Thứ Sáu ngày 04 tháng 4 năm 2025

Mỹ áp thuế nhập khẩu mới và thuế đối ứng cho hơn 180 nước trên thế giới

Vào lúc 16g ngày thứ Tư 2-4-2025 theo giờ Washington DC (3g sáng 3-4 theo giờ VN), có lẽ né Ngày Cá Tháng Tư 1-4, tại sân cỏ Rose Garden trong Tòa Bạch ốc (White House), Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, ông Donald Trump đã công bố “trận động đất thuế quan toàn cầu” với các mức thuế quan mới được áp dụng đối với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU). Tại sự kiện này, ông đã ký sắc lệnh (Executive Order) “Điều chỉnh Nhập khẩu bằng Thuế quan đối ứng để sửa chữa các thực hành thương mại góp phần vào thâm hụt thương mại hàng hóa hàng năm lớn và liên tục của Hoa Kỳ” (Regulating Imports with a Reciprocal Tariff to Rectify Trade Practices that Contribute to Large and Persistent Annual United States Goods Trade Deficits) áp chính sách thuế mới lên hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Tổng thống Donald Trump giới thiệu sắc lệnh áp thuế mới vừa được ông ký.

Tất cả hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước vào Mỹ sẽ chịu mức thuế cơ bản (baseline tariffs) 10%. Vấn đề gây sốc nặng là loại “thuế đối ứng” (reciprocal tariff) mà ông Trump đưa ra với lý do dựa trên thực tế thương mại bất công đối với Mỹ. Hơn 60 nước (trong đó có Việt Nam) bị dính loại thuế này.

Thuế quan chung 10% sẽ có hiệu lực vào lúc 12:01 sáng theo giờ miền Đông Hoa Kỳ EDT ngày thứ Bảy 5-4-2024. Thuế quan đối ứng sẽ bắt đầu có hiệu lực vào cùng giờ ngày 9-4-2025.

Tổng thống Donald Trump đang đưa ra danh sách các nước bị áp thuế.

Vấn đề của vấn đề là cái loại “thuế có qua có lại” mà chúng ta gọi là “thuế đối ứng” (reciprocal tariff). Theo ông Trump, thuế này là mức thuế mà Mỹ đáp trả lại mức thuế mà các nước áp lên hàng hóa nhập khẩu của Mỹ. Trên giấy tờ chính thức, mức thuế mà Chính phủ ông Trump coi là bị nước ngoài áp lên hàng hóa Mỹ ghi là “Tariffs Charged to the U.S.A.”, và nó bao gồm cả khoản “thao túng tiền tệ” (Currency Manipulation) và “hàng rào phi thuế quan” (Trade Barriers). Cũng do bị gộp nhiều loại tham số mà mức “Tariffs Charged to the U.S.A.” mà Mỹ áp cho Việt Nam lên tới 90% trong khi thuế nhập khẩu hàng Mỹ thấp hơn nhiều.

Thế giới tranh cãi về cách mà Chính quyền của ông Trump đưa ra con số “Tariffs Charged to the U.S.A.” Các nhà phân tích lại “tới công tới chuyện”. Báo USA Today (2-4-2025) cho biết các con số này được tính toán bởi các nhà kinh tế hàng đầu tại Hội đồng Cố vấn Kinh tế (Council of Economic Advisers) của Tổng thống Trump. Công thức tính toán là lấy tổng thâm hụt thương mại (trade deficit) năm 2024 của nước đó với Mỹ đem chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của nước đó qua Mỹ – cụ thể là tỷ lệ của thâm hụt thương mại so với kim ngạch xuất khẩu – rồi nhân với 100. Kết quả được dán nhãn là “Tariffs Charged to the U.S.A.”. Ví dụ, năm 2024, Trung Quốc có thâm hụt thương mại với Mỹ là 295,4 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu qua Mỹ đạt 439,9 tỷ USD. Áp công thức thì thâm hụt thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong năm 2024 bằng 67% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Như vậy, “Tariffs Charged to the U.S.A.” sẽ là 67%.

Tương tự, theo công bố của Mỹ, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang nước này đạt 136,6 tỷ USD; trong khi Việt Nam mua hàng hóa từ Mỹ là 13,1 tỷ USD. Như vậy, Mỹ bị thâm hụt thương mại 123,5 tỷ USD. Vậy là “Tariffs Charged to the U.S.A.” có tỷ lệ 90% (123,5 tỷ USD/136,6 tỷ USD). Mỹ nói là “có khuyến mại” (discounted) nên chọn mức thuế đối ứng khoảng một nửa của tỷ lệ nói trên là 46% áp cho Việt Nam.

Con số “Tariffs Charged to the U.S.A.” thực tế không phải là mức thuế mà nước ngoài áp đặt lên hàng nhập khẩu từ Mỹ, thậm chí không phải là mức thuế tối đa. Nó chỉ là số liệu do Mỹ đưa ra theo cách tính riêng của Mỹ. Vì thế, chớ có hiểu lầm là Việt Nam uýnh thuế Mỹ tới mức khó coi, khó đỡ, lên tới 90% như con số “Tariffs Charged to the U.S.A.” do Mỹ công bố. Ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát Chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 3-2025 cho biết, báo cáo gần đây nhất của Đại diện Thương mại Mỹ, bình quân mức thuế của Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ là 15%.

Theo CNN Business, cách tính toán này đầu tiên đã được đề xuất bởi nhà báo James Surowiecki trong một post trên mạng xã hội X và được các nhà phân tích Wall Street hậu thuẫn.

Chính quyền của ông Trump đã áp dụng công thức tính toán này cho tất cả các nước trên thế giới. Vì thế, vấn đề mà các nước quan tâm chính là mức thuế mới mà Tổng thống Trump công bố cho hàng nhập khẩu của từng nước. Tất nhiên, 30 chưa phải là Tết, theo ông Trump, mức thuế này vẫn có thể được đàm phán giữa hai bên.

Mục tiêu của Tổng thống Donald Trump có lẽ là muốn cân bằng thương mại giữa Mỹ và các nước khác (mà ông luôn nói nước Mỹ đang bị đối xử bất công). Ông muốn các nước phải nhanh chóng thương lượng với Mỹ và có các giải pháp hiệu quả để cắt giảm thâm hụt thương mại – trong đó có việc mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn nếu như không muốn giảm kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ. Với cách tính của Mỹ thì không phải đơn giản là hễ ta giảm thuế nhập khẩu hàng Mỹ thì Mỹ cũng sẽ giảm thuế nhập khẩu hàng của ta tương ứng. Nó là một giải pháp toàn diện hơn, bao trùm hơn. Kế sách sáng suốt và “được khuyên dùng” vẫn là đàm phán song phương theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi; chớ đừng có nghĩ tới chuyện “trả miếng” tệ hơn vợ thằng Đậu là hễ Mỹ chơi tới đâu, ta chơi tới đó.

Chắc chắn việc Mỹ áp thuế mới cho cả thế giới sẽ ảnh hưởng tới kinh tế, thương mại toàn cầu. Tích cực hay tiêu cực, thậm chí có lợi hay có hại cho cả Mỹ, thì là chuyện của các chuyên gia và hạ hồi phân giải. Nhưng hệ lụy trước mắt mà người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp cả Mỹ lẫn các nước phải chịu sẽ là “thuế cao thì giá tăng”. Và thế giới sẽ bị phân hóa làm hai: Mỹ một bên còn bên kia là cả thế giới còn lại.

Đừng có mất công mà ngạc nhiên về các hành động của ông Trump. Trước nay, thế giới vẫn quen với cái danh xưng “America Company” (Công ty Mỹ), và có lẽ chưa có một tổng thống nào điều hành nước Mỹ theo đúng cái hình thái “America Company” như Tổng thống Trump. Bởi ông Trump không là một “chính trị gia nguyên bản” mà là một doanh nhân tỷ phú đi làm chính trị. Vì thế, ông Tổng thống thứ 45 và 47 của Mỹ này nhìn đâu cũng với con mắt của một người kinh doanh, tính tới chuyện có lợi nhuận. Và ông tính toán, hành động cũng với “não trạng doanh nhân trước hết”, không nghĩ và làm như một “chính trị gia đích thật” (real  politician). Vậy thì nói sao ông Trump chịu cho nổi cái vấn nạn lưu niên cán cân thương mại quốc tế triền miên bất lợi (ông thích dùng chữ “bất công”) về phía Mỹ.

Bà Radhika Desai, Giáo sư của Khoa Nghiên cứu Chính trị thuộc Đại học University of Manitoba (ở Canada), nói với báo Global Times: Hiện nay Hoa Kỳ chiếm 15,9% lượng nhập khẩu của thế giới và nhấn mạnh rằng “hầu hết các quốc gia vẫn có thể tồn tại nếu mất Hoa Kỳ khỏi vị trí là đối tác thương mại lớn hoặc quan trọng”.

Tham khảo:

A.P.