Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Trách nhiệm đâu phải chỉ có VTV…

Khác với các kỳ đại hội thể dục thể thao châu Á ASIAD trước đây, ở kỳ ASIAD lần thứ 18 Jakarta Palembang 2018 diễn ra tại 2 thành phố Jakarta và Palembang (Indonesia) từ ngày 18-8 tới 2-9-2018, các vận động viên Việt Nam vẫn tiếp tục tham gia tranh tài dưới màu cờ sắc áo của quốc gia mình, trong khi các cổ động viên ở nước nhà lâm vào tình trạng của người ngoài hành tinh (không dám dùng từ dao to búa lớn là “những đứa con bị từ chối”, hay “bị bỏ rơi”). Họ không còn được xem trực tiếp các nội dung thi đấu, đặc biệt đau nhất là khi có vận động viên Việt Nam tranh tài. Nếu muốn xem, họ phải đi đường vòng nhờ các mạng truyền thông xã hội, và chấp nhận thân phận là người… xem lậu, tiếp tay cho vi phạm bản quyền.

Tất cả cớ sự là do Việt Nam không mua bản quyền truyền hình của ASIAD 2018. Ngay tới bà giám đốc mảng truyền hình của ASIAD 2018 Linda Wahyudi cũng đã không giấu được sự ngạc nhiên vì trong khi có tới 75 nước và vùng lãnh thổ đã mua bản quyền truyền hình ASIAD 2018 (có hàng chục nước ngoài châu lục – châu Á có 48 nước) mà lại không có Việt Nam. Theo quy định, nước nào không có bản quyền truyền hình thì không được sản xuất và phát nội dung sự kiện tại nơi thi đấu (hãy coi trong mấy ngày qua, các ê-kíp truyền hình Việt Nam ở ASIAD 2018 chỉ có thể tác nghiệp bên lề). Nước mua bản quyền cũng phải bảo vệ, không để lọt sóng ra khỏi lãnh thổ nước mình. Nói vậy để hiểu rằng việc người ở Việt Nam mà xem các chương trình Live từ ASIAD 2018 trên các kênh phi chính thống là xem lậu. Họ chỉ xem lậu chớ không vi phạm bản quyền (cái này thuộc về nơi phát tán), có chăng họ là tòng phạm, tiếp tay cho vấn nạn vi phạm bản quyền. Tất nhiên, trong thực tế, nếu xem mang tính cá nhân và trong nhà thì còn có thể nhắm mắt làm ngơ. Còn như trường hợp chiều 19-8-2018, trận bóng đá Olympic Việt Nam gặp Olympic Nhật Bản được chiếu công khai trên màn hình lớn ở giữa TP.HCM thì thiệt là tệ hơn vợ thằng Đậu. Trong trường hợp này không thể biện minh là để phục vụ nhu cầu công chúng, vì cũng không thể dùng từ nào khác hơn là “thách thức”.

Trận bóng đá Olympic Việt Nam gặp Olympic Nhật Bản được chiếu công khai trên màn hình lớn ở giữa TP.HCM chiều 19-8-2018. (Nguồn: Internet.)

Trận bóng đá Olympic Việt Nam gặp Olympic Nhật Bản được chiếu công khai trên màn hình lớn ở giữa TP.HCM chiều 19-8-2018. (Nguồn: Internet.)

Và theo quán tính, cũng không thể khác hơn, thiên hạ trút hết trách nhiệm cho VTV với tư cách đài truyền hình quốc gia. Cho tới nay, cũng như ở vụ bản quyền của bóng đá World Cup 2018 vừa rồi, VTV biện minh rằng mình là một đơn vị tự chủ tài chính, phải cân nhắc lời lỗ khi hoạt động. Thực tế, VTV là một cơ quan truyền thông nhà nước cấp chính phủ mà từ năm 2009 đến nay hoạt động theo cơ chế tự chủ cả về tài chính tự thu tự chi để hoạt động với pháp nhân một doanh nghiệp, chỉ được nhà nước cấp một phần ngân sách cho việc thực hiện những phần việc cụ thể. Có một nguồn tin nói rằng trong năm 2018, VTV chỉ được ngân sách nhà nước cấp 300 tỷ đồng.

