Huawei chia sẻ những giải pháp giúp các doanh nghiệp đa lĩnh vực tiến tới kỷ nguyên AI
Hội nghị NextGen Connectivity Summit 2025 được Huawei Việt Nam tổ chức từ ngày 15-4 đến 17-4 ở Hà Nội, với sự tham gia của các nhà mạng lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, MobiFone, và nhiều đối tác, đại lý,… Tại sự kiện, Huawei đã giới thiệu nhiều giải pháp doanh nghiệp mới hướng tới thế giới kết nối thông minh. Các chuyên gia cấp cao của Nhóm Kinh doanh Giải pháp Doanh nghiệp Huawei đã có các bài trình bày về các giải pháp tối ưu hạ tầng mạng sẵn sàng cho tương lai, đồng hành với các doanh nghiệp thuộc đa lĩnh vực tiến tới kỷ nguyên AI.
Ông Macky Zhang, Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam, nhấn mạnh: “AI đang thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của trí thông minh trên các ngành công nghiệp. AI đòi hỏi mạng có khả năng đa dạng như tốc độ tải lên cao, độ trễ thấp, băng thông lớn và tối ưu kiến trúc mạng, điều này mở ra cơ hội lớn cho các nhà mạng. Với tinh thần ‘Tại Việt Nam, vì Việt Nam’, Huawei luôn nỗ lực hợp tác bền chặt với các đối tác Việt Nam để nâng cấp hạ tầng mạng và chuyển đổi số.”

Ông Macky Zhang – Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam phát biểu tại sự kiện. (ảnh do Huawei cung cấp).
Định hướng trải nghiệm kết nối mới với Mạng Campus 10Gbps chất lượng cao
Trong kỷ nguyên chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, hạ tầng mạng đang đứng trước những đòi hỏi hoàn toàn mới: tốc độ cao hơn, độ trễ thấp hơn, vận hành thông minh hơn và trên hết là trải nghiệm người dùng vượt trội. Đáp ứng xu thế đó, Huawei Việt Nam giới thiệu Mạng Campus 10Gbps chất lượng cao, mang đến nền tảng kết nối thông minh sẵn sàng phục vụ cho các tổ chức và doanh nghiệp trong ít nhất 5 năm tới.
Ông Khoo Nee Teck, Giám đốc Công nghệ về Giải pháp Mạng của Huawei EBG Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: “Mạng Campus 10Gbps chất lượng cao sẽ tái định nghĩa toàn diện về cách thức con người, thiết bị và dữ liệu tương tác trong môi trường số. Trọng tâm của hệ thống là các trải nghiệm được nâng cấp vượt trội, ưu tiên trải nghiệm của người dùng trong mọi kịch bản ứng dụng từ văn phòng mở, lớp học thông minh, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đến trung tâm y tế…”

Tại Hội nghị, Huawei đã trình bày công nghệ Wi-Fi 7 mang lại trải nghiệm không dây siêu nhanh hỗ trợ AI với cấu trúc 5 radio đầu tiên và khả năng truyền tải mượt mà đến 30 kênh video 4K đồng thời, mà không hề xảy ra tình trạng nghẽn băng thông và giảm chất lượng hình ảnh. Song song đó, Huawei tích hợp thêm AI vào quản lý truy cập không dây thông qua công nghệ Lập lịch Điều phối và Tái sử dụng Không gian (coordinated scheduling and spatial reuse, CSSR) – mà theo Huawei sẽ tạo nên bước đột phá giúp hệ thống giảm nhiễu lên tới 40% trong môi trường nhiều tín hiệu chồng lấn, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng băng thông lên tới 30%.
Với sự hỗ trợ của AI, Huawei đang góp phần tái định nghĩa trải nghiệm mạng không dây. Không chỉ nhanh mà còn thông minh và ổn định hơn bao giờ hết, vượt ra khỏi giới hạn kết nối để trở thành công cụ hỗ trợ hiệu suất trong mọi môi trường học tập, làm việc hay sáng tạo. Trọng tâm của trải nghiệm này là sử dụng AI để nhận diện các ứng dụng quan trọng đang vận hành dựa trên cơ sở dữ liệu 1.500 loại ứng dụng. Dựa trên đó, hệ thống chủ động lập lịch luồng dữ liệu, ưu tiên phân bổ tài nguyên cho các tác vụ quan trọng như: hội nghị truyền hình hay điều khiển từ xa qua máy tính đám mây, nhằm bảo đảm trải nghiệm mượt mà của người dùng.
Đặc biệt, hai công nghệ độc quyền VIP Lane và VIP FastPass được Huawei thiết kế dành riêng cho những lãnh đạo cấp cao hay chuyên gia trong ngành,… Đối với VIP Lane, hệ thống sẽ thiết lập đường truyền dành riêng cho các ứng dụng hoặc người dùng ưu tiên. Còn với VIP FastPass, trải nghiệm mạng không chỉ nhanh hơn mà còn được bảo vệ khỏi ảnh hưởng từ các thiết bị khác trong cùng mạng.
Huawei cũng cho biết đã đưa AI với khả năng tự học và xử lý sự cố mạng vào trung tâm của hệ thống vận hành và bảo trì (O&M). Mô hình học sâu (deep learning) có thể tự động nhận biết, phân tích và ghi nhớ các loại lỗi từng xảy ra. Hiện nay, 80% sự cố không dây có thể được giải quyết tự động chỉ trong vài phút, giúp nâng cao hiệu quả O&M toàn hệ thống lên gấp 10 lần – một con số ấn tượng mà trước đây khó thể đạt được nếu chỉ dựa vào con người.
Hệ thống O&M thông minh của Huawei còn cho phép một kỹ sư duy nhất quản lý toàn bộ mạng với hơn 10.000 người dùng. Đây là điều từng là bất khả thi trong các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp lớn, cơ quan chính phủ,… Đồng thời, Huawei tích hợp khả năng giám sát và tối ưu năng lượng thông minh để vận hành mạng xanh và bền vững – với hệ thống sử dụng dữ liệu từ các cảm biến Thông tin trạng thái kênh (channel state information, CSI) giúp giảm đến 30% năng lượng toàn hệ thống mạng và 10% năng lượng toàn khuôn viên. Với tất cả cải tiến này, Huawei sẽ dịch chuyển O&M từ thủ công sang tự động, từ bị động sang chủ động, từ tiêu tốn sang tiết kiệm.
Huawei cũng công bố về trải nghiệm bảo mật đầu cuối hỗ trợ AI. Huawei đưa ra cách tiếp cận mới mẻ cho bảo mật mạng chủ động, tích hợp sâu vào từng lớp kết nối và được hỗ trợ bởi AI, bảo đảm an toàn toàn diện từ thiết bị đầu cuối cho đến từng gói dữ liệu. Để hiện thực hóa, Huawei phát triển công nghệ độc quyền Wi-Fi Shield đưa mã hóa xuống tận tầng giao tiếp vô tuyến, thay vì chỉ bảo vệ ở phần cứng hay đường truyền chính. Công nghệ này kết hợp 2 lớp bảo vệ mạnh mẽ: xáo trộn kênh truyền để tín hiệu Wi-Fi liên tục thay đổi tần số và mã hóa gói tin bằng giao thức bảo mật chuẩn MACsec để giảm nghe lén và tấn công.
Không dừng lại ở đó, Huawei còn tích hợp thêm cảm biến không dây thông minh Wi-Fi CSI ứng dụng AI, có khả năng nhận biết sự hiện diện của con người trong phòng chỉ bằng việc theo dõi thay đổi tín hiệu Wi-Fi. Nếu có chuyển động đáng ngờ ngoài giờ làm việc, hệ thống có thể phát cảnh báo xâm nhập mà không cần đến bất kỳ thiết bị bảo mật bổ sung nào.

Ông Khoo Nee Teck, Giám đốc Công nghệ về Giải pháp Mạng của Huawei EBG Châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh do Huawei cung cấp).
Huawei FTTO 2.0 – Mạng toàn quang thế hệ mới cho kỷ nguyên Wi-Fi 7 và AI
Ông Yang Hao, Chuyên gia về Giải pháp và Tiếp thị của mảng kinh doanh giải pháp doanh nghiệp Huawei, cho biết, trong bối cảnh mạng không dây đóng vai trò quan trọng với các doanh nghiệp trên hành trình số hóa toàn diện, Huawei đã giới thiệu giải pháp FTTO 2.0 (Fiber To The Office) thế hệ tiếp theo có thiết kế đặc biệt phục vụ các kịch bản ứng dụng Wi-Fi 7. Giải pháp này kết hợp giữa công nghệ XGS-PON Pro với chuẩn Wi-Fi 7 tốc độ cao, mang đến 4 nâng cấp mới cho hệ thống mạng siêu băng thông, chất lượng cao, đơn giản hóa cấu trúc và tiết kiệm năng lượng.
Nâng cấp băng thông: XGS-PON Pro là phiên bản nâng cấp của công nghệ XGS-PON truyền thống (XGS-PON: 10 Gigabit-capable Passive Optical Network là công nghệ sử dụng cáp quang để truyền tải dữ liệu với tốc độ lên đến 10Gbps). Thông qua giao thức mạng truy cập quang thụ động (Passive) thế hệ mới này, Huawei đã đẩy giới hạn băng thông lên tới 25Gbps đến từng phòng, 10Gbps đến từng điểm truy cập Wi-Fi, và 2.5Gbps đến từng thiết bị đầu cuối. So với thế hệ trước, theo Huawei, tốc độ truy cập được cải thiện đến 150% giúp người dùng dễ dàng xử lý đa tác vụ nặng như hội nghị 4K, cộng tác AI… để khai thác toàn bộ tiềm năng của Wi-Fi 7.
Nâng cấp kiến trúc: Huawei FTTO 2.0 cũng đánh dấu bước tiến lớn về kiến trúc đa mạng trên một hạ tầng, giúp tối ưu tài nguyên và giảm thiểu phức tạp. Hệ thống hỗ trợ phân đoạn đầu cuối, cho phép 8 mạng chuyên dụng (mạng văn phòng, mạng sản xuất, mạng IoT, mạng y tế,…) cùng chạy trên một đường truyền quang. Cách tiếp cận này, theo Huawei, giảm tổng chi phí vận hành đến 30% – một con số lớn đối với các dự án triển khai diện rộng.
