Thứ Ba ngày 15 tháng 4 năm 2025

Phê phán nhau trên mạng cần cái tâm

Cuộc đời này thêm nhiễu nhương khi có những người bị ám ảnh bởi cái tư tưởng chỉ có mình là đúng (Mr/Ms Right), tự cho mình cái quyền được mỉa mai, phê phán người khác.

Đáng báo động là hiện tượng này xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội. Và đặc biệt là có những người hễ lên mạng xã hội là công kích, phê phán người khác. Dường như thể nhìn đâu, họ cũng không vừa ý, mà hễ không ưng ý mình thì tìm cách để bỉ bôi, gièm pha, chê bai người ta.

Ảnh do Grok AI tạo. Hình ảnh nếu có giống ai đó ngoài đời thật thì chỉ là trùng hợp; xin được thứ lỗi. Thanks.

Sẽ càng tệ hại hơn khi những người cuồng phê phán đó thiếu cả cái tầm và cái tâm, hay thiếu một trong hai cái cốt lõi đó.

Do thiếu cái tầm, họ chỉ có thể nhìn thấy hiện tượng mà không thể (nếu không cố ý phớt lờ) đào sâu vào bản chất của sự việc. Họ dễ áp đặt cái nhìn, ý nghĩ chủ quan của mình cho người khác. Họ có thể giỏi, và rất giỏi, trong lĩnh vực chuyên môn của mình; nhưng lại không thể tường tận lĩnh vực khác, phổ quát là tường tận cái sự đời, cái lẽ đời.

Do thiếu tâm, họ luôn định kiến, tự động nghĩ xấu về người khác, suy bụng ta ra bụng người. Không thiếu những kẻ chê bai người khác chỉ vì cái tôi vị kỷ, lòng đố kị, ganh ghét hay thậm chí bất mãn. Càng nguy hiểm hơn khi nếu thấy “thêm mắm dặm muối” hay suy diễn, bóp méo vẫn chưa đủ “đô”, họ còn dựng chuyện, bịa đặt, thêu dệt cho “câu chuyện” thêm “câu view, hút like”.

Ở một góc độ khác, chính những người dùng mạng xã hội – ta quen gọi chung là “cộng đồng mạng” đã vô tình hay cố ý tiếp tay cho những người cuồng phê phán. Có những người không chỉ theo dõi mà còn hùa theo, kích động khiến những người cuồng phê phán càng như “lửa được thêm dầu”. Suy cho cùng, “cái thú vui” được lên mạng đọc các nội dung người này phê phán, chê bai người khác cũng đáng để chúng ta suy nghĩ. Đó là một thái độ sống chưa đẹp lắm. Đành rằng trong xã hội có người này, kẻ kia, nhưng cần làm sao để ngày càng bớt đi những người cuồng phê phán lẫn những người có cái “thú vui” thích coi người ta bị phê phán đó.

Không ít người nhầm lẫn giữa phê phán (phê bình) và phản biện với gièm pha, nói xấu, thậm chí công kích, xúc phạm người khác. Họ quên rằng các nạn nhân thật sự của mình luôn được pháp luật bảo vệ với những điều luật hình sự cụ thể. Khi những người cuồng phê phán vượt qua giới hạn, gây thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần cho nạn nhân, họ có thể bị khởi kiện. Và lúc đó thì không thể trách mình bị “vạ miệng” (với những TikToker, YouTuber) và “vạ bàn phím” (với những “anh hùng bàn phím” trên mạng xã hội).

Phê phán hay phản biện là rất cần và rất tốt cho xã hội. Thực tế xã hội luôn cần những người phản biện xã hội công tâm, trong sáng, có đầu óc xây dựng. Nếu làm đúng đắn, nó sẽ giúp xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, giúp người ta ngày càng thêm tốt lành hơn. Nhưng nếu lạm dụng nó, đặc biệt xuất phát từ óc định kiến và lòng bất mãn, xã hội sẽ bị vẩn đục, hoang mang, rối ren.

Bài đã in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 13-4-2025 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN