Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Máy bay F-35C CV của Hải quân Mỹ lần đầu tiên hạ cánh trên tàu sân bay

141103-f-35c first time landing aircraft carrier-01

 

Vào lúc 12g18ph trưa ngày 3-11-2014, một chiếc phản lực cơ chiến đấu F-35C CV (Carrier Variant) của Hải quân Mỹ đã hạ cánh thành công trên tàu sân bay USS Nimitz. Đây là lần đầu tiên loại máy bay trị giá 132 triệu USD một chiếc này đáp được xuống tàu sân bay sau 3 năm bị cho là không thể làm được điều đó do có vấn đề về thiết kế bộ móc đuôi (tailhook). Tất nhiên để có thể hạ cánh được trên tàu sân bay, F-35C CV đã được trang bị bộ móc cáp (arresting gear) mới.

Máy bay F-35 Lightning II của hãng Lockheed Martin đã bay chuyến đầu tiên vào năm 2006, và cho tới tháng 5-2014 đã sản xuất được 150 chiếc. Tuy nhiên chúng vẫn còn trong giai đoạn bay thử và chỉ bắt đầu chuyển giao cho quân đội Mỹ từ tháng 12-2015. Dòng F-35 có 3 phiên bản, trong đó F-35C dành cho tàu sân bay.

Thực hiện chuyến bay hạ cánh xuống tàu sân bay này là phi công thử nghiệm Hải quân Mỹ Tony Wilson.

Trong thời gian trước, trong các lần thử nghiệm tại bộ phận máy bay thuộc Trung tâm Khí tài Không lực Hải quân (Naval Air Warfare Center – Aircraft Division) Lakehurst, với hệ thống móc cáp MK-7 nguyên thủy, F-35C đã không thành công lần nào trong tất cả 8 lần đáp thử.

Lockheed_Martin_F-35C

Các nhà chuyên môn cho biết vấn đề cốt lõi nằm ở thiết kế của hệ thống móc đáp (Arresting Hook System). Khoảng cách giữa các bánh xe của bộ đáp chính và điểm móc đuôi không hợp lý khiến bộ móc cáp của máy bay khó móc được vào những sợi cáp nằm ở vị trị thấp trên mặt sàn tàu. Móc đuôi cũng hoạt động không tốt khi xảy ra những bật nảy trên mặt của boong tàu. Cụ thể là khoảng cách 7,1 feet (2,1m) giữa bánh sau và móc đuôi là quá ngắn. Vì thế, các nhà chuyên môn đã phải thiết kế lại hệ thống móc đáp mới. Và nhờ vậy, đã cứu cho máy bay F-35C một bàn thua trông thấy tạo điều kiện cho nó được lênh đênh trên các tàu sân bay vẫy vùng trên các đại dương.

Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến cảnh chiếc F-35C đáp thành công trên tàu sân bay USS Nimitz trưa 3-11-2014:

 

Nếu hào hứng với chuyện đáp máy bay trên tàu sân bay, bạn có thể xem thêm clip ghi hình một chiếc máy bay chiến đấu không người lái Northrop Grumman X-47B lần đầu tiên đáp xuống tàu sân bay USS George H.W. Bush (CVN 77) ngày 10-7-2013 ở ngoài khơi bang Virginia. Loại máy bay chiến đấu do người điều khiển từ xa này bay chuyến đầu tiên hồi tháng 2-2011. Tới nay mới đóng được 2 chiếc thì dự án đã xài hết 813 triệu USD được dành cho nó.

Bạn chú ý là khi cất cánh trên tàu sân bay, X-47B đã được phóng bằng hệ thống phóng máy bay mới gọi là “Hệ thống phóng máy bay điện từ” (Electromagnetic Aircraft Launch System – EMALS), êm hơn và không phát ra hơi nước. Đây là công nghệ mới đầu tiên trong 60 năm nay của hệ thống phóng máy bay. Thay vì dùng một piston với lực đẩy bằng hơi nước, nó dùng hệ thống điện dạng rắn do máy tính điều khiển để đẩy một lõi kim loại chạy theo một đường ray. Hải quân Mỹ đã mất 25 năm trời nghiên cứu phát triển hệ thống này. Trên đường băng của tàu sân bay không còn xuất hiện một tấm vách nhỏ được dựng lên phía sau máy bay như ở hệ thống phóng cũ.

 

Vậy bạn có muốn coi cảnh máy bay hạ cánh và cất cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh (Liaoning) của Trung Quốc không? Mèng đét ơi, đúng là có cái gien cờ hoa trống gióng. Để chuẩn bị cho chuyến hạ cánh đầu tiên của máy bay xuống tàu sân bay Liêu Ninh, họ huy động rất đông các cô gái xếp thành 2 hàng ngang đi dọc theo đường băng trên tàu để lượm rác (chắc sợ máy bay bị cán nhằm ám khí của đinh tặc). Nghĩ cũng lạ, đàn bà con gái ở đâu mà trên tàu sân bay đông quá thể!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 4-11-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.