Nâng cấp trải nghiệm: Huawei FTTO 2.0 còn tập trung cải thiện trải nghiệm thực tế của người dùng. Nhờ thuật toán thông minh cho mạng diện rộng hợp tác C-WAN (centralized Wi-Fi access network) do Huawei phát triển, độ trễ trong quá trình chuyển tiếp dữ liệu được giảm xuống dưới 20 mili giây (ms), tạo ra trải nghiệm liền mạch khi người dùng di chuyển giữa các khu vực rộng lớn trong khuôn viên. Cùng với đó là công nghệ chuyển vùng Wi-Fi Roaming để mọi cuộc gọi video hay truy cập dữ liệu đám mây không bị gián đoạn.
Nâng cấp vận hành và bảo trì: Huawei tích hợp nền tảng quản lý thông minh NCE-Campus, cho phép quản lý hợp nhất cả mạng chuyển mạch truyền thống IP và mạng cáp quang thụ động POL. Giao diện hệ thống đơn giản và trực quan, hỗ trợ giám sát mạng theo thời gian thực dễ dàng, tự động tối ưu và thậm chí sử dụng AI để phát hiện lỗi, cảnh báo sớm. Chỉ cần một kỹ thuật viên cũng có thể quản lý toàn bộ mạng khuôn viên và hàng nghìn thiết bị đầu cuối đang hoạt động.
Huawei Data Storage hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi dữ liệu thành tài sản giá trị
Ông Cheng Yu Wee, Chuyên gia tư vấn giải pháp cấp cao của Huawei Data Storage, phát biểu tại Hội nghị: “Muốn sẵn sàng cho AI, trước tiên doanh nghiệp phải sẵn sàng cho dữ liệu”. Ông nhấn mạnh, dữ liệu là yếu tố quyết định hiệu quả vận hành, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Với hệ sinh thái lưu trữ AI-Ready toàn diện, Huawei Data Storage sẽ giúp doanh nghiệp khai mở tiềm năng số hóa, biến dữ liệu phân mảnh thành tài sản giá trị với 4 năng lực lớn.
Hiệu suất xử lý cao: Huawei cung cấp 2 dòng sản phẩm lưu trữ chủ lực dành cho các công việc quan trọng với khối lượng cao. OceanStor Dorado thế hệ mới là nền tảng lưu trữ hoàn toàn bằng ổ Flash tích hợp, đạt hiệu năng 100 triệu IOPS (thao tác vào/ra mỗi giây), độ trễ cực thấp, độ tin cậy đạt chuẩn tài chính, sẵn sàng phục vụ hàng tỷ giao dịch thanh toán điện tử, ngân hàng số, dịch vụ di động,… mỗi ngày. Trong khi đó, OceanStor A Series dành riêng cho việc huấn luyện và suy luận AI với quy mô lớn, có khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ với tốc độ cao để đưa mô hình AI nhanh chóng vào khai thác.
Lưu trữ quy mô lớn: Huawei giới thiệu OceanStor Pacific All-Flash thế hệ mới cho các doanh nghiệp đang đối mặt với khối lượng dữ liệu tăng nhanh theo cấp số nhân (dịch vụ livestream, video 4K/8K, game XR…). Đây là nền tảng lưu trữ mật độ lớn, tiêu thụ điện năng thấp và dễ dàng mở rộng linh hoạt tới cấp độ exabyte, đáp ứng cho các trung tâm dữ liệu hiện đại và bền vững.
Sao lưu và bảo vệ dữ liệu: OceanProtect All-Flash Backup thế hệ mới của Huawei là giải pháp sao lưu chuyên dụng sở hữu tốc độ phục hồi nhanh gấp 5 lần so với các giải pháp thông thường. Trong môi trường số, giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong các tình huống diễn tập khẩn cấp, phòng chống mã độc, phục hồi từ ransomware, khôi phục dữ liệu phục vụ huấn luyện lại mô hình AI,…
Tăng tốc triển khai AI: Triển khai AI ở cấp độ doanh nghiệp không chỉ cần dữ liệu tập trung, mà còn cần nền tảng mạnh mẽ và công cụ phù hợp. Giải pháp Trung tâm dữ liệu Huawei AI DCS sẽ giúp doanh nghiệp triển khai AI ở quy mô lớn, cung cấp trọn bộ công cụ phục vụ các giai đoạn phát triển AI từ xử lý dữ liệu thô, chuẩn hóa làm sạch, huấn luyện mô hình, triển khai thực tiễn, quản lý hiệu quả… giúp rút ngắn chu trình phát triển AI từ nhiều tháng xuống vài ngày. Nền tảng linh hoạt và độc lập, cho phép doanh nghiệp chạy đồng thời nhiều mô hình AI, dễ dàng mở rộng quy mô khi cần.
N.L.A.
Có tham khảo thông tin từ nguồn do Huawei cung cấp.