Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Từ Việt Nam qua Mỹ ăn… phở Saigon

130604-thkt-texas-dallas-thaynhan-127-1024

Thú thiệt, nói ra các bạn bè ở bên Mỹ đừng có “nổi sảy”, chớ tôi vào các tiệm phở Việt Nam ở Mỹ nhìn cảnh đông đảo dân Mỹ hí hửng, hào hứng, sì sụp ăn những tô phở loại “đại cồ bự” (large size) thấy mà thương giùm cho họ. Giá như họ được mần quen với phở Việt bằng những tô phở “gin” ngay ở Việt Nam thì có lẽ họ còn “sướng tê người” hơn đó chớ. Có hai món ăn Việt Nam mà người Mỹ rất thích là phở và chả giò. Thường thì cuối tuần, họ chở cả nhà đi ăn.

Nhưng nói vậy thôi chớ nhập gia tùy tục mà, phở Việt ở Mỹ mà nấu đúng gu ở Việt Nam chưa chắc đã hạp khẩu vị của người Mỹ. Giống như mấy món fast-food như hamburger, pizza của KFC, Pizza Hut,… khi qua xứ Việt cũng phải gia giảm nêm mếm cho vừa với khẩu vị của người Việt mình thì mới bán được. Nói đâu xa, người ghiền phở Bắc ở Saigon mà ra Hà Nội ăn phở dễ bị thất vọng, hay người Saigon ra Huế ăn món bún bò Huế chính hiệu có thể lại cảm thấy chán phèo.

Các loại thức ăn có nước (phở, hủ tíu, bún,…) ăn nhau là ở cái nước dùng (hay nước lèo). Nước phở Việt ở Mỹ nó lễnh loãng, nhạt phèo, cho dù người Mỹ ăn cực mặn, cực béo, cực ngọt. Dân ăn phở, hủ tíu hay bún có số má thì thao tác đầu tiên phải là múc một muỗng nước lên húp.

Kế đó là cái chuyện bánh phở, hủ tíu hay bún. Ngoại trừ ở Nam California, nơi có đông người Việt, có những lò sản xuất bánh phở hay bún tươi, còn thì tất thảy các vùng khác trên nước Mỹ chỉ xài đồ khô rồi trụng nước sôi. Bánh phở hay hủ tíu khô ở đây ăn nó nhơn nhớt, nhàn nhạt, giống như ăn sợi cao su. Cái này hỗng phải mình tôi nhận xét, nhiều bạn bè tôi ở Mỹ cũng thừa nhận như vậy.

Có lẽ cũng có thêm một yếu tố nữa là phở Việt ở Mỹ nấu quá sạch, bán tại các tiệm quá sạch… nên dường như nó thiếu cái mùi vị “hồng trần” (tôi chớ dám dùng cái từ nhạy cảm “dơ dơ”) như ở Việt Nam. Nó dường như là kiểu “phở công nghiệp”.

130604-thkt-texas-dallas-thaynhan-129-1024

Anh Nguyễn Văn Nghĩa, thầy Mai Văn Nhãn và tôi tại Dallas sáng 4-6-2013.

Ngày 3-6-2013, khi được thầy cô Mai Văn Nhãn ở Dallas (Texas) đãi học trò cũ một bữa phở, tôi được biết thêm cái món gia vị không thể thiếu khi ăn phở, hủ tíu, bún ở Mỹ là “tương ớt Sriracha” (Sriracha hot chili sauce), giống như tương đỏ ở bên nhà nhưng có vị cay của ớt. Loại tương ớt được nhiều người chuộng có nhãn hiệu con gà do hãng Huy Fong Foods ở California sản xuất, đóng chai nhựa Pet 28oz (793g), có ghi rõ “made in USA”. Rồi cũng có một loại tương ớt Sriracha có kiểu dáng tương tự, nhãn hiệu “3 miền”, được ghi là “made in Vietnam”, nhưng không rõ ai sản xuất, dung lượng nhỏ hơn một chút, 27oz (766g). Ông thầy tôi nói mình hạp cái “con gà” hơn, về Việt Nam tìm mua không có.

130604-thkt-texas-dallas-thaynhan-045-1024

130604-thkt-texas-dallas-thaynhan-046-1024

Hai loại tương ớt Sriracha.

Bà con người Việt mình sống lâu năm ở Mỹ có được tô phở nóng sì sụp húp cũng phần nào vơi được nỗi nhớ nhà. Những khi bị cảm, bỏ ăn, họ lại càng cần có tô phở nóng vừa dễ nuốt, vừa giúp vã mồ hôi. Lâu dần, họ cũng quen dần với hương vị của phở Việt ở Mỹ. Chỉ tội nghiệp cái thân tôi khi qua Mỹ với cái khẩu vị còn “ô-ri-gin”, ăn phở Việt ở Mỹ mà càng nhớ da diết phở Việt ở Saigon, cho dù chỉ là món phở mì gõ bán rong trong các ngõ hẽm bình dân.

130604-thkt-texas-dallas-thaynhan-133-1024

Ăn hủ tíu tại tiệm hủ tíu Mỹ Tho ở Dallas (Texas) ngày 4-6-2013

Các tiệm phở ở Mỹ bán phở theo 3 cỡ tô: small (nhỏ), medium (trung) và large (lớn). Tô large bự bà cố, nhưng dân Mỹ ăn gọn bâng. Còn tôi đánh vật với cái tô medium luôn phải bỏ mứa vì “bự quá chừng”. Giá một tô phở xê xích chừng 8 USD (large), 7 USD (medium) và 6 USD (small). Còn có loại “phở cô đơn” (lone noodle), tức loại “phở không người lái” ở bên nhà – không có thịt, giá 3 USD một tô nhỏ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 9-6-2013)