Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

“Vọc” chơi máy tính bảng 900.000 đồng

140826-tablet-smart-education-13_resize

 

Tất nhiên, cái triết lý kinh doanh xưa nay “tiền nào của nấy” vẫn đúng trong hầu hết trường hợp. Cớ sao bạn lại đòi hỏi một chiếc tablet giá 900.000 đồng lại ngon lành cành đào như một em giá gấp 3 hay 4 lần. Với những thiết bị được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, chỉ cần một vài trăm ngàn đồng chênh lệch đã cho ra đời những thiết bị có chất lượng khác nhau rồi.

Vì thế, khi các bạn ở Ban Khoa Giáo của báo Tuổi Trẻ đưa cho tôi “vọc” thử chiếc tablet được báo giá xuất xưởng 900.000 đồng (đó là mua lẻ, còn nếu mua sỉ thì chừng 500.000 tới 700.000 đồng), tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để không có bất cứ kỳ vọng gì.

140826-tablet-smart-education-05_resize

Trên hộp của thiết bị chỉ in dòng chữ Smart Education (giáo dục thông minh). Còn mặt lưng của tablet in dòng chữ AIC Group Smart Education cho biết đây là thiết bị được gia công cho Công ty AIC của Việt Nam. Đây là Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế, nhà tư vấn của đề án phổ cập máy tính bảng cho học sinh tiểu học ở TP.HCM (dự trù sẽ phải sắm tới 320.000 chiếc máy). Ở phía dưới của mặt lưng có in model 785A23-18P và xuất xứ Made in Taiwan.

140826-tablet-smart-education-14_resize

140826-tablet-smart-education-15_resize

Tablet có vỏ bằng nhựa trắng sữa, tạo cảm giác như một món đồ chơi. Mặt trước chỉ có màn hình và camera, không có các nút cơ hay cảm ứng cơ bản như các tablet Android khác. Mặt sau có camera ở gần mép trên và loa ở gần mép dưới. Ở cạnh trên của tablet là nút Home, jack cắm headphone, khe gắn thẻ nhớ microSD, cổng micro USB và nút nguồn. Việc đưa nút Home từ mặt trước lên cạnh trên của tablet và sử dụng dạng nút cơ là một giải pháp tốt, giúp tránh sự cố trẻ em vô tình chạm tay vào các nút điều khiển thiết bị trong khi thao tác. Tới tôi mà thỉnh thoảng vẫn còn quờ quạng đụng chạm bậy bạ thì trách chi bọn nhóc tì hiếu động. Tất nhiên, chuyện di tản nút Home như thế chỉ thích hợp với thiết bị dành cho trẻ em thôi, chớ nó bất tiện cho người dùng bình thường lắm.

140826-tablet-smart-education-17_resize

Theo thông số kỹ thuật trong Manual kèm theo thiết bị, tablet này chạy CPU ARM Cortex-A7 A23 của hãng Allwinner có dual-core 1.0GHz. Tuy nhiên, công cụ phần mềm kiểm tra CPU-Z version 1.08 cho Android báo tốc độ CPU là 1.2GHz. Chắc chắn là do in sai, chứ CPU Allwinner A23 dựa trên công nghệ sản xuất 40nm có tốc độ là 1.2GHz. Đây là CPU ARM Cortex-A7 dual-core thứ hai của Allwinner (sau A20) và được giới thiệu là có mức tiêu thụ điện ít hơn 50% so với nhiều CPU tương tự. Ra đời hồi tháng 10-2013, CPU A23 được Allwinner giới thiệu là “vi xử lý dual-core hiệu suất nhất cho tablet”. Giá của CPU Allwinner luôn khá rẻ. Chip đồ họa tích hợp Mali 400-MP. Bộ nhớ RAM DDR3 dung lượng 1GB. Bộ nhớ trong 8GB, hỗ trợ thẻ nhớ microSD. Máy ảnh trước 3MP và máy ảnh sau 2MP (đây là một điều hơi lạ, thường thì máy ảnh sau có độ phân giải cao hơn máy ảnh trước).

