Thứ Hai ngày 29 tháng 4 năm 2024

APEC 2014: Đa dạng nhưng không đối nghịch

141111-APEC summit-leaders-07

 

Cho dù đằng sau hậu trường hay trong lòng các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tới dự cuộc họp thượng đỉnh chính thức lần thứ 22 của tổ chức này tại Bắc Kinh (ngày 10 và 11-11-2014) ra sao, những hình ảnh mà truyền thông thế giới truyền đi cho thấy họ vẫn còn có thể bắt tay nhau, nâng ly với nhau và ngồi lại bên nhau. Ngay cả Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Rồi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có những trao đổi ngắn, thậm chí chạm tay vào nhau. Đành rằng không loại trừ yếu tố ngoại giao, nhưng dù sao có bột mới gột nên hồ. Miễn là các nước có ảnh hưởng lớn nhất tới toàn bộ thế giới không căng thẳng tới mức chẳng thèm ngó mặt nhau là mọi người vẫn còn có hy vọng.

141111-APEC summit-leaders-16

Ba nhà lãnh đạo là trung tâm chú ý của thế giới tại Cuộc họp APEC 2014. Từ trái: Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tất nhiên ba nhân vật trung tâm của mọi sự chú ý của thế giới tại Bắc Kinh lần này là ba nhà lãnh đạo Mỹ, Nga và Trung Quốc. Thực tế là họ luôn đi đầu hay ở vị trí trung tâm trong các sự kiện chung tại APEC. Chẳng biết có ý hay vô tình mà trong dạ tiệc tối 10-11, cả ba nhà lãnh đạo này đều cùng chọn mặc bộ đại cán truyền thống của chủ nhà có màu tím (hai màu kia là xanh lá và nâu).

Giới bình luận quốc tế nói rằng cuộc họp thượng đỉnh APEC 2014 này có mục tiêu chính là thúc đẩy thương mại châu Á – Thái Bình Dương. Vì thế các bên vì lợi ích chung đã phải để lại bên ngoài phòng họp những bất đồng, căng thẳng giữa nhau. Mỹ và Trung Quốc cùng tuyên bố tăng cường thương thảo và thỏa thuận để giảm bớt căng thẳng quân sự giữa 2 bờ Thái Bình Dương. Trong cuộc họp song phương, Tổng thống Obama đã nói với Chủ tịch Tập rằng: “Khi Mỹ và Trung Quốc có thể làm việc một cách hiệu quả với nhau, toàn thể thế giới cùng được lợi.”

Ngay từ trước khi diễn ra cuộc họp APEC, thế giới đã chứng kiến một loạt sự hình thành của những định chế tài chính và thương mại mới ở châu Á – Thái Bình Dương, mà tất cả đều do Trung Quốc chủ xướng và nắm quyền chủ đạo.

Có thể kể tới Ngân hàng Phát triển nhóm nước BRICS (gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) xuất hiện hồi mùa hè 2014, có trụ sở tại Thượng Hải với số vốn ban đầu 50 tỷ USD, chủ yếu do Trung Quốc đầu tư. Mới nhất là ngày 24-10-2014, đại diện 21 châu Á (trong đó có Ấn Độ và 9/10 nước ASEAN – chỉ thiếu Indonesia) đã ký biên bản ghi nhớ thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) với số vốn ban đầu 50 tỷ USD do Trung Quốc góp vào. Hai ngân hàng do Trung Quốc chi phối này sẽ là đối trọng của các định chế tài chính – tiền tệ truyền thống là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều do Mỹ chi phối, cũng như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản chi phối.

Về thương mại, Trung Quốc đang ráo riết thành lập một nhóm nước gọi là Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, RCEP) bao gồm Trung Quốc, các nước Đông Á, Đông Nam Á, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Và ngay tại cuộc họp APEC 2014, Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ của diễn đàn này về sáng kiến thành lập Khu vực Thương mại Tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). APEC đã có văn kiện chính thức về lộ trình do Bắc Kinh đưa ra cho sự ra đời của FTAAP. Ai cũng hiểu khu vực FTAAP là đối trọng của liên minh  kinh tế do Mỹ khởi xướng gọi là Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) nhằm kết dính 12 nền kinh tế nằm trên Vành đai Thái Bình Dương lại với nhau (Trung Quốc không nằm trong TPP).

Trong lần thứ 2 đăng cai cuộc họp thượng đỉnh APEC này (lần trước vào năm 2001), Trung Quốc đã có một vị thế hoàn toàn khác hẳn. Theo một cách tính của IMF, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn số 1 của thế giới và có dự trữ ngoại tệ lên tới 4.000 tỷ USD, đồng thời là một thị trường tiêu thụ lớn nhất toàn cầu (hơn 1,3 tỷ dân), và một đại công xưởng sản xuất lớn nhất hành tinh. Vai trò và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với toàn cầu nào kém chi Mỹ và Nga. Vì thế, hoàn toàn là hợp lý khi Trung Quốc muốn chia sẻ quyền chủ động về tài chính – kinh tế thế giới.

Nhìn vào danh sách các nền kinh tế thành viên của các định chế tài chính và thương mại cũ và mới đó, người ta sẽ thấy có nhiều nước tham gia tất cả. Điều này là lẽ bình thường vì mỗi nước có chủ quyền riêng và phải tính tới lợi ích của đất nước mình, miễn là không gây hại hay đối kháng với quyền lợi của các nước khác cũng như của cả khu vực và thế giới.

Sự ra đời của các định chế quốc tế này sẽ có lợi cho tất cả khi giúp làm đa dạng hóa các giao lưu quốc tế giữa các nước để cùng nhau phát triển, có thể là đối trọng nhưng không được đối nghịch với nhau.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 13-11-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM 13-11-2014.