Việt Nam trên đường trở thành một trung tâm số của Châu Á
Trong kỷ nguyên Internet, các nước muốn có được ưu thế phải xây dựng cơ sở hạ tầng Internet mạnh mẽ. Và với nền tảng đó, các nước đang chạy đua với tham vọng trở thành những trung tâm số – digital hub – của khu vực, châu lục hay toàn cầu. Trong thời đại số, ai làm chủ thông tin, người đó có nhiều lợi thế. Và trong xu hướng tất cả các lĩnh vực công nghệ trở thành các dịch vụ, cung cấp dịch vụ Internet trở thành một nguồn lợi to lớn trong nền kinh tế số. Một nước cho dù không phải là một trung tâm công nghệ, nhưng vẫn có thể trở thành một trung tâm kết nối số.
Digital hub. (Ảnh: Internet. Thanks).
Trên thế giới hiện nay có khá nhiều thành phố là những trung tâm Internet (Internet hub) quốc tế. Theo trang Capacitymedia.com, những trung tâm Internet hàng đầu thế giới như Frankfurt (Đức), London (Anh), Amsterdam (Hà Lan), Paris (Pháp), Stockholm (Thụy Điển), Marseille (Pháp), Hồng Kông (Trung Quốc), New York (Mỹ),…
Theo định nghĩa của Capacitymedia.com, các trung tâm Internet là một phần của địa lý tự nhiên (physical geography) của Internet. Một khu vực địa lý trở thành trung tâm Internet khi được các nhà mạng, các nhà dịch vụ CDN, các mạng xã hội, đám mây, lưu trữ, trò chơi và các nhà cung cấp dịch vụ CNTT chọn làm nơi kết nối vật lý mạng của họ.
Vị trí đắc địa cũng rất quan trọng. Chẳng hạn như trường hợp thành phố Marseille chỉ trong vòng có 5 năm đã trở thành một trung tâm Internet quốc tế hàng đầu thế giới cũng có phần ở lợi thế vị trí địa lý độc đáo của nó. Thành phố này nằm ở ngã tư giữa Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông và hoạt động cảng hàng hải lịch sử của nó, Marseille có một di sản đáng kinh ngạc mà ít thành phố nào trên thế giới có thể cạnh tranh được: tập hợp 14 cáp viễn thông quốc tế ngầm, bao gồm cả các tuyến cáp mới như AAE-1 và SEA-ME-WE 5, kết nối Châu Âu, Châu Phi, Trung Đông và Châu Á. Đến năm 2025, số lượng tuyến cáp Internet quốc tế dự kiến sẽ tăng lên hơn 20 và dung lượng tối đa trên các cáp này dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần từ 160Tbps vào năm 2019 lên 640Tbps.
Cũng theo Capacitymedia.com, trong thế giới mạng, vị trí tốt có nghĩa là độ trễ tốt. Khi nhìn vào bản đồ, người ta có thể hiểu cách Marseille cung cấp các kết nối có độ trễ thấp với các mạng ở Trung Đông, Bắc Phi hoặc Trung Phi. Sự gần gũi của Marseille với các khu vực này có thể tiết kiệm chi phí băng thông lên đến 75%.
Sở dĩ nhắc đến trường họp thành phố Marseille là để xem xét những tương đồng với thực tiễn của Việt Nam. Tất nhiên, ở đây ta không so sánh giữa quy mô thành phố với tầm cỡ cả một quốc gia, mà chỉ đơn thuần nói về trung tâm số. Hơn nữa, mục tiêu của Việt Nam không chỉ là một trung tâm Internet mà là trung tâm số. Digital hub mà Việt Nam đang hướng đến hàm nghĩa trung tâm số làm dịch vụ kỹ thuật số trên nền Internet.
Ngay trong Dự thảo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt ra các yêu cầu phát triển với Internet Việt Nam trong giai đoạn tới, trong đó Việt Nam sẽ trở thành một digital hub – nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới. Trước hết là trở thành một digital hub của Châu Á.
Liệu việc đưa Việt Nam trở thành một digital hub có khả thi? Việt Nam đã sẵn sàng tới đâu trên con đường phát triển Internet này?
Có thể nói một cách hình tượng rằng: một digital hub là một siêu nhân đứng trên 2 chân: cơ sở hạ tầng Internet và năng lực data center.
Cơ sở hạ tầng Internet – viễn thông chính là nền tảng cho chuyển đổi số toàn diện quốc gia, cho chính phủ số và kinh tế số. Phải nói rằng, ngay sau lễ khai trương mạng Internet ở Việt Nam ngày 19-11-1997, đưa Việt Nam kết nối với xa lộ thông tin của thế giới, Việt Nam đã không ngừng phát triển Internet để ngày nay có được cơ sở hạ tầng Internet có tầm cỡ cao trên thế giới. Năm 2021, Việt Nam đạt con số 71 triệu người sử dụng Internet (chiếm 2/3 dân số cả nước) và có tốc độ tăng trưởng lưu lượng Internet mạnh mẽ với hơn 40%. Hạ tầng Internet Việt Nam trong năm 2022 sẽ được đầu tư lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Điều này thể hiện nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, công nghệ phải hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới.
Còn về trung tâm dữ liệu, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã có những sự đầu tư mạnh tay và bài bản, theo chuẩn quốc tế vào lĩnh vực data center với tham vọng không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn sẵn sàng vươn ra khu vực và thế giới. Nhiều hệ thống trung tâm dữ liệu hiện đại đã được xây dựng để góp phần đồng bộ, hoàn thiện hạ tầng số quốc gia.
Chẳng hạn, mới nhất là hồi tháng 5-2022, CMC chính thức đưa vào vận hành Data Center (DC) Tân Thuận, trung tâm dữ liệu hiện đại, an toàn hàng đầu Việt Nam và khu vực APAC. DC Tân Thuận mang đến khả năng kết nối và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho doanh nghiệp với hệ thống 1.200 tủ mạng (rack) công suất cao lên tới 20kw/rack trong khu vực rộng 10.000 m². Và đặc biệt, Data Center Tân Thuận là DC đầu tiên và duy nhất hiện nay của Việt Nam được cấp chứng chỉ Uptime Tier III cho cả Thiết kế và Xây dựng. Tập đoàn công nghệ CMC đang sở hữu 3 Data Center trung lập.
Trung tâm dữ liệu DC Tân Thuận đạt chuẩn quốc tế của CMC vừa được đưa vào hoạt động hồi tháng 5-2022. (Ảnh do CMC cung cấp).
Tập đoàn Viettel hiện có 4 trung tâm dữ liệu tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương, có tổng cộng 3.000 rack tiêu chuẩn 42U. Cả 4 trung tâm dữ liệu này đều được xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế Tier III.
Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam VNPT với vị thế là một tập đoàn nhà nước chủ đạo của quốc gia đã có ý thức đầu tư cho hệ thống hạ tầng cơ cở Internet và trung tâm dữ liệu từ rất sớm và giờ đây đã có đủ năng lực để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia, lưu trữ các cơ sơ dữ liệu quốc gia, trục liên thông văn bản quốc gia VDXP, trục truyền dẫn quốc gia,… VNPT đang vận hành và khai thác hệ thống IDC quy mô lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. VNPT cũng hợp tác với Amazon Web Service và các doanh nghiệp lớn nước ngoài nhằm bổ trợ cho hạ tầng hiện có của mình.
Công ty FPT hiện sở hữu 2 trung tâm dữ liệu (Hà Nội và TP.HCM) phục vụ cho tất cả các khách hàng… cùng với băng thông kết nối trong nước với các ISP khác lớn hơn 500Gbps, tổng băng thông kết nối đi quốc tế lên đến 380Gbps qua các hướng Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore.