Màn hình của tablet có kích thước 7,85 inch với độ phân giải 1024 x 768 pixel (in trong tài liệu) và 976 x 768 pixel (kiểm tra bằng công cụ CPU-Z); mật độ điểm ảnh 160dpi. Cảm ứng điện dung 5 điểm.

Pin của thiết bị có dung lượng 3.600mAh.

140826-tablet-smart-education-07_resize

Manual ghi máy chạy hệ điều hành Android 4.4 ICS. Lại một cẩu thả nữa. Android 4.4 có tên mã là KitKat. Còn hệ điều hành có tên mã là Ice Cream Sandwich (ICS) là Android 4.0. Thực tế kiểm tra cho thấy máy chẳng phải chạy 2 phiên bản đó, mà là Android 4.2.2 Jelly Bean.

140826-tablet-smart-education-10_resize 140826-tablet-smart-education-08_resize

Qua thử nghiệm, phải nói là chất lượng màn hình của tablet “tệ hơn vợ thằng Đậu”. Cảm ứng không nhạy khiến màn hình trở nên cứng. Màu sắc, độ sáng, độ sắc nét đều dưới trung bình. Hy vọng độ sáng quá mờ tối là do ở chế độ chạy pin (nhưng cái mà, chạy pin với chất lượng như vậy cũng không ổn chút nào). Góc nhìn hẹp. Chẳng biết tablet này từng qua tay ai, nhưng tới tôi thì màn hình đã có những vết trầy xước.

Chất lượng máy ảnh mới thiệt là thảm xì dầu nước tương. Nó lấy nét lờ đờ và cho ra những tấm ảnh có thể bị “hoa hậu tổ dân phố” khởi kiện tội “downgrade” dung nhan của mình.

Về nội dung, tablet này được mang danh nghĩa “Smart Education” chỉ là do được cài đặt thêm một số cuốn sách giáo khoa điện tử của Nhà xuất bản Giáo dục (bản in năm 2013). Nó không phải là một thiết bị chuyên dụng cho giáo dục bởi thiếu giao diện người dùng riêng và các tính năng quản lý đặc biệt (như khóa tài khoản, ứng dụng).

Có thể nói rằng, mẫu AIC Smart Education mà tôi được “vọc” thử chỉ là một chiếc laptop rẻ tiền được cài thêm một số nội dung giáo dục.

Do chỉ có thể “vọc” trong 2 tiếng đồng hồ, tôi cũng chỉ mới “cỡi ngựa xem hoa”. Thôi thì “vọc” chơi cho biết vậy mà.

Tôi cũng không phê phán gì nhà sản xuất tablet này. Bởi họ có mục đích riêng, nhằm vào đối tượng riêng khi đưa ra model tablet như vậy. Tôi nghĩ, gan lắm thì họ cũng chỉ dám nghĩ nó là một món học cụ điện tử mang tính trợ giúp cho trẻ em. Chỉ vậy thôi.

Tôi cũng cầu mong đây chỉ là mẫu máy tính mà công ty tư vấn đề án mua về cho mọi người chạy chơi cho biết – hàng “demo” đó mà. Chớ nếu với chi tiết của đề án là thu của phụ huynh từ 3 tới 5 triệu đồng cho một chiếc máy tính bảng thì số tiền đó dư sức mua được những loại máy tính bảng đạt chuẩn (ý ủa, mà liệu mình đã có chuẩn cho máy tính giáo dục như nhiều nước khác chưa ta?). Tổng giám đốc của công ty này nói họ sẽ yêu cầu nhà cung cấp thiết bị bảo đảm bảo hành 5 năm. Như vậy chắc phải là thiết bị xịn lắm mới có độ bền “khủng” như vậy hay nhà sản xuất phải xài tới bùa Lỗ Ban họa may mới dám xăm mình nhận bảo hành lâu như vậy. Chớ chiếc tablet giá 900.000 đồng mà sống qua nổi 12 con trăng là “thọ” lắm rồi.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 26-8-2014)