Thế nhưng, tôi vẫn luôn nói là VTV còn có nhiệm vụ chính trị là phục vụ nhân dân. Trong Nghị định 02/2018/NĐ-CP ngày 4-1-2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam cũng vẫn quy định ngay trong Khoản 1 Điều 1: Vị trí và chức năng rằng: “Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là đài truyền hình quốc gia thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bằng các chương trình truyền hình và các loại hình báo chí, truyền thông đa phương tiện khác.” Và để thực hiện chức năng “phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân”, đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân, VTV phải chủ động nghĩ ra các cách làm để có thể tốt cho tất cả. Đó là chưa nói tới nguyên tắc truyền thông quốc tế ngày nay, các cơ quan truyền thông phải mua nguồn tin và chưa nói tới chuyện bếp núc nghề nghiệp là các cơ quan truyền thông phải tìm cách để có được thông tin cung cấp cho khán giả, người đọc của mình.

Hơn nữa, chuyện lời lỗ của VTV với tư cách cơ quan nhà nước, đài truyền hình quốc gia, nghĩa là một đơn vị sự nghiệp có thu, khác với tư cách một doanh nghiệp nhà nước. Vì là cơ quan nhà nước, VTV có lỗ khi thực hiện nhiệm vụ của mình thì có quyền yêu cầu nhà nước xử lý, chớ không thể lời ăn, lỗ chịu như doanh nghiệp nhà nước (thực tế ở Việt Nam ta, doanh nghiệp nhà nước được nhà nước bảo hộ quá đáng: lời ăn, lỗ nhà nước chịu).

Cũng không thể viện lẽ mình là đơn vị phải tự chủ tài chính mà tính toán lời lỗ như một thương nhân. Bởi lẽ, VTV được nhà nước thành lập và chi tiền xây dựng như ngày nay (tiền này chính là tiền thuế của người dân). VTV chỉ hoạt động theo chế độ  tự chủ tài chính chứ không phải là tài sản của người VTV. Vì thế, là một cơ quan nhà nước tự chủ tài chính, VTV vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của một cơ quan nhà nước theo đúng chức năng của mình.

Tất nhiên, tôi nghĩ ta cần sòng phẳng và công bằng, không thể trút hết trách nhiệm cho VTV. Thậm chí, theo thiển ý của tôi, trách nhiệm chính và lớn nhất thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước về truyền hình và thể dục thể thao. Riêng với ngành thể dục thể thao, vai trò của bộ phận truyền thông và phong trào ở đâu trong vụ việc này. Với chức trách của mình, lẽ ra, họ phải có các phương án để phục vụ người hâm mộ thể dục thể thao nước nhà, cũng như thông qua đó là đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao. Không phải chỉ cần coi các vận động viên Việt Nam thi đấu, mà hoạt động tranh tài của vận động viên các nước cũng có thể giúp kích thích tình yêu thể dục thể thao trong công chúng, kể cả tự ái dân tộc. Ngành thể dục thể thao được lập ra đâu phải chỉ để lo tổ chức các giải đấu mà còn là để xây dựng phong trào thể dục thể thao cả nước.

Có lẽ chúng ta cũng đừng nên dùng trường hợp của Lào hay Cambodia để làm trầm trọng thêm chuyện của nước mình. Hình như hai nước này vẫn đang còn nằm trong nhóm nước được các tổ chức thể thao khu vực và thế giới cho hưởng chính sách ưu đãi, giá rẻ hoặc miễn phí như Việt Nam trước đây. Từ khá lâu rồi, Việt Nam không còn được coi là “nước chính sách” thuộc nhóm nước nghèo hay cận nghèo nữa.

Có một thực tế là chúng ta ngày càng thêm hội nhập quốc tế nên cũng cần phải chơi theo luật chơi của toàn cầu. Xem truyền hình là một loại hình kinh doanh phải trả tiền. Truyền hình miễn phí chỉ còn với những kênh mang tính quảng bá, của nhà nước để làm nhiệm vụ tuyên truyền là chính. Nếu ngon thì làm như Singapore trong World Cup 2018, một tổ chức dân sự đứng ra vận động nguồn tài chính mua bản quyền truyền hình về phát miễn phí cho người dân cùng hưởng thụ. Mà đã là kinh doanh truyền hình thì các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng phải tính toán lời lỗ trước mỗi chương trình. Nhờ thông tuệ được mở mắt như vậy nên tôi bớt được cả tấn… than.

Thiệt tình có nhiều chuyện để nói về vụ việc người hâm mộ thể dục thể thao ở Việt Nam bị lỡ chuyến đò ASIAD 2018. Tôi chỉ dám múa bàn phím vài đường râu ria thiệt là rầu rĩ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC