Thứ Bảy ngày 12 tháng 4 năm 2025

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được đặt tên đường ở thành phố New York

Thiền sư Thích Nhất Hạnh – người được biết tới rộng rãi nhất với tùy bút “Bông Hồng Cài Áo” xuất bản tại Sài Gòn năm 1962 – đã được đặt tên cho một đoạn đường (block) tại Thành phố New York (bang New York, Hoa Kỳ). Đoạn đường ngắn có thêm tên mới “Thích Nhất Hạnh Way” (được ghi trên biển tên đường bằng chữ Việt có dấu) này nằm trên đường West 109th Street (là một block giữa hai đường Riverside và Broadway).

Đoạn đường ngắn “Thích Nhất Hạnh Way” nằm ngay bên cạnh Sông Hudson huyền thoại của New York. Con sông dài 315 mile (507km) chạy suốt từ Bắc tới Nam ở miền Đông New York này trong thế kỷ 21 từng nổi tiếng với vụ chuyến bay US Airways Flight 1549 của hãng hàng không US Airways được viên phi công tài ba 57 tuổi Chesley “Sully” Sullenberger cho hạ cánh ngay trên mặt sông hồi tháng 1-2009 khi gặp sự cố va chạm với một đàn ngỗng Canada (toàn bộ 155 người gồm 150 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn đều được cứu sống). Sự cố này đã được dựng thành bộ phim truyện “Sully” (2016) do tài tử Clint Eastwood làm đạo diễn.

Lễ gắn tên đường “Thích Nhất Hạnh Way” đã được thành phố New York tổ chức ngày 11-4-2025. Theo Học viện Thần học Liên hiệp (Union Theological Seminary) của Phật giáo, đơn vị đồng tổ chức sự kiện, nghi thức gắn tên đường có mặt Ủy viên Hội đồng Thành phố Shaun Abreu, các sư Làng Mai, và các lạnh đạo địa phương.

Việc đặt tên đường “Thích Nhất Hạnh Way” được giải thích là để tôn vinh “cố Thiền sư (Zen Master) Thích Nhất Hạnh – một nhà lãnh đạo tinh thần thế giới, một nhà hoạt động vì hòa bình, một nhà thơ, và là người khai sáng truyền thống Phật giáo Dấn thân (Engaged Buddhism) của Làng Mai (Plum Village)”.

Vì sao lại là đường “West 109th Street”? Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng sống tại số 306 West 109th Street hồi đầu những năm 1960 khi ông học và giảng dạy tại Học viện Thần học Liên hiệp (Union Theological Seminary) và Đại học Columbia – được coi là giai đoạn hình thành nên cuộc đời ông với tư cách là một học giả, nhà giáo và nhà hoạt động. Từ nơi ông cư ngụ ở West 109th Street, người ta có thể đi bộ tới Học viện Phật giáo này nằm trên đường West 121st Street.

Việc đặt tên đường bằng tên của một người nước ngoài như thế này ở Mỹ chỉ mang tính biểu tượng là chính. Nó là một hình thức “đồng mang tên” (co-name) khi đoạn đường mang tên mới được đặt trên một con đường đã có tên chính thức. Thật sự “Thích Nhất Hạnh Way” chỉ là một khối đường ngắn giữa 2 giao lộ. Ở bang California, thành phố Huston (bang Texas), Khu Thương mại Eden (bang Virginia),… có những đoạn đường được đặt thêm tên Việt Nam như thế, chủ yếu do sự vận động của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Tham khảo: New York City places street sign honoring influential Buddhist monk, Thích Nhất Hạnh

+ Ảnh từ Internet. Thanks.