Công ty VNG là nhà cung cấp điện toán đám mây với 2 trung tâm dữ liệu chuẩn quốc tế đặt tại Việt Nam.
Việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối Internet của khu vực đã là một trong những chủ đề bàn thảo tại Hội nghị Internet Việt Nam (VNNIC Internet Conference 2022) với chủ đề “Tương lai của Internet” (The Future of Internet) do Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC (Bộ TT&TT) tổ chức tại Đà Nẵng từ 22 đến 25-6-2022.
Các chuyên gia Việt Nam và quốc tế tham dự Hội nghị Internet Việt Nam 2022 đã cùng nhận định rằng, Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành điểm kết nối và lưu trữ dữ liệu của khu vực ASEAN cũng như Châu Á – Thái Bình Dương (APAC).
Theo các chuyên gia, một digital hub của khu vực cần đáp ứng các tiêu chí như: vị trí địa lý, hạ tầng kết nối băng thông rộng, có độ tin cậy cao, giá cả phải chăng, có hệ sinh thái đổi mới – sáng tạo… Họ cũng lưu ý, để trở thành trung tâm số của khu vực, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với một số quốc gia khác, đặc biệt là Thái Lan, Malaysia.
Tương tự như trường hợp thành phố cảng Marseille của Pháp nói ở trên, Việt Nam có một có vị trí địa lý đặc biệt nằm trên bờ Thái Bình Dương, gần trung tâm khu vực APAC; nằm trên ngã tư đường hàng hải, hàng không quốc tế, với các tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Á tạo điều kiện giao lưu với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam có mối quan hệ qua lại thuận lợi với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo tạp chí Cộng Sản, Việt Nam nằm ở vị trí huyết mạch của nền kinh tế khu vực nơi có các nền kinh tế phát triển mạnh và năng động, là động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới. Là cầu nối giữa hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của các nước Đông Nam Á và Châu Á, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực. Với lợi thế “mặt tiền” trông ra Thái Bình Dương, Việt Nam đóng vai trò then chốt về kinh tế và cung ứng dịch vụ logistics cho các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Tại Hội nghị Internet Việt Nam 2022, ông Đặng Tùng Sơn, DCEO/CMO của CMC Telecom, đã chia sẻ về chủ đề “Viet Nam – the next Asia Digital Hub” (Việt Nam, trung tâm số Châu Á tiếp theo), trong đó nhấn mạnh rằng: “Việt Nam có muốn bắt kịp con tàu 4.0 để đất nước phát triển dựa trên công nghệ cao và trở thành trung tâm số hay không thì điều kiện tiên quyết chính là hạ tầng số. Chiến lược của CMC trong lĩnh vực viễn thông là hợp tác với những hãng công nghệ hàng đầu thế giới nhằm đưa Việt Nam thành một digital hub trung chuyển trong khu vực, bên cạnh Hồng Kông hay Singapore.”
Ông Đặng Tùng Sơn chia sẻ: “Sau khi đánh giá các yếu tố như: vị trí địa lý thuận lợi, chính sách mở và nhất quán, hạ tầng kết nối đa dạng, data center trung lập quy mô lớn, thu hút được sự tham gia và hiện diện của các hãng CNTT hàng đầu… các chuyên gia quốc tế cũng như Tập đoàn Công nghệ CMC tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ các điều kiện để trở thành trung tâm số tiếp theo của khu vực.”
Để thực hiện được chiến lược trên, các chuyên gia đều thống nhất rằng, cộng đồng Internet Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp cần chung tay, hợp tác phát triển đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối số. Và để tăng tốc hơn, Việt Nam một mắt dựa vào nội lục của mình còn phải biết tranh thủ được các nguồn lực quốc tế.
Bản in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 10-7-2022 và báo NLĐ Online.
PHẠM HỒNG PHƯỚC