ An Thạch, Võ Tri Thủy). Theo tác giả Lê Đức Dương trên báo Đại Đoàn Kết, từ năm 1959 đến năm 1993, nhà văn Võ Hồng đã xuất bản hơn 20 tác phẩm. “Hoài Cố Nhân” (1959), “Lá Vẫn Xanh” (1962), “Bên Kia Đường” (1968), “Những Giọt Đắng” (1969), “Trầm Mặc Cây Rừng” (1971), “Trong Vùng Rêu Im lặng” (1988), “Vẫy Tay Ngậm Ngùi” (1992), “Một Bông Hồng Dâng Cha” (1991), “Thương Mái Trường Xưa” (1993), “Hồn Nhiên Tuổi Ngọc”, “Thời Gian Mây Bay”,…

Nhà văn Võ Hồng cũng là một nhà giáo. Ông viết văn từ hồi rất trẻ, năm 1939 (lúc 18 tuổi, hay 16 tuổi theo một số nguồn) đã có truyện ngắn đầu tay in trên báo. Năm 1943, ông rời Hà Nội – nơi đang học tú tài – để về quê ở Phú Yên (ông sinh ngày 5-5-1921, có nguồn dẫn lời chính ông ghi ngày sinh thật sự là 21-1-1923, tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) và bắt đầu nghiệp giáo song hành với nghiệp văn. Không chỉ là nhà văn nổi tiếng, ông Võ Hồng còn là thầy giáo có uy tín và tiếng tăm (từng là Trưởng ty Bình dân Học vụ tỉnh Phú Yên năm 1949 và hiệu trưởng một số trường trung học tại Phú Yên và Nha Trang).  

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Hoài cố nhân – kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng” do Trường Đại học Phú Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Viện Khoa học Giáo dục – Văn hóa – Thể thao – Du lịch Đà Lạt, Trường Đại học Thái Bình Dương tổ chức ngày 24-4-2022 ở tỉnh Phú Yên, quê hương nhà văn, nhà nghiên cứu  Phạm Phú Phong (Trường Đại học Khoa học Huế) trong tham luận “Võ Hồng – người đi đường dài không mỏi” nhấn mạnh rằng: “Qua trang viết, Võ Hồng thường biểu lộ mọi điều tốt lành cho mọi người, mọi nhà… Thế giới nhân vật của ông là thế giới của những con người yêu thương, độ lượng. Dưới ngòi bút của ông, nhân vật nào cuối cùng cũng có thể trở thành con người tốt. Ông đánh thức thiên lương ở mỗi người, bằng cách kéo tất cả những gì tốt đẹp về phía mình, những người tốt bụng về đứng chật tâm hồn nhân ái, ấm áp tình người của mình.”

GS.TS Huỳnh Như Phương (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) đã gửi tới Hội thảo tham luận có nhan đề “Võ Hồng – phẩm hạnh của văn chương”.

Từ điển Văn học, Bộ mới, Nhà xuất bản Thế Giới (2004) giới thiệu về nhà văn Võ Hồng: “Võ Hồng là một nhà văn đôn hậu, yêu quê hương và con người. Ông kể chuyện đời cũng như kể chuyện mình: trầm tĩnh, thận trọng và khiêm nhường.”

Nhà văn Võ Hồng. (Ảnh tư liệu/Internet. Thanks).

Còn nhớ, hồi đầu thập niên 1980, khi là chủ biên của báo Long An Cuối Tuần, A Phủ đã nhiều lần được nhà văn Võ Hồng gửi cho những truyện ngắn và bút ký mới của ông. Đó là nhờ nhà văn Khuê Việt Trường ở Nha Trang làm cầu nối. Bạn Trường cho biết: Nhà văn Võ Hồng rất kỹ tính và chặt chẽ trong việc in tác phẩm, nhưng ông tin tưởng ở Khuê Việt Trường và A Phủ. Có lần, ông viết tay trên một mẩu giấy mấy lời thăm hỏi A Phủ kèm theo bản thảo truyện ngắn được đánh máy chữ. A Phủ vẫn thường gửi báo biếu và nhuận bút tới ông ở tư gia “số 51 đường Hồng Bàng, Nha Trang” (trước 1975 nhà này mang số 53).

Một nén tâm hương tưởng nhớ ông, nhà văn – nhà giáo đáng kính Võ Hồng.

A.P.